Nhà có 5 người thì có đến 3 người đang mang bệnh nặng. Một mình người mẹ với quán phở nhỏ ven đường phải gồng gánh nuôi cả nhà, khiến giấc mơ của những đứa con ngày càng mong manh.
Sóng gió khiến giấc mơ đại học của cậu học trò Bùi Công Lương tưởng như đứt đoạn, nhưng một "bí mật" đã níu giữ lại chút hy vọng mong manh cho cậu học trò cần lắm được tiếp sức đến trường.
Bố bệnh nặng, hai chị em đều dị dạng mạch máu
Bùi Công Lương nhịn ăn sáng suốt 3 năm để tiết kiệm tiền đi học, phòng khi bố mẹ không thể lo cho mình được nữa - Video: QUỐC NAM
Ngôi nhà của Lương ở khu phố 4, thị trấn Khe Sanh (Hướng Hóa, Quảng Trị) nhìn bên ngoài cũng bình thường như những gia đình khác. Nhưng trong nhà là những tiếng thở khó nhọc của ông Bùi Công Lộc, bố của Lương.
Lương cũng đang mang trọng bệnh, cùng bị khối u do chứng dị dạng mạch máu như người em gái út đang học lớp 8. Nhưng khối u của em gái ở chân, thì khối u của Lương lại ở trong não.
"Năm lớp 10, đang ngồi học bài, mình đột ngột bị lên cơn co giật. Bố mẹ đưa ra Bệnh viện Ung bướu trung ương xét nghiệm mới biết mình có khối u lớn trong não", Lương kể.
Vì khối u này, Lương hay bị ngất hoặc lên cơn co giật những ngày sau đó. Và để kiểm soát khối u, cứ 3 tháng một lần Lương phải theo mẹ ra Hà Nội tái khám. Đứa em gái út sau khi ra Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 phẫu thuật thì hiện khối u lại có dấu hiệu tái phát.
Một buổi trưa đầu tháng 8, khi vừa kết thúc buổi bán hàng trở về nhà, Lương nhận được thông báo trúng tuyển của Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng. Chị Trương Thị Duyệt, mẹ Lương, nhìn về phía chiếc giường bệnh nơi chồng nằm mà đứt ruột.
"Nếu cho con đi học thì ít nhất phải mất vài chục triệu đồng mỗi kỳ. Mà bệnh tình của chồng đang ở giai đoạn di căn, là lúc nguy hiểm nhất. Nếu không chạy chữa thì sẽ khó giữ mạng sống. Nên chắc con phải tạm nghỉ một năm để tập trung cứu bố đã", chị Duyệt nói với con mà lòng quặn thắt.
Nhịn ăn sáng 3 năm để có một điều bí mật
Là lao động chính và duy nhất trong gia đình nhiều năm qua, nên từ 4h sáng chị Trương Thị Duyệt đã phải dậy tất bật lo nấu nướng cho quán phở nhỏ ở thị trấn Khe Sanh. Quán phở rộng chưa tới 30m2, đủ xếp 6 chiếc bàn chính là nguồn sống duy nhất của cả nhà.
Ba năm qua, 3 người thân lần lượt lâm trọng bệnh. Chị chạy vạy ngược xuôi đến oằn lưng nhưng vẫn phải vay mượn thêm để vừa lo sinh hoạt cho cả nhà, vừa lo học cho con, vừa lo chạy chữa thuốc thang cho 3 người bệnh.
Điều an ủi nhất với chị là Lương rất chăm học. Riêng năm lớp 12 Lương còn thi IELTS đạt 6.0. Điều này càng làm người mẹ day dứt khi phải đành cho con nghỉ học dù đã trúng tuyển.
Nhưng một tình huống bất ngờ đã khiến người mẹ này như chết lặng.
"Con có tích cóp được một khoản tiền. Con sẽ dùng để đi nhập học đại học. Mẹ đừng lo", Lương nói với mẹ, rồi vào góc nhà lấy ra một con heo đất bọc trong túi vải cũ.
Lương nói từ năm lớp 10, khi bố bắt đầu phát bệnh động mạch vành rồi bị tai nạn phải nằm điều trị nhiều tháng trời ở Bệnh viện Trung ương Huế, rồi trước đó em gái phải đi phẫu thuật khối u, Lương đã nghĩ tới chuyện sẽ đến lúc nào đó mẹ không thể đủ sức cho mình đi học tiếp. Lương đã quyết định tiết kiệm tiền ăn sáng để tự lo cho mình, khi mẹ không gắng được nữa.
Đến khi em cũng phát hiện bị khối u trong não, thì bạn càng quyết tâm tiết kiệm hơn.
"Mỗi sáng mẹ cho 20.000 đồng ăn sáng. Chỉ khi sức khỏe quá yếu, mình mới tiêu 5.000 đồng mua gói xôi hoặc trái bắp ngô lót dạ. Còn bình thường nhịn", Lương kể.
Với 20.000 đồng mỗi ngày, Lương nhét vào con heo đất. Và chỉ mình Lương biết suốt 3 năm qua.
Đến khi nhận thông báo trúng tuyển đại học, mà bố đúng lúc phát bệnh ung thư gan giai đoạn cuối. Lương biết đã đến lúc phải dùng đến số tiền tiết kiệm nên đã tiết lộ với mẹ "bí mật" của mình.
Cầm xấp tiền lẻ con dành dụm 3 năm qua, chị Duyệt thấy lồng ngực nghẹn lại. Hơn 13 triệu đồng nhưng mang cả hy vọng được đi học tiếp của con. "Tui cũng hay nói với con rằng cực mấy mẹ cũng gắng cho con đủ ăn đủ mặc. Nhưng không ngờ con mình lại chọn cách nhịn ăn sáng tiết kiệm để đi học như rứa", chị Duyệt ứa nước mắt.
Học bổng Tiếp sức đến trường thắp lên tia hy vọng
Khi chúng tôi đến tìm Lương cũng là lúc hai mẹ con chuẩn bị lên xe ra lại Bệnh viện Ung bướu trung ương tại Hà Nội để tái khám.
Hành trình này đã lặp lại mỗi 3 tháng một lần từ 3 năm qua. Một tin khiến hai mẹ con không kìm được niềm vui sau lần tái khám này: Khối u trong não của Lương đã có dấu hiệu nhỏ dần, từ hơn 2cm chiều dài nay chỉ còn hơn 1cm.
"Khối u nhỏ đi nghĩa là cơ hội theo đuổi ước mơ được làm nhân viên chế tạo thiết bị hàng không của mình lớn thêm", Lương bày tỏ.
Ông Bùi Công Lộc, bố của Lương, là người vui nhất. Ông nói niềm vui trong lòng ông như nhân đôi. Vì trong thâm tâm người cha đang gầy rộc đi từng ngày vì ung thư gan di căn này vẫn luôn tự thấy có lỗi. "Nếu không phải tui phát bệnh lúc này thì giấc mơ đi học đại học của con có lẽ đã không đến mức chông chênh như thế", ông Lộc cười hạnh phúc.
Thầy Lê Chí Thông, hiệu trưởng Trường THPT Hướng Hóa, nói những năm qua năm nào thầy cũng giới thiệu cho chương trình Tiếp sức đến trường một số gương mặt vượt khó của trường. Nhiều em sau đó nhờ suất học bổng này mà thêm vững tin bước vào đại học.
Nhưng với Lương thì không giống như những người trước đó. Vì tai ương ập đến bất ngờ và dồn dập khiến gia đình em dù không phải hộ nghèo nhưng bỗng nhiên thành hộ... khó. Thầy Thông nói nhà trường cũng hiểu hoàn cảnh của Lương, nên cũng hết sức hỗ trợ Lương trong quá trình học tập tại trường.
"Qua bạn bè và giáo viên tôi mới biết Lương thường xuyên nhịn ăn sáng 3 năm qua, chỉ thi thoảng mới thấy em ăn tạm ổ bánh mì, gói xôi. Nhưng không ngờ em chọn cách này để dành dụm tiền đi học", thầy Thông nói.
Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường
Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).
Với phương châm “Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường”, “Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ” - như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.
Tân sinh viên đăng ký trực tuyến ứng tuyển học bổng Tiếp sức đến trường 2024 tại địa chỉ: hoặc quét mã QR.
Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ “Đồng hành nhà nông” - Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị”, “Nghĩa tình Phú Yên”; các câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Tiền Giang - Bến Tre, Quảng Ngãi và Hội doanh nhân Tiền Giang - Bến Tre tại TP.HCM, Hội tương trợ và hợp tác Đức - Việt (VSW), Công ty Nam Long, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam… cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.
Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:
113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:
Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;
Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM
với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành/ nhân vật mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.
Video hướng dẫn cách đăng ký cho tân sinh viên khó khăn cần giúp đỡ, cũng như cách đóng góp cho chương trình
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận