Trong buổi lễ tốt nghiệp của sinh viên Trường ĐH Fulbright Việt Nam tháng 6-2024, nhiều sự trầm trồ dồn về tân cử nhân Thân Đoàn Thuận (22 tuổi) khi tốt nghiệp cùng lúc 3 ngành. Thuận cũng vào tốp sinh viên có điểm tốt nghiệp cao nhất khóa.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nam sinh cho biết hành trình chinh phục ba ngành khoa học máy tính, kinh tế học và toán ứng dụng của mình đầy thử thách nhưng cũng vô cùng thú vị.
Hành trình đáng nhớ
* Vì sao bạn lại quyết định chọn học cùng lúc đến ba ngành là khoa học máy tính, kinh tế và toán?
- Cơ duyên đến với tôi khi được một thầy cố vấn giới thiệu một lộ trình học của Viện MIT (Mỹ) có sự kết hợp giữa khoa học máy tính, kinh tế và toán. Niềm đam mê lớn của tôi là khoa học máy tính, và toán là một công cụ đắc lực. Còn kinh tế, ban đầu tôi chưa biết thật sự có thích hay không.
Tuy nhiên ở Fulbright, khoảng hai năm đầu sinh viên được phép trải nghiệm nhiều môn học khác nhau rồi mới lựa chọn chuyên ngành. Trong khoảng thời gian ấy, tôi đã chọn một số môn về kinh tế để thử sức.
Môn khó khăn nhất với tôi là kinh tế vi mô vào cuối năm 2, nội dung khó và có nhiều thuật ngữ, khái niệm mới. Môn này như một môn "giữ cửa", nếu vượt qua được, bạn sẽ biết mình có phù hợp và có học được ngành kinh tế hay không.
Ban đầu tôi khá chật vật với kinh tế vi mô, vài lần cũng có ý nghĩ sẽ từ bỏ. Lúc đó tôi thường đến trường sớm và về muộn. Có hôm học xong ở trường lại về nhà bạn để học tiếp hoặc nghiên cứu tài liệu. Một may mắn là mình có những bạn bè giỏi, họ đã hỗ trợ giải đáp cho mình rất nhiều những chỗ khó hiểu.
Cuối cùng, tôi cũng qua được môn học "giữ cửa" này và quyết tâm sẽ theo học ba chuyên ngành. Khoa học máy tính và kinh tế là hai ngành chính, toán là ngành phụ. Trung bình mỗi ngành chính sẽ có 10 môn chuyên ngành, ngành phụ thường bằng nửa khối lượng nội dung so với ngành chính.
* Bạn đã phải cân đối khối lượng học tập của mình như thế nào cho cả ba ngành học này?
- Thông thường, ở một học kỳ, một sinh viên Fulbright sẽ học từ 3 - 5 môn, còn tôi đăng ký bốn môn. Trong bốn môn này, tôi ưu tiên chọn hai môn khoa học máy tính vì với mình đó vẫn là ngành quan trọng nhất. Hai môn còn lại tôi sẽ chia giữa kinh tế và toán.
Hoặc có những lúc cần thêm các kỹ năng về toán, tôi sẽ đăng ký thêm các ngành này để bổ trợ. Tương tự, những lúc thấy tiến độ ngành kinh tế có vẻ đang chậm lại, tôi sẽ đăng ký thêm một vài môn.
Ngoài trường học, tôi dành thời gian nhiều nhất để tự học về kinh tế, vì tôi bắt đầu với kinh tế từ con số 0. Tôi bỏ nhiều công sức vào những môn đầu tiên, bởi đều là những nội dung nền tảng quan trọng. Còn với các môn ngành khoa học máy tính, tôi thường đầu tư thêm vào các buổi học, nội dung trên mạng, YouTube...
Một bí quyết mà tôi rút ra được là mình luôn không cô độc. Trong trường đại học sẽ luôn có những nguồn lực có thể hỗ trợ sinh viên. Trước hết đó là bạn bè, thầy cô, tôi luôn có thể học hỏi từ họ cả trong lẫn sau giờ học.
Các trợ giảng, bộ phận cố vấn học tập cũng sẽ luôn sẵn sàng giúp đỡ sinh viên khi có nhu cầu. Sinh viên có thể khai thác những nguồn hỗ trợ này cho mình để vượt qua những thử thách trong học tập.
Hỗ trợ sinh viên khóa sau
* Việc học phải chăng đã chiếm hết thời gian của Thuận. Ngoài việc học, bạn còn có những hoạt động nào khác không?
- Ngoài việc học, tôi đăng ký làm trợ giảng cho một số thầy cô. Việc làm trợ giảng giúp tôi vừa ôn lại kiến thức, vừa có thể giúp đỡ, truyền đạt kiến thức cho các em. Bên cạnh kết nối với các em sinh viên trên lớp, tôi cũng có những giờ ở văn phòng riêng để các em đến trao đổi khi cần thiết.
Với một số môn học khó và tôi cũng có đam mê, tôi tổ chức các buổi ôn tập thêm ngoài giờ học cho các em, như với môn xác suất thống kê, kinh tế vi mô, lập trình...
Năm 4, tôi tham gia chương trình trao đổi trong một năm tại ĐH Kỹ thuật New Jersey (Mỹ), cũng về ba chuyên ngành khoa học máy tính, kinh tế và toán. Trên đất Mỹ, tôi học được nhiều cái hay về học thuật và nghiên cứu. Nó cho tôi những trải nghiệm mới và tin vào hướng học liên ngành mà mình theo đuổi.
Với bối cảnh hiện nay, tôi nghĩ kỹ năng liên ngành quan trọng. Có lẽ không ngành nào chỉ áp dụng một kỹ năng, chuyên môn riêng lẻ mà thường có sự kết nối với nhau. Cũng không biết rằng 5 - 10 năm sau, ngành nào sẽ lên ngôi, thay đổi ra sao.
Các kỹ năng liên ngành cho phép mình có thể dễ dàng thay đổi, cập nhật và biết cách tự học liên tục cho bản thân.
* Trải qua một chặng đường đại học vô cùng đặc biệt, điều gì khiến bạn đáng nhớ nhất?
- Tôi nghĩ rằng cái rõ nhất là tôi được học nhiều và được khám phá bản thân. Nếu không thử, tôi không biết mình thích kinh tế và cũng không biết mình không thích những môn học như khoa học xã hội. Tôi vượt qua những rào cản để biết, hiểu bản thân.
Góc nhìn của tôi cũng được mở rộng hơn. Lúc đầu nghĩ kinh tế là học để kiếm tiền nhưng học xong kinh tế, tôi hiểu hơn về cách thế giới, thấy thế giới hoạt động từ góc nhìn của kinh tế. Kiến thức và kỹ năng toán cho tôi công cụ để giải quyết các bài toán trong nhiều lĩnh vực. Còn khoa học máy tính cho tôi tìm hiểu những đam mê về các công nghệ mới, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI).
Ngược lại, tôi đã mất những mùa hè mà đáng lẽ ra mình có thể dùng để nghỉ ngơi hoặc cho những dự án khác. Tôi học gần như xuyên suốt các kỳ trong năm. Đôi lúc tôi cũng trải qua một vài cảm giác đang đánh mất niềm tin, đánh mất thời gian...
Định hướng trong thời gian tới của tôi là sẽ tiếp tục tìm kiếm những cơ hội học cao học về khoa học máy tính.
Nam sinh hay hỏi, khéo léo kết hợp kiến thức đa ngành
TS Graeme Walker, Trường ĐH Fulbright Việt Nam, nhận xét Thân Đoàn Thuận là sinh viên nổi bật với tính tò mò của mình, là một trong những người hiếm hoi không bao giờ ngại đặt câu hỏi.
Những câu hỏi của Thuận luôn xuất phát từ mong muốn hiểu biết sâu sắc và mọi câu trả lời đều quan trọng với bạn. Theo TS Graeme Walker, sự tò mò này đã thúc đẩy bạn chinh phục ba ngành học của mình.
TS Huỳnh Thế Đăng - giảng viên ĐH Fulbright Việt Nam - chia sẻ các môn học liên quan đến AI thường rất phức tạp đối với sinh viên vì đòi hỏi kiến thức sâu rộng về toán học, lập trình và tư duy logic.
Điều làm Thuận nổi bật so với các bạn cùng lớp chính là khả năng khéo léo kết hợp kiến thức đa ngành được học ở trường với chuyên môn về AI để giải quyết các vấn đề thực tế đa dạng, từ xử lý hình ảnh, âm thanh, văn bản cho đến các bài toán kinh tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận