06/05/2014 08:00 GMT+7

Nậm Pồ còn lắm gian nan

 LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
 LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH

TT - Một tối từ đồn biên phòng Nà Hỳ, chúng tôi chạy ra “trung tâm hành chính” huyện Nậm Pồ. Một khu nhà cấp 4 bao gồm trụ sở huyện ủy, UBND, các phòng ban của huyện trải rộng trên một diện tích chừng 2ha.

yb1pAknK.jpgPhóng to
Nụ cười vui sướng của ông Nguyễn Văn Thái, chủ tịch huyện Nậm Pồ (thứ ba từ trái qua) trong ngày khánh thành ngôi trường do bạn đọc báo Tuổi Trẻ tặng thầy trò điểm trường Sam Lang - Ảnh: Ngọc Quang

Tiếng động duy nhất chúng tôi nghe thấy giữa huyện lỵ này là tiếng loa tiếp âm của Đài Tiếng nói VN đang vang lên giữa đêm rừng yên tĩnh. Cả khu trung tâm huyện lỵ Nậm Pồ chỉ thắp sáng bằng hai bóng đèn cao áp, mà theo lời ông Nguyễn Văn Thái, chủ tịch huyện, thì: “Như vậy là đủ sáng rồi, cho nó tiết kiệm!”.

Âu lo từ những cánh rừng

Một trung tâm huyện mà chỉ cần hai bóng đèn cao áp đủ sáng toàn bộ thì đủ hình dung ra sự khó khăn của nó. Nậm Pồ hôm nay cũng là hình ảnh thu nhỏ của Điện Biên mấy chục năm trước, một thị trấn giữa rừng Tây Bắc. “Tách ra từ những xã khó khăn nhất của hai huyện Mường Nhé và Mường Chà, huyện mới Nậm Pồ vừa đi vào hoạt động chính thức từ tháng 6-2013 nên khó khăn là chuyện đương nhiên - ông Thái mở đầu câu chuyện - Khu vực trung tâm hành chính này tuy chỉ tạm thời nhưng cũng sẽ phải sử dụng nơi đây làm việc ít nhất hơn chục năm nữa, trước khi có mặt bằng để mở mang thành một thị trấn huyện lỵ thật sự”.

Nhưng khó khăn không phải chỉ chuyện ấy. Mấy tháng rồi, liên quan đến chuyện ngôi trường và cây cầu Sam Lang, chúng tôi nhiều lần đi sâu vào những cánh rừng giàu có đang bị trọc dần bởi nương rẫy. Từ năm 1992 những đoàn người Mông từ Lào Cai bắt đầu du cư sang tận đây. Như bản Sam Lang, hầu hết là dân người Mông từ huyện Bắc Hà (Lào Cai), thấy rừng còn mênh mông, đất đai màu mỡ, vậy là nhắn bà con bên kia tìm sang. Hơn 20 năm qua, số dân du cư đến đây đã lên tới con số hàng vạn. Những cánh rừng bị đốt dần cho việc mưu sinh...

“Nhưng phải có giải pháp gì để cho dân thay đổi tập quán chứ, không lẽ đốt nương mãi?”- chúng tôi hỏi chủ tịch huyện. “Tất nhiên, muốn dân thay nghề đốt nương thì phải dạy cho họ nghề khác. Mà muốn thế phải có các trung tâm khuyến nông khuyến lâm cho dân, trung tâm dạy nghề cho các cháu... Đã đề nghị, lập đề án rồi nhưng vẫn phải chờ, trong lúc chờ đợi có trung tâm này, chúng tôi cũng phải tìm phương án khác. Huyện đang gửi một số em đi về Mường Phăng học nghề trồng rau, trồng hoa theo kỹ thuật cao rồi về dạy lại cho bà con. Ở đây dân chỉ làm một vụ, đất vụ đông còn lại, nếu dạy cho bà con việc trồng rau, trồng hoa... thì có thể tiến tới hạn chế việc phá rừng. Ngoài ra nhóm tư vấn “nông nghiệp thông minh” sắp tới cũng lên đây tìm hiểu để có phương án giúp dân Nậm Pồ”.

Với người Mông chuyện du cư, đi từ miền này sang miền khác nhẹ như một cuộc rong chơi, bởi gia tài trong căn nhà họ không có gì đáng giá, khi đến vùng rừng mới với một cây rìu là có thể dựng được nhà mới. Ông Thái bảo nếu không phá rừng, người dân ở đây có thể khai thác được thêm lâm sản phụ, ví như vào mùa tết chỉ cần vào rừng khai thác một xe lá dong chở ra thị xã bán là đã có tiền, hay ở vùng này có loại măng tre rừng rất ngon, mỗi cân bán giá 100.000 đồng, vào mùa kiếm một gùi 10kg là đã có bạc triệu. Có tiền, có cái ăn cái mặc dân mới tin tưởng vào chuyện giữ rừng, vì biết giữ được rừng thì sẽ có tiền.

f6zYwYMR.jpgPhóng to
Trung tâm hành chính - tâm điểm thị trấn huyện lỵ Nậm Pồ - chỉ vỏn vẹn những ngôi nhà trệt trên diện tích hơn 2ha giữa núi rừng - Ảnh: Ngọc Quang

Cần đến 13 cây cầu treo

Hôm đi khánh thành điểm trường Sam Lang 2, chủ tịch huyện Nậm Pồ Nguyễn Văn Thái bảo: “Điểm trường như thế này Nậm Pồ có tới 129 điểm, còn cầu treo cỡ như Sam Lang, huyện Nậm Pồ chúng tôi cần đến...13 chiếc nhưng mới chỉ Sam Lang xây xong”.

Anh Lò Văn Van, cán bộ văn phòng ủy ban huyện Nậm Pồ, bảo: “Nhân báo Tuổi Trẻ các anh viết chuyện chui túi nilông qua suối ở Sam Lang và sau đó bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu xây cầu, huyện đã có công văn gửi báo cáo cho bộ, trong bản báo cáo ấy ngoài Sam Lang còn 12 cây cầu khác ở vị trí trọng yếu như Sín Chải, Vàng Lếch, Huoir Thủng 2, Pắc A 2, Pá Kha, Pú Đa, Vàng Đán, Phiêng Ngúa...”.

Những cái tên nghe rất mịt mù mà chờ đến ngày cây cầu bắc qua không biết có quá mịt mù không? Chi phí ước tính để xây số cầu treo dân sinh này cho Nậm Pồ đã gần 80 tỉ đồng, trong khi vốn cho tất tần tật cơ sở hạ tầng, đường sá giao thông của Nậm Pồ chỉ 15 tỉ một năm, như vậy không biết tới năm nào dân Nậm Pồ mới có đủ cầu qua suối!

Hôm đi cùng anh Phương Công Quý, đồn trưởng đồn biên phòng Nà Hỳ, hỏi rằng ở đây trường hợp dân bệnh nặng thì đưa ra tỉnh cấp cứu thế nào, anh Quý nói ngay thì có phương tiện gì đưa phương tiện đó. Cách nay mấy hôm một sản phụ bị hậu sản phải đưa lên xe tải chở thẳng ra Điện Biên, may kịp cứu sống. Rồi anh Quý bảo: “Nhưng hình như dân ở đây quen tự chữa bằng y học dân tộc, bệnh gì cũng chữa bằng cây, bằng thuốc nam, hi hữu mới có người bệnh nặng”. Nếu vậy thì quả là may mắn, vì cho đến bây giờ Nậm Pồ vẫn chưa có... bệnh viện, chỉ có một trung tâm y tế khu vực này ngày xưa của huyện Mường Nhé, sau khi tách huyện thì trở thành Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ. Lần trước, theo đoàn bác sĩ Bệnh viện Điện Biên vào đây cấp thuốc khám bệnh theo chương trình “Tháng ba biên giới” của báo Tuổi Trẻ, chúng tôi đã thấy gần 1.000 đồng bào tới khám trong khi cơ số thuốc mang đi chỉ 500, đành phải khất hẹn với bà con.

Tuy nhiên trước những khó khăn của Nậm Pồ hay xa hơn, ở cả vùng đất Điện Biên biên viễn này, vẫn có hàng vạn giải pháp thầm lặng. Họ là thầy giáo, là cán bộ nông nghiệp, là thợ xây trường xây cầu, và những người lính biên phòng... đồng cam cộng khổ cùng bao nhiêu đời dân biên ải.

______________

Kỳ cuối:Có một Điện Biên thầm lặng giữa rừng

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3: Kỳ 4:

 LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên