Bởi vậy, những bé gái cứ vào độ tuổi 14-15 đã đi lấy chồng, rồi phải gánh vác trọng trách làm vợ và thiên chức làm mẹ.
17 tuổi lấy chồng là muộn
RơChăm Mân và R’Mah H’Kloh cưới nhau năm 2006. Khi đó, H’Kloh mới 17 tuổi. Do nhận thức hạn chế, lại không được đi học nên lấy chồng là giải pháp tốt nhất đối với H’kloh. Đến nay, mới 26 tuổi nhưng H’Kloh đã là mẹ của ba đứa con. Đứa con đầu sinh năm 2006, con thứ ba mới sinh được gần 10 ngày. Cả ba con đều sinh tại nhà.
Lấy chồng sớm, sinh con đông và sinh dày đã làm cho H’Kloh tiều tụy và khuôn mặt già dặn hơn so với độ tuổi của mình. Trong khi đó, các con của chị không được mẹ chăm sóc đầy đủ nên gầy gò, ốm yếu và kém phát triển. Đứa con đầu đã đi học lớp 1 nhưng chưa biết đọc. Thực tế cho thấy đối với H’Kloh và những bạn bè cùng trang lứa thì họ không biết Luật hôn nhân và gia đình, kiến thức về làm mẹ an toàn... là gì. Bởi vì tập tục tảo hôn và sinh con tại nhà đã ăn sâu trong suy nghĩ của đồng bào Jarai từ xa xưa.
Chị Nguyễn Thị Thúy - cán bộ chuyên trách dân số xã Ea Rốk - cho biết: “Dân vùng này vẫn quan niệm con gái 14-15 tuổi chưa lấy chồng thì bị chê là quá lứa mà không biết học cách sinh con. Còn trường hợp như H’Kloh được cho là lấy chồng muộn”.
“Phép vua” thua “lệ làng”
Nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn, công tác tuyên truyền về Luật hôn nhân và gia đình luôn được chính quyền và các ban ngành, đoàn thể ở xã Ea Rốk chú trọng. Tuy nhiên, “phép vua” vẫn phải thua “lệ làng”, chuyện tảo hôn ở xã Ea Rốk cứ tiếp tục xảy ra theo thời gian.
Nay H’Loan là con thứ hai trong một gia đình có ba chị em. Do nhà nghèo nên cả chị gái và H’Loan không được đi học, ở nhà đi làm phụ giúp ba mẹ. Chị gái đã đi lấy chồng và sinh con, còn H’Loan cũng mới lấy chồng năm 2012 khi vừa tròn 14 tuổi. Chồng H’Loan là Rmah Alok học hết lớp 6 rồi đi bộ đội mới về năm 2011.
Chị H’Breng, mẹ của H’Loan, cho biết được cán bộ dân số tuyên truyền, chị đã biết con mình lấy chồng dưới 18 tuổi là vi phạm pháp luật, nhưng chị vẫn đồng thuận vì lý do “con gái trong vùng này ở tuổi đó đều lấy chồng hết rồi”.
14 tuổi là tuổi vị thành niên, cái tuổi mà nhiều bạn trẻ đang được học tập, vui chơi hồn nhiên, xây dựng hoài bão. Còn đối với H’Loan lại là tuổi “ăn chưa no, lo đã tới”, em phải gánh vác trọng trách của người vợ, thời gian tới sẽ là thiên chức người mẹ. Một tương lai đầy khó khăn và thử thách đối với em.
Theo thống kê của Ban dân số - kế hoạch hóa gia đình xã Ea Rốk, từ năm 2010-2012 toàn xã có 63 trường hợp tảo hôn. Tảo hôn không chỉ xảy ra ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà còn có cả người Kinh, một số em đang học lớp 9, lớp 10 phải bỏ học đi lấy chồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận