Năm nay ta lại được mùa AI

HOA KIM 18/02/2023 06:07 GMT+7

TTCT -Không có gì nghi ngờ, năm 2022 và có lẽ ít nhất nửa đầu năm 2023 là thời của AI.

Ảnh: India Express

Ảnh: India Express

Trong giới công nghệ, ngoài những đột phá một-lần-và-mãi-mãi, như sự khAI sinh Internet hay chiếc điện thoại thông minh đầu tiên, thì dường như mọi xu hướng đều có chu kỳ. 

"Mùa" của một xu thế công nghệ thường bắt đầu bằng một sản phẩm gây tiếng vang, kéo theo cuộc chạy đua đổ tiền của các ông lớn và nhà đầu tư với hàng loạt startup ra đời, rồi rút về hậu phương nhường tiêu điểm cho công nghệ khác "hot" hơn trong lúc chờ ngày trỗi dậy lần nữa. 

Không có gì nghi ngờ, năm 2022 và có lẽ ít nhất nửa đầu năm 2023 là thời của AI.

Cuộc đua đã vào guồng

Sản phẩm mang AI trở lại trên bản đồ công nghệ và trang nhất mặt báo không gì khác là chatGPT. Có thể cảm nhận cơn sốt ChatGPT trên toàn cầu: ngay cả ở quốc gia mà công cụ này chưa được phân phối chính thức như Việt Nam, việc mua bán tài khoản đăng ký sẵn vẫn diễn ra tràn lan, truyền thông cùng mạng xã hội miệt mài bàn luận lợi-hại và những tác động của ChatGPT đến văn hóa-xã hội.

Các ông lớn công nghệ (Big Tech) của Thung lũng Silicon tất nhiên không thể ngồi yên nhìn một startup non trẻ (OpenAI thành lập tháng 12-2015) chiếm hết sự chú ý. Microsoft đã đầu tư 10 tỉ USD vào OpenAI với hy vọng nắm trong tay sức mạnh công nghệ AI của startup này, bao gồm cả ChatGPT lẫn DALL-E.

Theo The Economist, các nhà đầu tư của Alphabet (công ty mẹ của Google) đang sốt ruột chờ đợi lời đáp trả của Google dành cho ChatGPT. Quả nhiên đến ngày 26-1, Google đăng một nghiên cứu mô tả mô hình AI do công ty này phát triển với khả năng soạn nhạc từ mô tả bằng văn bản. Baidu, gã khổng lồ công nghệ tìm kiếm ở Trung Quốc, cũng đang có kế hoạch tích hợp một chatbot vào công cụ tìm kiếm của mình vào tháng 3 năm nay.

Google LaMDA

Google LaMDA

Big Tech không cô độc trong cuộc chơi AI. Các công ty khởi nghiệp như Anthropic và Character AI đang xây dựng những kẻ thách thức ChatGPT của riêng họ. 

Stability AI - một startup đã quy tụ được cộng đồng gồm một số công ty nhỏ, trường đại học và tổ chức phi lợi nhuận để chia sẻ tài nguyên điện toán lẫn nhau - cũng cho ra đời mô hình AI mã nguồn mở giúp chuyển đổi văn bản thành hình ảnh và được đón nhận rộng rãi. Dòng vốn chảy vào các công ty khởi nghiệp AI trong năm 2022 lên đến tổng cộng 2,7 tỉ USD với 110 thương vụ.

Ở Trung Quốc, các tổ chức được chính phủ hậu thuẫn như Học viện Trí tuệ nhân tạo Bắc Kinh (BAAI) là đầu tàu nghiên cứu AI của cả nước. "Những đơn vị nghiên cứu AI - dù là một phần của các công ty công nghệ lớn, có liên kết với họ hoặc được điều hành bởi các startup độc lập - đang tham gia một cuộc đua vĩ đại để giành quyền lực tối thượng về trí tuệ nhân tạo" - The Economist nhận xét. "Kết quả cuộc đua sẽ quyết định kỷ nguyên AI đến nhanh như thế nào đối với người dùng máy tính khắp nơi và ai sẽ thống trị nó".

Trước áp lực quá lớn từ ChatGPT, các công ty như Meta và Google đang tìm mọi cách đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu phát triển AI, bất chấp có thể phải đánh đổi bằng an toàn của người dùng, một số nhân viên giấu tên của hai công ty này tiết lộ với báo The New York Times. Tài liệu nội bộ Meta do tờ này tiếp cận cho thấy nhân viên được kêu gọi rút ngắn quá trình phê duyệt AI để tận dụng thời gian vàng của công nghệ mới nhất. Google cũng bật "mã đỏ" chạy đua làm AI và đề xuất mở "làn xanh" nhằm rút ngắn quy trình đánh giá và giảm thiểu tác hại tiềm ẩn.

Bình mới, rượu cũ

Để phân định hơn thua giữa ChatGPT và một chatbot dựa trên mô hình LaMDA chưa ra mắt công chúng của Google, The Economist thách đố cả hai bằng 20 câu hỏi: 10 câu lấy từ một cuộc thi toán học và 10 câu đọc hiểu trích từ đề thi SAT (bài đánh giá năng lực được dùng trong xét tuyển đại học ở Mỹ). Để thêm phần thú vị, hai AI còn được đề nghị đưa ra lời khuyên tình cảm trong một tình huống giả định.

Kết quả là không có AI nào chiếm ưu thế tuyệt đối. Chatbot của Google nhỉnh hơn về khả năng giải toán, nhưng ChatGPT lại tỏ ra xuất sắc trong năng lực đọc hiểu. Tư vấn tình cảm là lĩnh vực khá cân sức khi cả hai đều đưa ra lời khuyên như "hãy mở lòng mình ra" và "giao tiếp một cách hiệu quả". Đáng chú ý, khi được trao cơ hội thứ hai để giải lại bài toán, ChatGPT dường như nhận ra sai lầm và đưa ra kết quả với tỉ lệ chính xác ngang ngửa LaMDA.

Lý do cho đến nay chưa có mô hình AI nào tỏ ra vượt trội so với phần còn lại, theo giám đốc chiến lược David Ha của Stability AI, là vì mọi nhà nghiên cứu dù làm việc cho phòng lab nào cũng "đều chơi với nhau". Điều này khiến những phát kiến mới trong ngành nhanh chóng lan tỏa và trở thành kiến thức chung.

Bản thân ông Ha từng làm việc cho bộ phận nghiên cứu AI của Google trước khi đến Stability AI, dĩ nhiên ông mang theo mình những kinh nghiệm tích lũy từ công việc cũ. Hơn nữa, những bộ não AI giỏi nhất khi nhảy việc đều kèm theo điều kiện rằng họ có thể tiếp tục công bố nghiên cứu của mình và trình bày kết quả tại các hội nghị. Vì vậy, trong nghiên cứu AI, "không bên nào đi trước bên nào quá 2 - 6 tháng", theo trưởng bộ phận nghiên cứu AI của Meta Yann LeCun.■

Chạy đua thì nhiều, nhưng hầu như mọi đột phá lớn về AI trên toàn cầu đều đến từ những gã khổng lồ. Một phần bởi họ sở hữu phần cứng đủ mạnh để huấn luyện những mô hình AI "khủng", phần nữa vì đây là lĩnh vực hiếm hoi mà kết quả nghiên cứu cơ bản có thể nhanh chóng được tích hợp vào sản phẩm - nghĩa là mang tiền về ngay cho chủ đầu tư. Ngược lại, các startup như OpenAI có lợi thế về sự trẻ trung, mới mẻ và ít bị công chúng đặt những câu hỏi khó về mặt đạo đức.

Google BerT

Google BerT

Sau khi "báo động đỏ" và huy động tổng lực cho việc phát triển AI vì bị ChatGPT "phả vào gáy", Google cuối cùng cũng đã có động thái đáp trả: Ngày 6-2, CEO Sundar Pichai công bố một "dịch vụ AI đàm thoại thử nghiệm" có tên Bard đã chính thức được mở cho một nhóm "những người dùng thử tin cậy" và có thể mở cho tất cả mọi người vài tuần sau đó.

Trong bài viết trên blog chính thức của Google, Pichai cho biết Bard sẽ dùng thông tin từ Internet để đưa ra "các phản hồi mới và chất lượng cao". Bài viết đăng kèm video minh họa khi nhận được câu hỏi "Có phát hiện mới nào từ kính viễn vọng vũ trụ James Webb Space Telescope mà tôi có thể kể cho con tôi 9 tuổi nghe được không", Bard trả lời với nhiều dữ kiện thú vị, chẳng hạn "Năm 2023, JWST phát hiện nhiều thiên hà có biệt danh đậu Hà Lan".

Bard chạy trên nền LaMDA - mô hình ngôn ngữ lớn do Google huấn luyện, lần đầu tiên được công bố vào tháng 5-2021. Mô hình này từng gây xôn xao vì một kỹ sư máy tính Google cho rằng nó có "tri giác" như con người. Pichai lưu ý Google chỉ dùng một phiên bản nhẹ, ít tốn tài nguyên điện toán hơn để chạy Bard và chắc chắn hãng này sẽ tiếp tục thận trọng, giữ nguyên lập trường từ khi xuất hiện "mối đe dọa" ChatGPT: dù có nhiều đồ chơi trong tay, đại gia công nghệ này rất cẩn trọng vì lo ngại các vấn đề như AI tạo nội dung thù hận, sai lệch thông tin.

Cần biết cả GPT-3 của OpenAI lẫn LaMDA đều phát triển dựa trên kiến trúc Transformer, là công trình do nhóm nghiên cứu AI của Google công bố tháng 6-2017, trong một bài báo được cho là định hình hướng phát triển AI xử lý ngôn ngữ từ đó trở về sau.

(TỊNH ANH)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận