Sau hàng loạt bê bối về quấy rối tình dục, số phụ nữ đăng ký gia nhập Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) đã giảm 12% vào tháng 3-2023, sau nhiều năm tăng trưởng ổn định.
Giải thích cho sự suy giảm trên, một số nạn nhân cho biết nguyên nhân có thể đến từ văn hóa quấy rối, khiến phụ nữ không muốn cống hiến trong quân đội.
Phụ nữ chỉ chiếm 9% số lượng quân nhân ở Nhật Bản, trong khi đó ở Mỹ - đồng minh an ninh quan trọng của Tokyo, tỉ lệ này cao gần gấp đôi với 17%.
Hãng tin Reuters dẫn lời hai quan chức không nêu tên thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết bất chấp những cam kết thực hiện các biện pháp ngăn chặn vấn nạn quấy rối từ 9 tháng trước, Bộ Quốc phòng hiện vẫn chưa có hành động cụ thể nào để nâng cao chất lượng các buổi tập huấn về phòng chống quấy rối tình dục.
Theo một báo cáo công bố hồi tháng 8-2023, hội đồng do Chính phủ Nhật Bản chỉ định cho hay quân đội đã triển khai các chương trình đào tạo về phòng chống quấy rối tình dục một cách qua loa và hời hợt. Đây là một trong nhiều yếu tố góp phần hình thành vấn nạn quấy rối trong tổ chức.
Trả lời phỏng vấn Hãng tin Reuters, một nạn nhân bị quấy rối tình dục chia sẻ cô cảm thấy các chương trình tập huấn phòng chống quấy rối mà cô từng tham gia trong 10 năm qua hầu như không giúp ích được gì.
“Thay vì đưa ra lý thuyết suông về quấy rối tình dục, các diễn giả có thể sử dụng những tài liệu thiết thực và mang tính ứng dụng hơn”, nữ quân nhân này nói thêm.
Trả lời các câu hỏi của Reuters, Bộ Quốc phòng Nhật Bản khẳng định hành vi quấy rối bị nghiêm cấm vì nó khiến các quân nhân mất đi sự tin tưởng lẫn nhau, từ đó làm suy yếu sức mạnh của quân đội Nhật Bản.
Bộ Quốc phòng cho biết họ đã triển khai các chương trình đào tạo từ năm 2023, tổ chức các buổi hội thảo, đồng thời dự kiến mời nhiều chuyên gia để cải thiện chất lượng các buổi tập huấn.
Tuy nhiên Bộ Quốc phòng không trả lời câu hỏi về việc liệu tổ chức này có quyết tâm thực hiện các khuyến nghị và giải pháp được đưa ra trong hội thảo hay không.
Sau vụ cựu quân nhân Rina Gonoi bị tấn công tình dục vào năm 2022, Bộ Quốc phòng đã tiến hành điều tra trong cùng năm và phát hiện hơn 170 vụ quấy rối tình dục trong SDF.
Một số sĩ quan lo ngại việc tập trung quá nhiều vào một chủ đề nhạy cảm như quấy rối tình dục có thể ảnh hưởng đến hoạt động của nội bộ và phát sinh các vấn đề trong việc giải quyết khiếu nại.
Chia sẻ về cách giải quyết tình trạng quấy rối tình dục, giáo sư luật Tadaki cho biết Nhật Bản có thể học hỏi từ quân đội các nước khác.
“Mỹ, Anh và Pháp ngăn chặn hành vi quấy rối từ trong gốc rễ. Cụ thể, các chương trình tập huấn phòng chống quấy rối tình dục tại các quốc gia này tập trung vào việc cải thiện môi trường và xây dựng văn hóa tổ chức nhiều hơn”, ông Tadaki lập luận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận