29/11/2021 12:03 GMT+7

Nam Phi kêu gọi ngừng chặn biên giới, châu Âu muốn 'câu giờ' với biến thể Omicron

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Trước sự xuất hiện của biến thể Omicron, nhiều nước trên thế giới đã siết chặt các biện pháp kiểm soát tại biên giới. Tuy nhiên, giám đốc khu vực châu Phi của WHO kêu gọi ngừng ngay hành động này.

Nam Phi kêu gọi ngừng chặn biên giới, châu Âu muốn câu giờ với biến thể Omicron - Ảnh 1.

Các vắc xin hiện tại có thể vẫn bảo vệ được phần nào trước biến thể Omicron - Ảnh: REUTERS

Theo Hãng tin Reuters, ngày 29-11, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết đang cân nhắc về việc đưa ra các biện pháp kiểm soát biên giới nhằm ngăn chặn biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2.

Trước đó, cùng với nhiều quốc gia khác, Nhật đã siết chặt các quy định nhập cảnh đối với những người vừa đi qua 9 nước châu Phi, bao gồm Botswana, Eswatini, Lesotho, Malawi, Mozambique, Namibia, Nam Phi, Zambia và Zimbabwe.

Những người này sẽ phải cách ly trong 10 ngày tại các cơ sở do chính phủ chỉ định khi nhập cảnh vào Nhật Bản.

Danh sách các nước thông báo tạm dừng tất cả chuyến bay đến và đi từ 7 quốc gia châu Phi do lo ngại sự lây lan của biến thể Omiron ngày càng dài ra. Mỹ, các nước châu Âu… đều đưa ra biện pháp này.

Bắt đầu từ ngày 29-11, Mỹ sẽ cấm nhập cảnh với hầu hết những ai đến từ khu vực nam châu Phi, trừ công dân và thường trú nhân có quyền cư trú hợp lệ ở Mỹ.

Giới chức y tế Mỹ cho biết sẽ không đưa ra bất cứ yêu cầu về sàng lọc hay truy vết nào đối với biến thể Omicron.

Người nhập cảnh không cần xét nghiệm COVID-19 tại điểm đến. Các hãng hàng không cũng không đưa ra các yêu cầu khác.

Theo tiến sĩ Matshidiso Moeti, giám đốc khu vực châu Phi của WHO, biện pháp hạn chế đi lại có thể có vai trò nào đó trong việc giảm nhẹ sự lây lan của COVID-19 nhưng gây tổn hại thêm cho nền kinh tế của các nước bị ảnh hưởng và làm suy yếu khả năng ứng phó và phục hồi sau đại dịch.

"COVID-19 liên tục tận dụng sự chia rẽ của chúng ta. Chúng ta sẽ chỉ giành lợi thế trước virus nếu chúng ta cùng nhau tìm giải pháp", ông Moeti khẳng định.

Thực tế từ gần 2 năm qua đã chứng minh dù các nước có đóng cửa, virus vẫn bằng cách nào đó xuyên thủng các đường biên giới. Hơn nữa, cấm nhập cảnh với người đến từ các nước nam châu Phi có thể là không đủ khi hiện nay biến thể virus đã có mặt ở nhiều quốc gia khác.

Cấm biên chỉ làm chậm lại sự lây lan chứ không có tác dụng cắt đứt đường lây lan, theo quan điểm của các chuyên gia Mỹ và châu Âu.

Ngày 28-11, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh trong tình hình hiện tại, các nước cần thực hiện chính sách "trì hoãn" để hiểu hơn về Omicron và khả năng chống lại biến thể mới này của các loại vắc xin hiện có.

Các biện pháp "câu giờ" bao gồm hối thúc người dân tiêm vắc xin, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn.

Tại Anh, Bộ trưởng Y tế Sajid Javid cho biết quy định đeo khẩu trang tại các cửa hàng và trên các phương tiện giao thông công cộng sẽ được áp dụng trở lại tại nước này từ ngày 30-11.

Đức kêu gọi người dân cùng hành động, tiêm vắc xin, tuân thủ các quy định và hạn chế hơn nữa việc tiếp xúc với người lạ.

Theo báo New York Times, các vắc xin hiện tại vẫn được kỳ vọng là có thể cung cấp một mức độ bảo vệ nào đó với biến thể Omicron. Vắc xin kích thích việc sản sinh kháng thể và tế bào miễn dịch tấn công các tế bào nhiễm virus. Ngoài ra, mũi tiêm tăng cường cũng tăng mức độ kháng thể trong cơ thể, bảo vệ người được tiêm tốt hơn trước các biến thể mới như Omicron.

Biến thể Omicron lan nhanh nhưng chuyên gia Nam Phi nói không gây bệnh nặng Biến thể Omicron lan nhanh nhưng chuyên gia Nam Phi nói không gây bệnh nặng

TTO - Đã có cảnh báo là biến thể Omicron có khả năng lây gấp 5 lần so với biến thể Delta. Tuy nhiên, bác sĩ ở Nam Phi cho biết các bệnh nhân có triệu chứng rất nhẹ. Do đó, có thể biến thể này lây lan nhanh nhưng không nguy hiểm.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên