28/02/2021 09:55 GMT+7

Nam thiên chí dị: chuyện liêu trai 'made in Nam Bộ'

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Nam thiên chí dị bên cạnh những câu chuyện có nội dung giản đơn, lắm khi được tác giả thu thập từ lời kể thô phác, còn rất nhiều những câu chuyện kỳ thú khiến bạn đọc khó dứt ra được khỏi trang sách.

Nam thiên chí dị: chuyện liêu trai made in Nam Bộ - Ảnh 1.

Sách ra mắt sau khi tác giả B.S. Kỳ Hương qua đời do bạo bệnh - Ảnh: L.ĐIỀN

Với nhan đề Nam thiên chí dị, người đọc dễ hình dung đây là bộ sách chép chuyện truyền thuyết dân gian nhuốm màu huyền hoặc tâm linh như một kiểu liêu trai ở Trung Quốc.

Nhưng không hẳn vậy, tác giả B.S. Kỳ Hương khéo léo khai thác các câu chuyện từ nhiều nguồn trong tài liệu và cả người thật việc thật quanh ông để viết nên tác phẩm này.

Đây cũng là mạch truyện lấy cảm hứng từ các tình tiết kỳ dị trong những mẩu chuyện dân gian vốn có đời sống riêng rất bền vững. Khác với tác phẩm đầu tay - Kỳ ảo đất phương Nam, trong những ngày cuối đời viết Nam thiên chí dị, tác giả B.S. Kỳ Hương đã kỳ công xây dựng những "cụm truyện" có dính líu nhau về nội dung, tạo cảm giác về không gian sống của người dân Nam Bộ từ thuở đứng chân mở đất đã có một phần tâm linh gắn liền với mọi chuyển động của xã hội/ cộng đồng.

Nam thiên chí dị bên cạnh những câu chuyện có nội dung giản đơn, lắm khi được tác giả thu thập từ lời kể thô phác, còn rất nhiều những câu chuyện kỳ thú khiến bạn đọc khó dứt ra được khỏi trang sách.

Như chùm truyện Giáng tiên lâu vẽ phác ra một không gian thần tiên nơi ngã ba sông Nhà Bè - một cảm xúc mới mẻ với các tình tiết người phàm lập kế diện kiến thần tiên giáng hạ, lại thù tạc đối ẩm dẫn đến kết duyên... như một kiểu "liêu trai made in Nam Bộ".

Qua mấy trăm trang sách, người đọc vô tình thấy mình bị nhiễm vào bầu không khí của đất và người Nam Bộ. Từ giọng văn giữ nguyên cách diễn đạt phương ngữ của vùng đất mới, đến các câu chuyện cũng dần dần làm lộ ra quá trình mở đất ấn tượng đến mức có thể chuyển hóa cung cách ứng xử giữa người với người và với thiên nhiên thành một nét phong tục riêng.

Đó không chỉ là chuyện người dân phòng tránh hổ dữ và tục thờ thần hổ, hay quan niệm "cù dậy" với cách cắt nghĩa là con cá sấu sống lâu năm đất bồi thành cù lao..., Nam thiên chí dị còn những câu chuyện gắn với đời thường của cư dân.

Chuyện người thanh niên khá giả miệt Lục tỉnh đi học trường Tây ở Sài Gòn hồi đầu thế kỷ 20 và mối tình dang dở với cô thiếu nữ người Hoa bên cạnh ký túc xá; chuyện ký giả Kỳ Phong và người bạn nối khố từ quê nhà đến những năm tháng chen chân sống ở Sài Gòn... cho thấy một mạch sống Nam Kỳ và Sài Gòn hiện ra theo chiều kích khác.

Thảng hoặc trong tập vẫn gặp những mẩu chuyện khôi hài khiến người đọc bật cười thành tiếng như mẩu chuyện Ôi thôi rồi, Bánh ú o, hay Bí mật về những nấm mồ nhỏ bé... là những bổ khuyết không thể thiếu vào tính cách cà rỡn của người dân Nam Bộ cho dù mạch chuyện đang có chiều nghiêm túc.

Điều mong mỏi của Nơi đây yên nghỉ Điều mong mỏi của Nơi đây yên nghỉ

TTO - Thì ra trong những năm chiến tranh leo thang, ở Huế - vùng xôi đậu bị chiến tranh chà đi xát lại - lại không chỉ có chiến tranh. Ấy là suy nghĩ đầu tiên bật ra khi đọc cuốn tiểu thuyết nhỏ Nơi đây yên nghỉ của tác giả Hồ Đắc Túc.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Nam thiên chí dị