26/08/2024 09:49 GMT+7

Nạn ăn thịt thú rừng: Đừng chỉ dừng ở kêu gọi, vận động

Nhiều cuộc vận động nói không với nạn ăn thịt, tiêu thụ sản phẩm từ thú rừng hằng năm vẫn được tổ chức hoành tráng ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Nạn ăn thịt thú rừng: Đừng chỉ dừng ở kêu gọi, vận động - Ảnh 1.

Chăm sóc phục hồi sức khỏe tê tê - Ảnh: SVW

Thế nhưng khi báo chí vào cuộc điều tra, những đường dây giết thịt thú rừng lại lộ diện và máu của rừng vẫn chảy từng ngày.

Mới đây, nhiều người lướt mạng xã hội TikTok đã không khỏi giật mình khi vô tình xem clip đăng cảnh thợ săn dùng súng bắn một con báo hoa mai - loài động vật vô cùng quý hiếm thuộc nhóm IB (động vật rừng nguy cấp).

Truy vào tài khoản mạng xã hội này, nhiều clip săn bắn và đặt bẫy thú rừng dần hiện ra trước mắt. Trong số đó có những loài thú quý hiếm như gấu, nai, báo, khỉ… đều "tới số" trước nòng súng lạnh lùng của nhóm thợ săn.

Những cảnh săn bắt, bẫy thú rừng hằng ngày vẫn tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội và vẫn nhận về vô số lượt thích bởi sự tò mò, hiếu kỳ trước hình ảnh những con thú lạ lẫm, quý hiếm.

Và cánh thợ săn hằng ngày bất chấp nguy hiểm, bất chấp pháp luật vẫn ngang dọc giữa rừng sâu để bắn, bẫy thú phục vụ nhu cầu của một bộ phận không nhỏ người muốn chứng minh "đẳng cấp" bằng những món ăn từ thịt thú rừng.

Hằng năm trên lãnh thổ Việt Nam vẫn diễn ra hàng chục cuộc vận động chung tay bảo vệ thú rừng. Nhưng đáng buồn những cuộc vận động đó không thể ngăn nổi sự thật là máu của rừng vẫn chảy, thịt thú vẫn chui lọt kẽ hở của pháp luật để bày trên những bàn tiệc phủ phê, phù phiếm.

Đầu năm 2024, tỉnh Lâm Đồng đã phát động chiến dịch hành động vì động vật hoang dã với thông điệp "Con người có cặp, thú rừng có đôi. Ngừng ăn thịt thú rừng, góp thiện cho đời" với hàng trăm người tham gia.

Chưa đầy một tháng sau, báo Lao Động cho đăng tải loạt bài với nhan đề "Máu thú rừng vẫn chảy". Trong loạt bài đó có những hình ảnh, bằng chứng xác thực về một đường dây mua bán, tiêu thụ động vật hoang dã ở ngay tỉnh Lâm Đồng.

Hình ảnh những nhà hàng ở tỉnh này công khai dùng bộ phận thân thể của nai, hươu, thậm chí nguyên một con chồn, để làm vật trang trí khiến bạn đọc không khỏi hãi hùng.

Có lẽ đã đến lúc nên dừng việc kêu gọi, hô hào sáo rỗng ngừng ăn thịt động vật hoang dã mà thay vào đó là những văn bản mang tính pháp lý, có chế tài mạnh mẽ và cụ thể hơn.

Như ở Thừa Thiên Huế, vào năm 2020, chủ tịch tỉnh này đã có văn bản cấm cán bộ công chức ăn thịt thú rừng và chim trời. Nếu phát hiện, cán bộ công chức sẽ bị kiểm điểm, kỷ luật và nặng hơn sẽ bị mất việc, truy cứu hình sự.

Hơn 150 nhà hàng cũng được lực lượng kiểm lâm yêu cầu ký cam kết không mua bán, giết thịt thú rừng và sẽ bị xử lý rất nặng nếu cố tình vi phạm.

Mới đây nhất, Kiểm lâm Thừa Thiên Huế đã nhận được mưa lời khen khi phát công văn đề nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên truyền, không cho phép mua bán chim trời phóng sinh vào dịp lễ Vu lan trong khuôn viên các ngôi chùa.

Nhờ những việc làm thiết thực như vậy mà từ năm 2022 đến nay, ở Huế đã có hơn 200 cá thể động vật hoang dã được người dân giao nộp cho lực lượng kiểm lâm thả về rừng, trong đó có 176 động vật nguy cấp quý hiếm nhóm IB.

Con số này có lẽ sẽ nhiều hơn nếu những công văn trên không chỉ bó gọn trong phạm vi tỉnh Thừa Thiên Huế. Và có lẽ nên dừng những cuộc vận động hình thức mà thay vào đó là những chế tài mang tính quy phạm pháp luật nhiều hơn.

Đừng chỉ dừng ở kêu gọi, vận động - Ảnh 1.Không ăn thịt rừng cũng phải lên tiếng

Ông Nguyễn Văn Thái, giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam, nói chuyện với Tuổi Trẻ sau khi tỉnh Đồng Nai mở chiến dịch "Nói không với sử dụng động vật hoang dã".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên