Theo báo cáo sơ bộ của Tổng cục Thống kê, mức sinh năm 2023 lần đầu tiên đã giảm xuống dưới 2 con/phụ nữ (cụ thể 1,96 con/phụ nữ) kể từ năm 2006 đạt mức sinh thay thế đến nay.
Bên cạnh đó, hiện đang có tình trạng tỉ số giới tính khi sinh (SRB) cao hơn mức cân bằng tự nhiên (111,5 bé trai/ 100 bé gái), tỉ suất tái sinh con gái/phụ nữ nhỏ hơn 1 (0,97 con gái/phụ nữ) thì mức sinh của Việt Nam hiện nay (2,01 con/phụ nữ năm 2022 và 1,96 con/phụ nữ năm 2023) theo lý thuyết đã thấp hơn khá nhiều so với mức sinh thay thế.
* Trong các vùng có mức sinh thấp hiện nay, vùng nào theo ông là đáng ngại nhất?
- Khu vực có mức sinh thấp nhất cả nước là Đông Nam Bộ, mức sinh tiếp tục giảm sâu từ 1,56 con/phụ nữ (năm 2019) đã xuống dưới mức rất thấp hai năm qua là 1,47 con/phụ nữ (năm 2022 và kết quả sơ bộ năm 2023).
Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục giảm từ 1,80 con/phụ nữ (năm 2019) xuống 1,61 con/phụ nữ (năm 2022) và 1,54 con/phụ nữ (kết quả sơ bộ năm 2023).
Đặc biệt, TP.HCM là đô thị đầu tàu về phát triển kinh tế có dân số thực tế trên 10 triệu dân thì mức sinh xuống rất thấp từ 1,39 con/phụ nữ (năm 2019) đã xuống mức 1,32 con (kết quả sơ bộ năm 2023).
Trong điều kiện kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhanh, đô thị hóa ngày càng nhanh, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, xu hướng này càng được củng cố, lan rộng, tác động đến mức sinh thấp hiện nay và trong tương lai.
Mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội...
* Kinh nghiệm các nước cho thấy nếu mức sinh giảm dưới 1,5 con/bà mẹ sẽ khó khuyến sinh trở lại. TP.HCM và một số tỉnh thành đang có tình trạng này, ông thấy có điều gì cần can thiệp?
- Hiện nay mức sinh thấp và già hóa dân số là vấn đề thách thức của toàn cầu, trong đó có Việt Nam, ảnh hưởng đến phát triển không bền vững về con người - một thách thức hàng đầu của nhân loại trong thế kỷ 21.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều nước trên thế giới đã thành công trong việc giảm sinh nhưng chưa có nước nào thành công trong việc đưa mức sinh rất thấp về mức thay thế, cho dù có nhiều chính sách khuyến sinh với nguồn lực đầu tư lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều quốc gia châu Âu…
Ở Việt Nam, vùng có mức sinh thấp là 21 tỉnh thành có quy mô dân số 37,9 triệu người, chiếm khoảng 39,4% dân số cả nước, tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền Trung, đang và sẽ tác động rất lớn đến phát triển bền vững cho cả nước.
Các tỉnh thành phát triển kinh tế rất tốt trong thời gian qua như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh khu vực phía Nam mức sinh đã và đang xuống rất thấp là vấn đề rất đáng lo ngại cần được quan tâm và đầu tư thỏa đáng, cần tránh khi mức sinh xuống quá thấp sẽ khó có khả năng phục hồi tái sản xuất dân số cho phát triển đất nước.
* Những chính sách dân số đã có, theo ông, có đủ và có cần thêm gì? Nếu có cần thực hiện thế nào?
- Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 588/QĐ-TTg năm 2020 phê duyệt Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030 (CT588).
Để triển khai CT588, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký ban hành quyết định số 2324/QĐ-BYT ngày 5-6-2020 phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện CT588 và hướng dẫn các địa phương xây dựng chương trình/kế hoạch triển khai thực hiện CT588.
Hiện nay, Bộ Y tế đang nghiên cứu đề xuất các chính sách can thiệp điều chỉnh mức sinh, trong đó có các chính sách khuyến khích hỗ trợ người dân sinh đủ hai con ở vùng mức sinh thấp trong quá trình xây dựng Luật Dân số.
Trong thời gian qua, tuy đã đạt được một số kết quả bước đầu triển khai chính sách điều chỉnh mức sinh phù hợp với vùng, đối tượng, nhưng hiện đang gặp một số khó khăn, hạn chế:
1. Nhận thức của một bộ phận không ít tổ chức, cơ quan chưa đúng, đủ, kịp thời về tầm quan trọng của việc điều chỉnh mức sinh liên quan trực tiếp đến phát triển bền vững của quốc gia, dân tộc. Nhất là xu hướng giảm sinh của toàn cầu, trong đó có Việt Nam, để lại rất nhiều hệ lụy cho phát triển bền vững thế kỷ 21.
2. Hiện nay không còn chương trình mục tiêu về dân số và theo Luật Ngân sách phân cấp cho các địa phương chủ động bố trí đầu tư chương trình theo yêu cầu, mục tiêu đề ra của trung ương. Nhưng thực tế, các địa phương chưa đầu tư tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ của chương trình; nguồn tại trung ương còn hạn chế (bình quân 3 tỉ/năm).
3. Việt Nam chưa có kinh nghiệm can thiệp vùng mức sinh thấp. Việc thí điểm các hoạt động tại vùng mức sinh thấp theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ chậm triển khai, đầu tư chủ yếu là an sinh xã hội cần nguồn lực lớn; chưa có cơ chế chính sách để tạo môi trường thuận lợi để triển khai các hoạt động này.
* Năm Giáp Thìn được coi là năm đẹp theo quan niệm dân gian, có nên đẩy mạnh chính sách khuyến sinh ở năm nay? Nếu vậy thì theo ông cần làm gì?
- Nhân dịp xuân Giáp Thìn, Cục Dân số kêu gọi thực hiện cuộc vận động trong toàn xã hội thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong CT588 nhằm khuyến khích nam nữ kết hôn trước 30 tuổi, không kết hôn muộn và sớm sinh con, phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi...
Phát huy tính chủ động, sáng tạo, nhiều cách làm mới, mô hình hay trong mỗi cơ quan đơn vị, địa phương khuyến khích mỗi gia đình sinh đủ hai con.
Trong đó nên thí điểm những mô hình khuyến sinh tùy điều kiện địa phương, như hỗ trợ về nhà ở (gia đình trẻ sinh đủ hai con được hỗ trợ thuê hay mua nhà ở xã hội), hỗ trợ các dịch vụ hôn nhân như CLB kết bạn, khuyến khích nam nữ kết hôn trước 30 tuổi, hỗ trợ khi phụ nữ mang thai và sinh con, giảm thuế thu nhập cá nhân, giảm đóng góp dịch vụ xã hội cho gia đình nuôi con nhỏ...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận