Nhiều năm trôi qua chỉ gặp cha mẹ vài lần
Hơn 12 năm qua, tôi gặp cha mẹ chỉ được vài lần hiếm hoi. "Có lẽ cha mẹ coi mình như người khách hỏi thăm vài câu rồi đi, chứ không nghĩ nhiều về đứa con ruột…". Đó là suy nghĩ ngây thơ thuở bé của Hà Trần Minh Tiến - những dòng tâm tình mà cậu đã viết gửi đến chương trình Tiếp sức đến trường của báo Tuổi trẻ.
Tân sinh viên Hà Trần Minh Tiến
Nếu có điều ước, tôi ước một trong hai người cha hay mẹ chịu nuôi tôi, chứ đừng bỏ tôi lại một mình
Ông bà nội làm quần quật nuôi cháu học
Những miếng ván cũ kỹ được chắp vá để làm cầu tạm dẫn vào nhà của ông Hà Văn Phước (64 tuổi, ông nội của Tiến). Ông Phước kể, cách đây 6 năm, địa phương và một Việt kiều Mỹ ở xóm thấy thương gia cảnh đơn chiếc của nhà ông nên quyên góp xây nhà tình thương để gia đình có chỗ che nắng che mưa.
Hà Trần Minh Tiến vừa đi học, vừa ngày ngày giúp ông bà nội làm việc nhà - Thực hiện: LAN NGỌC - NHÃ CHÂN - MAI HUYỀN - BÍCH NGÂN
Bà Nguyễn Thị Bạch Phượng (62 tuổi, bà nội Tiến) tiếp lời, hồi đó lúc hai vợ chồng bà cưới nhau, vì gia đình hai bên cũng nghèo, cưới về cũng không đất, không tiền rồi ai thuê gì làm đó.
Lúc xưa có khoảng thời gian cả nhà sống trên một chiếc ghe rày đây mai đó kiếm sống, sau đó mới lên bờ. Ai thuê bẻ trái cây hay làm cỏ thì bà Phượng neo ghe lên bờ làm, còn ông Phước giăng lưới bắt cá đồng bán.
"Tính tới thời của ba thằng Tiến là gia đình tôi ba thế hệ ở đậu đất người khác. Có lẽ cái nghèo như giọt nước tràn ly khiến cha mẹ thằng Tiến phải ly dị. Cả hai bỏ đi mất tăm, bỏ cháu Tiến lại lúc nó mới 6 tuổi", bà Phượng trầm giọng nói.
Đến người con gái thứ ba của vợ chồng bà Phượng cũng bỏ đi để lại đứa cháu gái mới 3 tháng tuổi cho ông bà nuôi. Hai người già tuổi lục tuần gồng gánh lo cho Tiến và bé Hà Trần Kim Nhi (14 tuổi) ăn học đến hôm nay.
Ở xóm, hễ ai thuê bà Phượng làm cỏ thì làm theo ngày, có khi có khi không, và được trả 150.000 - 200.000 đồng/ngày. Có khi bà đi bẻ dâu mướn được trả 12.000 - 14.000 đồng/giờ.
Còn ông Phước thức từ 3h sáng giăng lưới bắt cá đồng bán, giăng lưới xong về tất tả đi chạy xe ôm mà làm có hôm cũng bữa đực bữa cái.
Rồi người bà con tốt bụng cho ông bà Phước trồng chuối, rau lang, bầu… trên mảnh vườn của họ. Đổi lại, ông bà nội Tiến giữ vườn, làm cỏ, chăm sóc bưởi, măng cụt trong vườn cho chủ. Tiền từ bán chuối, rau lang hay làm cỏ thuê, chạy xe ôm kiểu lai rai của hai ông bà cũng không đủ vào đâu và khoản nợ 20 triệu đồng vẫn chưa trả.
"Nghe nó đậu ĐH Cần Thơ hai vợ chồng tui mừng dữ lắm" - bà nội không giấu được tự hào.
Điểm trung bình môn văn 9,25, điểm vào ngành báo chí ĐH Cần Thơ 27
Minh Tiến trúng tuyển ngành báo chí của Trường đại học Cần Thơ. Cánh cửa đi tới tương lai bằng con chữ mở ra, nhưng em cũng đau đáu về tiền học.
Từ năm lớp 6, cứ mỗi buổi đi học về Minh Tiến vội thay nhanh bộ đồng phục, xoắn tay áo lên đi theo bà nội phụ làm cỏ thuê, bẻ dâu. Rồi quay qua phụ ông nội đi giăng lưới bắt cá bán.
"Ông bà nội thương tôi lắm, lớn tuổi cũng hay đau nhức mà làm quần quật nuôi tôi, không bao giờ để tôi phải đói khát. Buổi nào không học, tôi phụ giúp cho ông bà đỡ cực. Không có cha mẹ riết cũng quen rồi, bạn bè biết tôi "mồ côi" nên không hỏi về gia đình. Chắc tụi bạn sợ tôi buồn", Minh Tiến nói.
Không bàn, không đèn học, Minh Tiến dùng thùng xốp đựng cá của ông nội làm cái bàn, lấy ánh sáng từ bóng đèn trên trần nhà học.
"Nhiều khi ngồi học đến tận khuya bụng đói quá lấy mì gói nấu ăn, rồi cất hết tập sách vô trong cái thùng xốp, sẵn tôi để tô mì lên nắp thùng ăn luôn…", Minh Tiến cười tít mắt chỉ chúng tôi "công dụng thần kỳ" của thùng xốp cũ.
Ở trường, Minh Tiến học trội nhất môn văn. Điểm môn văn của em đạt cao nhất là 9,25 điểm.
"Ở lớp khi học hoặc thi môn học nào về chủ đề gia đình là xem như tôi bị "cụt văn", bởi từ nhỏ tôi đã bị khuyết hạnh phúc gia đình. Cảm giác háo hức khi cha mẹ chở đi chơi công viên hay mua đồ mới, đồ chơi chỉ là mơ, còn thực tế là vài lời hỏi thăm trong ít lần về thăm.
Có lẽ cuộc sống quá ngột ngạt vì thiếu thốn, cha mẹ không còn duyên nợ với nhau nên bỏ đi, chứ tôi nghĩ cha mẹ nào cũng thương con, không đành lòng vứt bỏ núm ruột đâu…", Minh Tiến giọng rười rượi nói.
Tân sinh viên Hà Trần Minh Tiến
Thâm tâm tôi muốn mình là sợi tơ hồng ràng buộc ba mẹ, nhưng nó lại quá mong manh. Đổi lại, tôi cảm nhận được tình yêu thương của ông bà nội, chưa bao giờ ông bà để tôi phải đói ngày nào. Tương lai tôi muốn tập trung học thật giỏi, tốt nghiệp loại giỏi để kiếm được việc làm ổn định để báo hiếu cho ông bà nội
Nửa buổi đi học, nửa buổi phụ ông bà nội, biết nhà khó khăn, Tiến chả bao giờ đòi ông bà cho tiền đi chơi hay sắm quần áo. Mấy năm qua, Minh Tiến và em gái Kim Nhi toàn mặc quần áo của người khác cho. Minh Tiến nói chỉ cần sạch sẽ, gọn gàng thôi, quan trọng hơn phải tích lũy tri thức trong đầu.
Giờ đây học phí và sinh hoạt phí khi lên Cần Thơ nhập học khá lớn, Minh Tiến cho biết xin làm phụ bán quán nước lúc không có lịch học.
Cô Bùi Đặng An Khương - giáo viên chủ nhiệm của Minh Tiến - cho biết Minh Tiến là học sinh ngoan, chịu khó học hỏi, rất cần được tiếp sức đến trường. Tuy hoàn cảnh đơn chiếc, Tiến rất quyết tâm nỗ lực học tập thi đậu đại học.
Nhà trường cũng nắm được hoàn cảnh nên khi có những phần quà hỗ trợ thì tặng cho em. Rất mong nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ thêm để con đường đến giảng đường của em ấy bớt đi sự gập ghềnh.
Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường
Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).
Với phương châm "Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường", "Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ" - như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.
Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ "Đồng hành nhà nông" - Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam - Công ty cổ phầntập đoàn Vinacam và các Câu lạc bộ "Nghĩa tình Quảng Trị", Phú Yên; Câu lạc bộ "Tiếp sức đến trường" Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Tiền Giang - Bến Tre và CLB Doanh nhân Tiền Giang, Bến Tre tại TP.HCM, Công ty Dai-ichi LifeViệt Nam, ông Dương Thái Sơn và những người bạn cùng các doanh nghiệp và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ...
Ngoài ra, Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacamcòn tài trợ 50 máy tính xách tay cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn, thiếu thiết bị học tập trị giá khoảng 600 triệu đồng, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tài trợ 1.500 ba lô trị giá khoảng 250 triệu đồng.
Hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ tài trợ 50 suất học bổng ngoại ngữ miễn phí trị giá 625 triệu đồng. Thông qua ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng TMCP Bắc Á tài trợ 1.500 quyển sách về giáo dục tài chính, hướng dẫn kỹ năng quản lý tài chính cho tân sinh viên…
Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:
113000006100 Ngân hàng Công Thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:
Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;
Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM
với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận