04/07/2017 15:19 GMT+7

'Nạn nhân có HIV hay không, tôi vẫn sẵn sàng lao ra cứu'

T.T.NHI
T.T.NHI

TTO - Anh Lê Văn Tùng (28 tuổi, ngụ thôn 11, xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà, Kon Tum), người được nhiều người phong là “anh hùng”, chỉ nói đơn giản vậy khi cứu người gặp nạn trong vụ tai nạn thảm khốc ở Kon Tum.

 


Dáng người nhỏ thó, da ngăm đen, anh xua tay và gạt phắt khi tôi đề cập câu chuyện cứu người buổi trưa 30-6: "Thôi, cứu người làm phước, có gì đâu mà kể. Thấy người gặp nạn thì chạy ra cứu, chứ kể công cán làm chi".

Không có thời gian để suy nghĩ

Mãi sau anh mới bắt đầu câu chuyện: "Trưa hôm đó, đang nghỉ trưa ở nhà thì nghe tiếng nổ lớn. Tôi chạy xuống xem thì thấy các nạn nhân nằm la liệt dưới đất. Lúc đó tôi liền chạy về gọi thêm một số người và chạy xe tải tới hiện trường để cứu người bị nạn".

Mọi người cùng lao lại, đập vỡ kính để đưa người bị thương xuống xe.

"Lúc này chúng tôi chẳng nghĩ gì ngoài việc mau chóng đưa người bị thương xuống xe, càng nhanh càng tốt", anh Tùng kể.

Với kinh nghiệm của mình, anh Tùng đứng ra hướng dẫn bà con khiêng, bế người bị nạn lên thùng xe. Lúc này trời mưa còn nặng hạt, một số người còn chạy về lấy mấy tấm bạt để che mưa cho nạn nhân.

Sau khi đưa nạn nhân cuối cùng lên xe, quần áo anh cũng ướt đẫm máu. Cũng chẳng có thời gian đâu mà suy nghĩ nhiều, anh nhảy lên xe chở các nạn nhân đến Trung tâm Y tế huyện Đăk Hà. Đến nơi lại tiếp tục đưa các nạn nhân lên băng ca đẩy vào phòng cấp cứu.

Chưa dừng lại ở đó, khi bàn giao các nạn nhân cho các y bác sĩ anh và mọi người khẩn trương quay lại hiện trường để tiếp tục ứng cứu các nạn nhân bị thương nhẹ hơn. 

Đến lúc này mới có người đến thông báo trong số 2 nạn nhân chết tại hiện trường, có trường hợp bị nhiễm HIV. 

Người dân tham gia cứu người gặp nạn - Ảnh tư liệu

Biết họ mắc bệnh mình vẫn cứu thôi!

"Nếu biết có người bị bệnh HIV anh có cứu không?", chúng tôi hỏi. "Có bị HIV hay không tôi không quan tâm, tôi vẫn sẵn sàng vào cứu thôi! Nếu là anh có mặt ở đó cũng sẽ làm vậy, lương tâm không cho phép mình đứng nhìn được” - anh Tùng quả quyết.

Đến nay, trong số 7 người trong gia đình anh Tùng tham gia cứu người có tới 5 người nghi ngờ bị phơi nhiễm HIV.

"Lúc mới nghe nạn nhân bị nhiễm HIV, mọi người đều lo lắng, hoang mang lắm. Nhưng khi được các bác sĩ giải thích và cho uống thuốc thì đều an tâm, nhất là kết quả xét nghiệm ban đầu tất cả đều âm tính với HIV" - anh Tùng nói thêm.

Anh Lê Ngọc Đức (32 tuổi, ngụ thôn 11, xã Đăk Ring), một trong những người dân tích cực tham gia cấp cứu nạn nhân và bị dính máu dính vào người, cũng nói: “Có biết họ mắc bệnh mình vẫn cứu thôi. Họ gặp nạn nằm ra đó mình không thể làm ngơ được”.

Cơ quan chức năng gặp gỡ những người dân tham gia cứu người bị nạn - Ảnh: T.T.Nhi

Bác sĩ Lê Thị Thạc - trưởng ca trực cấp cứu Trung tâm Y tế huyện Đăk Hà - kể khi vừa nhận được điện thoại của lãnh đạo cũng là lúc xe tải của anh Tùng chở nạn nhân tới bệnh viện. 

Lúc đó, mọi người đều khẩn trương đưa nạn nhân về các vị trí thuận lợi để cấp cứu. Những trường hợp nặng, các bác sĩ phải thông dịch phổi, đặt nội khí quản, nhân viên y tế thì bóp bóng bơm oxy vào phổi để các nạn nhân thở. 

Các trường hợp khác, tùy theo tình trạng để cấp cứu như cố định các trường hợp gãy xương, lấy các mảnh thủy tinh do kính vỡ đâm vào người và khâu lại các vết thương này... 

“Thời điểm đó, do phải tập trung cấp cứu cho nhiều nạn nhân, nên mỗi người mỗi tay lo cho bệnh nhân. Khi bệnh nhân được chuyển lên tuyến trên mọi người đều đã kiệt sức. Sau đó, nhận được tin có nạn nhân bị HIV nên ai cũng lo lắng. Ngày 3-7, tôi uống thuốc phơi nhiễm HIV, bị phản ứng phụ nên người rất mệt mỏi”, chị Hồ Thị Hoa, hộ lý Khoa Cấp cứu cho biết.

Khám sàng lọc cho kết quả âm tính

Bác sĩ Đào Duy Khánh - giám đốc Sở Y tế Kon Tum - cho biết tính đến nay số người nghi phơi nhiễm HIV lên đến 35 ca.

Trong đó, đội ngũ y, bác sĩ thuộc Trung tâm Y tế huyện Đăk Hà có 24 trường hợp, 1 cán bộ Công an tỉnh Kon Tum và 10 người dân. 

Bác sĩ Nguyễn Hồ Định - phó giám đốc Trung tâm Y tế Đăk Hà - cho biết thêm trong số 35 người tham gia cứu nạn nhân đã được uống thuốc phơi nhiễm HIV và bước đầu xét nghiệm sàng lọc âm tính với HIV.

Các mẫu máu đều được gửi lên tuyến trên, chờ 3 tháng sau kiểm tra mới xác định lại.

Theo bác sĩ Định, ARV là loại thuốc chuyên khoa và có nhiều tác dụng phụ với các triệu chứng tùy thuộc từng người mà với các biểu hiện ra bên ngoài như mê sảng, nôn mửa, phát ban... chính vì tác dụng phụ này, nên chỉ định uống buổi tối để những người điều trị giảm phần nào ảnh hưởng sức khỏe.

 

T.T.NHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên