Bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành, đều cần xử trí và theo dõi tại bệnh viện như rắn độc cắn, ít nhất trong 12 giờ đầu. Nếu trễ sau 24 - 48 giờ, việc điều trị hiệu quả rất kém hoặc không hiệu quả. |
Khi nhập viện cấp cứu, bàn chân trái bé sưng to, da mu chân thâm đen và suy hô hấp, sốc nhiễm trùng nhiễm độc nặng và rơi vào hôn mê. Bé nhanh chóng được đặt nội khí quản, thở máy, chống sốc, kháng sinh điều trị, rạch giải áp cẳng chân cấp tốc tại chỗ nhằm hi vọng cứu lấy bàn chân bé.
Đồng thời các bác sĩ hội chẩn và xác định bé bị rắn hổ mèo cắn và điều trị tích cực nhưng do nhiễm trùng, nhiễm độc quá nặng nên bé đã tử vong sau hai ngày điều trị.
Theo lời người nhà, trước khi nhập viện một ngày, buổi trưa bé và cha nằm võng ngoài vườn ngủ, bất chợt có con gì cắn vào cổ chân.
Sau khi bị cắn, bé vẫn bình thường nên không ai chú ý, nhưng 12 giờ sau bé than mệt, khó thở, chân bé bắt đầu sưng đỏ, bầm tím và chuyển sang đen nên được người nhà đưa đi cấp cứu.
Xử trí khi rắn cắn
Khi bị rắn cắn, nạn nhân và những người xung quanh phải dùng cây hay gậy lấy rắn ra, rửa sạch vết thương bằng xà phòng và nước, sát trùng bằng dung dịch Betadine hay Povidine nếu có. Cố gắng ghi nhớ hình dáng, màu sắc con rắn, nếu đập chết được thì mang xác rắn theo để nhận diện.
Sau đó nẹp cố định phần bị rắn cắn và băng ép từ trên vết thương xuống để hạn chế hấp thu nọc độc theo đường bạch huyết, nên để chi thấp hơn tim. Băng ép được khuyến cáo khi bị nhóm rắn hổ cắn nhưng không áp dụng cho nhóm rắn lục vì làm tăng nguy cơ hoại tử tại chỗ. Khi rắn cắn tuyệt đối tránh cử động để không tăng hấp thu nọc độc.
Nếu bệnh nhân còn tỉnh táo cần đưa đến bệnh viện lớn, nơi có sẵn huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu.
Tuy nhiên nếu bệnh nhân lơ mơ, hôn mê hay yếu liệt nên đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Có thể mang theo con rắn đã cắn bệnh nhân đến cơ sở y tế để bác sĩ xác định thuốc kháng nọc rắn phù hợp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận