01/09/2024 11:46 GMT+7

Nạn tham nhũng vặt khiến doanh nghiệp, người dân phải chi trả nhiều khoản ngoài quy định

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã nêu ra khi trả lời kiến nghị cử tri TP.HCM gửi trước kỳ họp thứ 7 của Quốc hội về biện pháp xử lý tham nhũng vặt.

Nạn 'tham nhũng vặt' làm nhiều doanh nghiệp, người dân phải chi trả nhiều khoản ngoài quy định - Ảnh 1.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong - Ảnh: GIA HÂN

Cử tri TP.HCM kiến nghị tăng cường hơn nữa công tác giám sát, kiểm tra để sớm phát hiện và xử lý ngay đối với các vụ việc về tham nhũng, không để phát sinh thành vụ việc nghiêm trọng vốn rất mất thời gian xử lý và làm giảm lòng tin của người dân.

Đồng thời, đề nghị cần sớm có biện pháp khắc phục tình trạng tham nhũng vặt, nhũng nhiễu đối với doanh nghiệp và người dân.

Một số người đứng đầu chưa thực sự gương mẫu

Trả lời nội dung này, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho hay dưới sự lãnh đạo, của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, toàn dân, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng...

Tuy nhiên, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả.

Tham nhũng trên nhiều lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội.

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ nét; công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ vẫn là khâu yếu.

Một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt, nói chưa đi đôi với làm trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực; còn có nơi nể nang, né tránh.

Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ cấp cao thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tiêu cực, tham nhũng...

"Có thể khẳng định nạn tham nhũng vặt đã làm cho nhiều doanh nghiệp và người dân phải chi trả những khoản chi phí ngoài quy định khi thực hiện các thủ tục hành chính", Tổng Thanh tra chỉ rõ.

Trước tình hình thực tế đó, theo Tổng Thanh tra Chính phủ, sau khi Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt trong việc chỉ đạo hoàn thiện các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành luật.

Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị 10/2019 về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Ban hành chỉ thị 26/2023 về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ.

Chỉ đạo ngành thanh tra tổ chức thanh tra chuyện để trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp.

Hiện nay, Thanh tra Chính phủ và toàn ngành đang thực hiện thanh tra chuyên đề này và sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả sau khi hoàn thành.

Tập trung ngăn chặn, xử lý nghiêm tham nhũng vặt

Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Trong đó, tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo; tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thanh tra, các văn bản hướng dẫn thi hành, quan tâm thực hiện đề án "Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập"...

Hoàn thiện các quy định xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, phục vụ; tăng cường chỉ đạo, tạo chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở.

Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, không để cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng, tiêu cực làm nhiệm vụ này.

Tập trung xử lý nghiêm khắc, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tham nhũng vặt, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Triển khai có hiệu quả các cuộc kiểm tra, thanh tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo kế hoạch và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương.

Tăng cường, tập trung thanh tra vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội, những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính chất khép kín; các vụ việc có dấu hiệu rửa tiền, vận chuyển trái phép tiền tệ, kim khí quý, đá quý qua biên giới... kịp thời thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế đã phát hiện...

Nạn 'tham nhũng vặt' làm nhiều doanh nghiệp, người dân phải chi trả các khoản ngoài quy định - Ảnh 3.Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chủ trì họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Sáng 14-8, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tổ chức phiên họp thứ 26.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên