04/02/2016 10:32 GMT+7

Năm yêu thương của Hoài Thương

VŨ THỦY (vuthuy@tuoitre.com.vn)
VŨ THỦY ([email protected])

TT - “Chim cánh cụt” Nguyễn Hoài Thương (8 tuổi, ấp Cây Sộp, Tân An Hội, Củ Chi, TP.HCM) chính là cô bé có đôi tay, đôi chân cụt ngủn do di chứng chất độc da cam  được nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ yêu thương.

 

Hoài Thương đi chơi tết với mẹ - Ảnh: Vũ Thủy

 

Một năm nhiều yêu thương

Là lời chia sẻ của chị Trần Thị Cẩm Giang, mẹ của Thương. Từ bài báo Tuổi Trẻ, nhờ một tổ chức từ thiện quốc tế, chị đã đưa con đi Đà Nẵng để làm chân giả. Nhưng con bị lệch khớp háng và còn quá nhỏ để chịu đau đớn nên bác sĩ động viên chị về tập vật lý trị liệu để nắn lại, hẹn mùa hè sau khám lại. Chưa có kết quả nhưng hai mẹ con tràn trề hi vọng.

Thương là nhân vật trong phóng sự ảnh “Em vẫn cười dù cuộc đời bất hạnh” trên số báo ngày 23-8-2015.

Chị Giang kể khoảng nửa năm nay, một người Mỹ mà gia đình vẫn gọi thân mật là “chú Rik” - một cựu binh tên thật là Reginald Carnes từng chiến đấu tại Việt Nam - đã mở một kênh vận động từ thiện mang tên “Hans for Thuong” (Đôi tay cho Thương) trên website gofundme.com cho đến khi có 10.000 đôla Mỹ giúp bé Thương làm tay giả.

“Chú Rik" đã cho xem ảnh đôi tay mà chú đang gây quỹ làm cho Thương, một đôi tay có đầy đủ 10 ngón tay có thể điều khiển được. Nếu Thương thật sự có đôi tay như vậy tôi mừng lắm vì con có thể học được nhiều môn học phức tạp sau này như hình học” - chị cho biết.

"Chú Rik" cũng đến thăm Thương rất thường xuyên, giúp đỡ gia đình trang trải các khoản sinh hoạt, cùng bạn bè mua tivi, mua ván trượt, gắn máy lạnh trong một căn phòng cho cô bé.

Cuộc đời vẫn còn phía trước

Những ngày này, “chim cánh cụt” đã được nghỉ tết nhưng mỏm chân cụt lại bị nứt nẻ đau đớn không lê la khắp nhà được nữa. Mẹ bé bảo đợt rồi nhà trường cho học sinh làm vệ sinh, cánh cụt cũng lăng xăng đẩy bàn trượt theo các bạn nhặt rác nên chân mới bị nứt ra.

Đau nhưng cô bé không hề kêu ca, thế nhưng vì cứ phải ngồi một chỗ lâu nên có vẻ buồn một chút. Lớp 2 năm nay, Thương có thêm may mắn là có một cô giáo tuyệt vời, rất quan tâm và giúp đỡ em, thứ bảy, chủ nhật nào cũng kêu Thương qua nhà cô để cô rèn thêm.

Tết này chim cánh cụt 8 tuổi rồi. Tối tối mẹ và chị đều dạy học bài, mẹ bảo đọc bảng cửu chương, cô bé đã đọc làu làu. Toán cũng chính là môn yêu thích của cô nhóc. “Thi học kỳ rồi con được bốn điểm 10, có môn toán đó cô” - Thương khoe.

Con đã nặng thêm 3kg chỉ sau vài tháng, mẹ vừa phẫu thuật đốt sống giờ đã không còn có thể bồng cô bé lên được như lúc xưa, ở nhà chỉ còn ba bế con lên xuống xe máy và những chỗ gập ghềnh con không thể tự đẩy. Bác sĩ không cho chạy xe nhưng thi thoảng người mẹ vẫn chở con đi học. “Mẹ con đau nhưng vẫn phải chở con đi học” - nghe Thương nói mà lòng nao nao.

Ở nhà Thương vẫn tự thay đồ, đánh răng, rửa mặt, ăn uống. Mấy bữa nay uống thuốc chữa vết thương ở chân, ba chỉ cho uống một lần là ăn cơm xong cô bé tự động đi lấy bịch thuốc, lấy nước uống đúng giờ mà chẳng ai nhắc nhở.

“Năm mới tập trung lo cho Hoài Thương. Mấy tháng mang bệnh bỏ bê con, giờ phải lo tập vật lý trị liệu cho con. Con ngày càng lớn, đến lúc nào đó bố mẹ chẳng còn ẵm bồng nên muốn con có thể tự lập làm mọi thứ. Ba mẹ cũng sẽ sửa lại nhà vệ sinh, bồn rửa trong nhà để Thương với tới, tự chăm sóc cho mình” - chị Giang nói về dự định năm mới.

Trên đời có nhiều người tốt

Bùi Hải Linh (20 tuổi) mang thai khi trong người mang bệnh ung thư, không người thân, không nơi nương tựa. Nhân viên trong khoa hồi sức cấp cứu đã bàn cách giúp đỡ cô bé.

Điều tôi không thể ngờ là chỉ một vài dòng đăng trên Facebook bệnh viện, một mẩu tin ngắn đăng trên báo Quảng Ninh, hàng ngàn tấm lòng hảo tâm, có những sư thầy đi bộ từ Nam Định ra Quảng Ninh, có những anh chị từ tận TP.HCM đáp chuyến bay ra Bắc chia sẻ. Người góp hộp sữa, người giúp tã lót, người cho tiền, người hiến máu.

Những ngày cuối đời, Linh nhờ tôi tìm một mảnh đất để giúp cô lo hậu sự và tìm cho em bé một gia đình. Sau nhiều ngày tích cực tìm kiếm, rất may mắn, một nhà hảo tâm đã gọi lại, gia đình chị có điều kiện và nguyện vọng nhận bé làm con nuôi. Lòng tôi tràn ngập niềm hạnh phúc. Tôi cứ nhớ mãi buổi sáng trước khi vào phòng mổ lấy con, Linh nắm tay tôi nói trong nước mắt: “Cô ơi, sao cô và mọi người tốt với con thế!”.

Tôi tin rằng những ngày tháng cuối đời Linh đã được nhận một món quà vô giá là tình yêu thương, sự che chở của rất nhiều những tấm lòng ấm áp.

NGUYỄN THỊ MAI PHƯƠNG
(phó phòng điều dưỡng, trưởng phòng quản lý chất lượng, Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh)

TÂM LỤA ghi

Xuân Quyên và mẹ được đón lên TP.HCM để chữa bệnh, học hành 
- Ảnh: Hữu Khoa
Xuân Quyên và mẹ được đón lên TP.HCM để chữa bệnh, học hành - Ảnh: Hữu Khoa

Cô bé xương thủy tinh tự bước đi

Sáu năm trước, khi còn là sinh viên tình nguyện về công tác tại xã Tân Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, tôi đã nghe rất nhiều lãnh đạo UBND xã Tân Thạnh kể về cô bé bị bệnh xương thủy tinh Lê Thị Xuân Quyên rất ham học, học rất giỏi nhưng nhà rất nghèo.

Ba Quyên bị tâm thần, mẹ sức khỏe yếu. Mỗi tháng chị đan giỏ mây thuê được 200.000 đồng nhưng thuê nhà đã mất 150.000 đồng.

Hằng ngày, bà nội đưa Quyên đến trường bằng xe đạp. Chiếc xe ấy cũ nát đến mức không thể chạy được mà chỉ có thể dắt bộ. Mong ước của bà nội chỉ là có đủ tiền bạc và sức khỏe để đưa cháu đến trường. Còn mong ước của cháu là có chiếc xe đạp mới để bà đưa đi học cho đỡ vất vả.

Ngày 19-5-2010, câu chuyện của bà cháu Quyên với tựa đề “Đôi chân của cô bé xương thủy tinh” được đăng trên Tuổi Trẻ.

Đã sáu năm trôi qua nhưng cho đến tận bây giờ, chị Nguyễn Thị Thanh Trúc (44 tuổi, mẹ bé Quyên) vẫn xúc động khi nhớ về những người xa lạ đã tìm đến tận nhà động viên, giúp đỡ gia đình sau khi báo đăng.

Đó là hai người đến tặng cho Quyên hai chiếc xe đạp, người khác thì đến tặng chiếc xe lăn. Một người đàn ông ở Bình Dương tìm đến tận nhà cho Quyên 5 triệu đồng. Ông nói đang đi chơi ở Bến Tre, đọc báo thấy hoàn cảnh bé đáng thương nên bớt tiền đi chơi để giúp đỡ.

Có người sau khi đến giúp đỡ còn động viên: “Nếu có khó khăn thì cứ nói với cô, để cô tìm cách giúp đỡ”. Với rất nhiều sự chung tay, mẹ con Quyên nhận được hơn 30 triệu đồng. Chị Trúc dành một khoản tiền để cất mái nhà tránh mưa nắng. Chị khoe đến giờ vẫn còn hơn 10 triệu đồng đang gửi tiết kiệm để dành lo cho tương lai của Quyên.

Câu chuyện về cô bé xương thủy tinh cũng đã làm ông Tôn Thất Hưng (giám đốc Công ty TNHH Cá Sấu Hoa Cà, TP.HCM) trăn trở: “Bệnh xương thủy tinh lẽ nào lại bó tay, lẽ nào không có thuốc chữa?”. Sau nhiều đêm tìm tòi, xin ý kiến các bác sĩ, ông Hưng đã quyết định về Bến Tre đón Quyên lên TP.HCM nuôi dưỡng, chữa bệnh miễn phí. Sau đó, ông nhận rất nhiều trẻ bị bệnh xương thủy tinh trên khắp cả nước về nuôi dưỡng, chăm sóc.

Thấm thoắt đã sáu năm trôi qua, Xuân Quyên không còn là cô bé ít nói với đôi mắt rất buồn như chỉ chực khóc ngày nào. Quyên giờ đã là học sinh lớp 9, lớp chọn văn với ước mơ trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho các bạn mắc bệnh như mình.

Chị Trúc cũng cùng lên TP.HCM chăm con và được trả lương để cùng chăm những đứa trẻ khác. Quyên quả quyết với mẹ: “Con sẽ thi vào trường trung học phổ thông điểm cao chứ không thi vào trường điểm thấp”.

Sau ba lần mổ ghép xương, đôi chân cong queo của Quyên đã thẳng. Với phác đồ điều trị nghiêm ngặt từ các bác sĩ, sáu năm qua Quyên không bị gãy xương thêm lần nào dù trước đó ở quê, nghe tiếng mưa rơi bé cũng giật mình làm gãy xương.

“Cuộc sống của tôi bây giờ thay đổi nhiều lắm, từ khi được bác Hưng đưa vào Trung tâm Kim cương tươi đẹp. Nơi đây có các cô chú quan tâm chăm sóc tôi rất nhiệt tình. Cùng với những bài tập yoga và vật lý trị liệu kết hợp với thuốc cao xương cá sấu mà tôi đã tiến bộ hơn rất nhiều. Tôi đã tự bước đi trên đôi chân của mình. Tôi biết ơn bác Hưng và mọi người rất nhiều. Tình cảm ấy luôn ở trong tâm trí tôi và là động lực cho tôi bước tiếp trên con đường học vấn” - Quyên viết trong lá thư cuối năm gửi đến Tuổi Trẻ.

TÂM LỤA ([email protected])

 

VŨ THỦY ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên