29/01/2007 03:29 GMT+7

Nạn sính ngoại ngữ trong cơ quan nhà nước

NGUYỄN THANH BÌNH (P.12, Q.Gò Vấp, TP.HCM)
NGUYỄN THANH BÌNH (P.12, Q.Gò Vấp, TP.HCM)

TT - PMU giờ đã là một “thương hiệu” quá nổi tiếng mà ai cũng biết. Tuy nhiên, những ngày đầu xảy ra vụ án PMU18, khi báo chí đưa tin tôi chẳng biết PMU nghĩa là gì, chỉ nghe người ta nói đó là viết tắt của ban quản lý dự án. Một thời gian sau, đọc báo tiếng Anh tôi mới hiểu

PMU là viết tắt từ “Project Management Unit” (tiếng Việt nghĩa là ban quản lý dự án). Giả sử tôi là một nông dân, tiếng Anh không biết thì sao nhỉ? Liệu tôi có hiểu PMU nghĩa là gì không? Mà nông dân ở VN lại chiếm tới 70% dân số. Khi ấy, tôi đã không hiểu sao Nhà nước ta lại không dùng từ viết tắt tiếng Việt thuần của dân ta mà lại dùng từ viết tắt từ tiếng Anh như vậy? Chắc gì lần đầu tiên đưa danh thiếp các đối tác nước ngoài đã hiểu PMU là cái gì? Đơn giản bởi vì không phải ở quốc gia nào cũng có loại hình ban quản lý dự án như ở VN.

Thực tế cho thấy không phải chỉ có Bộ Giao thông vận tải mới sính dùng ngoại ngữ mà hầu như khắp các cơ quan nhà nước, đặc biệt là ở cấp bộ rất thích dùng ngoại ngữ, kể cả các cơ quan về giáo dục khi đề cập tới tên viết tắt hoặc ở địa chỉ website, thư điện tử... Ví dụ: “Moet” nghĩa là Bộ Giáo dục - đào tạo, “MT” nghĩa là Bộ Giao thông - vận tải, “Molisa” là Bộ Lao động - thương binh & xã hội, “Ueh” là Trường đại học Kinh tế TP.HCM...

Thậm chí, ngay cả Bộ Văn hóa thông tin, cơ quan luôn kêu gọi bảo tồn giữ gìn văn hóa truyền thống, giữ gìn tiếng Việt, viết tắt cũng tây 100%: “cinet”! Khi nhìn vào những từ viết tắt ấy, chúng ta chẳng thể thấy bóng dáng tiếng Việt đâu cả. Việc sính dùng ngoại ngữ này theo tôi Nhà nước ta nên xem xét lại. Một là, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng viết tắt bằng tiếng Việt mà không ảnh hưởng gì. Hai là, việc sử dụng viết tắt bằng tiếng Anh như vậy chắc chắn không thể nâng cao được hiệu quả công việc. Lý do đơn giản vì các cơ quan đó đang ở VN, đối tượng phục vụ chính là người dân VN chứ không phải là người Anh, Mỹ.

Hơn nữa, tên gọi các cơ quan, tổ chức tại mỗi quốc gia rất khác nhau. Do vậy, khi sử dụng từ viết tắt bằng tiếng Anh cũng không dễ gì làm đối tác nước ngoài tự hiểu được. Ba là, việc sử dụng ngoại ngữ như vậy tức là chúng ta đang quay lưng lại với chính nền văn hóa của chúng ta, với ngôn ngữ của chúng ta, khiến tinh thần dân tộc bị mất đi.

Nhiều năm qua, các cơ quan nhà nước luôn kêu gọi người dân phải giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, ngôn ngữ của dân tộc, kêu gọi chúng ta hòa nhập quốc tế chứ không hòa tan. Tuy nhiên, việc chính các cơ quan nhà nước sính dùng ngoại ngữ như vậy khiến cho các kêu gọi của Nhà nước trở thành lý thuyết suông.

NGUYỄN THANH BÌNH (P.12, Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên