23/12/2018 09:10 GMT+7

Nắm người 'có tóc', đừng đánh thuế với quán cóc, xe ôm

LÊ THANH - ÁNH HỒNG
LÊ THANH - ÁNH HỒNG

TTO - Việc ngành thuế đưa các cá nhân kinh doanh tự do như xe ôm, bán ở vỉa hè vào quản lý thuế đã có ý kiến trái chiều, thậm chí cho là tận thu... Cũng có góc nhìn khác đó là quản để tạo công bằng hoặc cân nhắc giữa chi phí và hiệu quả.

Nắm người có tóc, đừng đánh thuế với quán cóc, xe ôm - Ảnh 1.

Tài xế Grab công nghệ phải chịu thuế? - Ảnh: TỰ TRUNG

Trong khi đó, đại diện Tổng cục Thuế cho biết đưa các cá nhân kinh doanh tự do vào diện quản lý không có nghĩa là các đối tượng này phải nộp thuế mà chỉ trường hợp có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm mới phải nộp thuế.

* Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính:

Xem lại trách nhiệm của ngành thuế

Nắm người có tóc, đừng đánh thuế với quán cóc, xe ôm - Ảnh 2.

Có kinh doanh thì phải có nộp thuế cho Nhà nước. Với hộ kinh doanh chúng ta áp dụng phương pháp thuế khoán, họ tự khai và nộp thuế, cơ quan thuế phải có trách nhiệm quản lý. Việc còn hơn 500.000 hộ kinh doanh sẽ được đưa vào tầm ngắm cho thấy lâu nay ngành thuế đang bỏ lọt việc quản lý thuế số hộ này. 

Câu hỏi đặt ra là có bao nhiêu hộ thuộc diện có doanh thu đến mức nộp thuế? Số thuế bị sót lọt hằng năm là bao nhiêu? Dưới góc độ quản lý, cần phải xem trách nhiệm quản lý thuế của ngành thuế.

Hiện hộ kinh doanh chỉ chiếm 2% tổng thu ngân sách. Nhưng không thể nói quá ít mà buông lỏng quản lý, bỏ sót thuế. Chưa kể việc khoán thuế đối với hộ cũng chưa minh bạch, có nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ thuế. Do vậy phải quản và thu để đảm bảo công bằng.

* Chuyên gia Nguyễn Thái Sơn:

Muốn công bằng, cần đưa vào quản lý

Nắm người có tóc, đừng đánh thuế với quán cóc, xe ôm - Ảnh 3.

Nguyên tắc của Luật thuế là phải điều tiết công bằng, tức cá nhân có thu nhập đến ngưỡng chịu thuế thì phải nộp thuế, bất kể thuộc ngành nghề nào. Tất nhiên, cơ quan thuế cũng đưa ra một mức xem như là "giảm trừ gia cảnh". Cụ thể, với cá nhân làm công ăn lương được giảm trừ gia cảnh cho bản thân và người phụ thuộc, còn với cá nhân kinh doanh thì thu nhập dưới 100 triệu đồng/năm không phải nộp thuế, kể cả lệ phí môn bài.

Thực ra, việc ngành thuế đưa các cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ vào quản lý để nắm được doanh thu. Chỉ những trường hợp có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm mới phải nộp thuế. Thực tế không phải cá nhân kinh doanh lòng lề đường, vỉa hè nào cũng có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm mà nhiều trường hợp có thu nhập khá cao. Do vậy các trường hợp này cũng phải được điều tiết thuế để công bằng giữa các đối tượng chịu thuế.

* Ông Nguyễn Đức Nghĩa - Chủ nhiệm Câu lạc bộ đại lý thuế TP.HCM:

Nên nắm người "có tóc"

Nắm người có tóc, đừng đánh thuế với quán cóc, xe ôm - Ảnh 4.

Theo xu thế mới hiện nay, ngành thuế sẽ cắt giảm nhân sự, các chi cục sẽ giảm đi để thành lập các chi cục thuế khu vực, vậy có đủ nhân lực để khảo sát, thu thập, quản lý thêm số lượng lớn người kinh doanh có nguồn thu thấp. Phải cân nhắc vì số thuế của hơn 1,6 triệu hộ kinh doanh ổn định hiện chỉ chiếm 2% số thu ngân sách.

Vì vậy, trước mắt ngành thuế nên nắm người "có tóc", là các hộ kinh doanh ổn định và quản lý thu hiệu quả, tránh sót lọt thuế. Chưa vội quản lý những người hành nghề xe ôm, bán ở vỉa hè. 

Hơn nữa, cũng nên nghĩ đến yếu tố khác là trong tương lai khả năng các đối tượng này sẽ ít đi vì xã hội phát triển, chẳng hạn có hệ thống giao thông công cộng tốt thì xe ôm sẽ ít đi, hay buôn bán vỉa hè ít lại... Đặt vấn đề quản lý và thu ngay lúc này sẽ tạo nên xáo động không hay.

* PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trưởng khoa Tài chính ĐH Kinh tế TP.HCM:

Cân nhắc giữa chi phí và hiệu quả

Nắm người có tóc, đừng đánh thuế với quán cóc, xe ôm - Ảnh 5.

Theo Tổng cục Thống kê, hiện nay số lượng cá nhân kinh doanh tự do như xe ôm, vỉa hè... rất lớn, lên đến 2,1 triệu hộ. Việc quản lý để nắm doanh thu của các đối tượng này là việc nên làm, nhưng sẽ tốn một nguồn nhân lực cũng như thời gian rất lớn.

Ngành thuế luôn kêu thiếu nhân lực, vậy phải cân nhắc sao cho đạt được hiệu quả thu ngân sách cao nhất. Như vậy, phải quản lý các đối tượng chịu thuế sẵn có và khai thác tốt nguồn thu hơn là mở rộng đối tượng để rồi tốn nhiều công sức quản lý nhưng số thu chưa chắc cao. Trong khi nếu chống chuyển giá tốt với các doanh nghiệp có vốn nước ngoài sẽ đem lại nguồn thu lớn hơn thay vì quản lý thêm 2 triệu đối tượng mới.

Với người hành nghề xe ôm, bán ở vỉa hè cần quản lý thuế nhưng làm từng bước, khi điều kiện về nhân lực và kỹ thuật trong tương lai tốt hơn. Còn hiện nay khi thất thu thuế đang lớn, việc thu thuế với các đối tượng được xem là "nhạy cảm", có thu nhập thấp trong xã hội sẽ khó tạo được đồng thuận.

* Anh Đàm Minh Đức - Tài xế Grab, quận 5, TP.HCM:

Tôi vẫn tạm nộp thuế

Nắm người có tóc, đừng đánh thuế với quán cóc, xe ôm - Ảnh 6.

Tôi chạy Grab toàn thời gian, mỗi ngày từ khoảng 8h-9h sáng đến khuya, trung bình 13-14 tiếng. Tháng cao điểm thu nhập khoảng 8 triệu, tháng thấp điểm sẽ ít hơn. Tuy vậy, tôi vẫn bị tạm khấu trừ thuế, hằng tháng nếu có tiền thưởng cuốc xe tôi vẫn thấy bị khấu trừ khoảng 1%. Khả năng cuối năm nếu tổng thu nhập không đủ 100 triệu thì tôi sẽ được hoàn lại số tiền đã bị tạm khấu trừ.

* Bà Tạ Thị Phương Lan - Phó vụ trưởng Vụ quản lý thuế thu nhập cá nhân Tổng cục Thuế:

Quản lý thuế không có nghĩa là phải nộp thuế

a6

Theo quy định, mức thu nhập trên 100 triệu đồng/năm mới phải nộp thuế. Tuy nhiên, ngành thuế vẫn phải quản lý những cá nhân, hộ kinh doanh có doanh thu dưới mức này và sẽ quản riêng. Khi nào doanh thu của họ đạt trên 100 triệu đồng, ngành thuế mới thông báo cho họ đến ngưỡng nộp thuế.

Cách quản lý là cơ quan thuế địa phương sẽ đưa vào danh sách quản lý tại địa bàn, những hộ có doanh thu trên hoặc dưới 100 triệu đồng/năm. Hằng năm cán bộ thuế phát tờ khai để hộ kinh doanh tự kê khai.

Trên cơ sở đó, cán bộ thuế sẽ tính doanh thu và theo điều tra khảo sát cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế để ấn định doanh thu đến ngưỡng phải nộp thuế hay chưa?

Việc quản lý thuế là để đưa vào nề nếp. Đưa vào diện quản lý thuế không có nghĩa là sẽ nộp thuế. Hiện ngành thuế đang quản lý hơn 1 triệu hộ kinh doanh nhưng chỉ có 30-40% không thuộc diện nộp thuế.

Theo số liệu chênh lệch giữa cơ quan thống kê và cơ quan thuế, như cơ quan thống kê, cả nước có 5 triệu hộ kinh doanh, còn cơ quan thuế là 1,7 triệu hộ. Chênh ra hơn 3 triệu hộ, nhưng sau khi loại trừ ra các tiêu chí và thời điểm thống kê thì còn khoảng 600.000 hộ kinh doanh.

Vì thế, Tổng cục Thuế có văn bản giao các cục thuế địa phương tiếp tục rà soát để xem đối tượng nào chưa được quản lý. Cơ quan thuế cũng không khẳng định việc chưa quản lý gần 600.000 hộ kinh doanh là thất thu thuế của từng này hộ.

Về nguyên tắc, những hộ kinh doanh như hàng rong, xe ôm dù không kinh doanh thường xuyên cũng đều thuộc đối tượng quản lý của ngành thuế. Tuy nhiên, những đối tượng này khá đông, kinh doanh không ổn định về địa điểm, thời gian kinh doanh cũng không liên tục.

Hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu/năm chỉ đủ ăn, qua bữa, qua ngày nên cơ quan thuế chưa dốc sức vào quản lý mà tập trung vào những hộ lớn có địa điểm kinh doanh cố định, buôn bán hoạt động thường xuyên.

Ngành thuế đưa xe ôm, quán cóc vỉa hè vào tầm ngắm

TTO - Tổng cục Thuế vừa đưa ra con số giật mình: trên cả nước có đến 581.700 hộ dù có địa điểm kinh doanh nhưng chưa đưa vào diện quản lý thuế. Sắp tới, ngành thuế sẽ đưa vào tầm ngắm các quán cóc vỉa hè, xe ôm...

LÊ THANH - ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên