Các container chất cao tại cảng Los Angeles vào ngày 1-10 - Ảnh: AP
Cứ tưởng vắc xin ra đời, dịch bệnh đã được kiểm soát ở nhiều nơi thì mọi thứ sẽ dần bình thường. Nhưng không, ngay lúc này, một mùa lễ hội cực kỳ khó khăn đang bắt đầu diễn ra trên đất Mỹ.
Hai mùa Noel
Nhớ Giáng sinh năm ngoái, khi cả nước Mỹ chìm trong dịch bệnh và phong tỏa, vắc xin chỉ mới được chích cho nhân viên tuyến đầu, phần lớn người Mỹ đều ở nhà, không đi làm, lãnh tiền trợ cấp, thì nhu cầu... mua cây thông Noel và đồ trang trí trở nên cấp thiết.
Thay vì xài thông nhựa, người ta đổ xô đến các vườn ươm, siêu thị Home Depot, Lowe’s và nhiều quầy ven đường mua thông tươi.
Giá thông những năm trước khởi điểm chỉ khoảng 30 USD thì năm ngoái tăng gần gấp đôi nhưng vẫn không có hàng bán. Mua thông về còn phải lo tìm đồ trang trí vì quả châu, đèn màu, tượng gỗ đều đã hết từ sớm.
Năm nay, các lệnh phong tỏa ảnh hưởng rất lớn đến hàng hóa từ Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ và nhiều nước châu Á xuất sang phương Tây trong dịp mua sắm lớn nhất năm. Bên cạnh đó là nỗi lo chuỗi cung ứng đang đứt gãy.
Theo tờ Business Insider, các nhà lập pháp Nam California đang tính tới chuyện tuyên bố tình trạng khẩn cấp để... cứu lấy những bến cảng đang ngập ngụa container. Ở cảng Los Angeles và Long Beach, hơn 100 tàu chở hàng vẫn đang chực chờ trên biển đợi tháo dỡ (so với kỷ lục 17 chiếc ở thời điểm trước dịch).
Hàng ngàn container vạ vật nhiều tuần không được xả hàng. Nước Mỹ đang thiếu gần 80.000 tài xế lái xe tải, con số kỷ lục trước nay. Ngoài ra, những đoạn xa lộ không được sửa chữa, đường sắt thiếu công nhân bảo trì, thiếu container và những kho hàng tồn ứ đã khiến hàng hóa không kịp đến tay người mua.
Hôm 13-10, Tổng thống Joe Biden công bố nỗ lực nhằm tháo gỡ những nút thắt của chuỗi cung ứng. Theo đó, lãnh đạo cảng Los Angeles quyết định tăng giờ làm lên gấp đôi, hoạt động 24/7. Cảng Long Beach làm thêm ban đêm và cuối tuần. Hai công ty chuyển hàng lớn nhất Mỹ là Fedex và UPS cũng hứa tăng cường vận tải thâu đêm.
Các công ty lớn như Walmart, Lowe’s, Home Depot, Costco dù sao cũng có nguồn lực trụ lại khi thiếu hàng bán. Những cửa hàng bán áo quần Giáng sinh nhỏ hơn như UglyChristmasSweater.com thì rầu rĩ vì hàng của họ còn kẹt ở Long Beach không biết bao giờ mới tới.
Các công ty bán đồ chơi trẻ em đang ngồi trên lửa vì không biết hàng mình nằm đâu, trong khi ngày cần bung ra bán đã cận kề. Rồi các thương hiệu thời trang như H&M, Zara, Abercrombie hay Gap cũng sợ không đủ hàng.
Cái gì cũng tăng giá
Stewart, một thương gia 21 năm trong ngành, than thở ông đã từng chứng kiến nhiều khó khăn từ vụ khủng bố 11-9, khủng hoảng kinh tế 2008 - 2009, động đất và sóng thần 2011 ở Nhật ảnh hưởng đến toàn cầu, nhưng lần này thì tình hình kéo dài và tồi tệ hơn rất nhiều.
Sau dịch, khá đông người Mỹ thà... ở nhà lãnh tiền trợ cấp hơn tới công ty. Những bà mẹ có con nhỏ chưa được chích vắc xin vẫn muốn con học online nên cũng không đi làm được. Nhiều cửa hàng cà phê, quán ăn phải đóng cửa vì không có nhân viên.
Trang trại không người làm, hàng triệu con heo có thể phải hủy vì không người mổ. Lễ Tạ ơn sắp tới e là sẽ thiếu cả gà tây lẫn món khoai tây hầm.
Hôm tôi đi Tennessee, ghé vào quán ăn Waffle House đông nghịt khách nhưng chỉ có hai nhân viên, một chạy bàn, một đầu bếp vì không tuyển ra người. Cô đầu bếp với giọng miền Nam rặt cười bảo: "Tôi phải đi làm thôi chứ ở nhà với lão chồng chơi game suốt ngày, tôi nổi điên lên mất".
Đi chợ Việt, những món yêu thích của tôi như nước mía, bắp hầm, cà phê... nhập từ Việt Nam luôn cháy hàng. Cầm 100 USD đi chợ giờ không mua được bao nhiêu. Gạo tăng thêm 10 USD mỗi bịch. Nước mắm rẻ nhất 99 cent giờ đã lên 3 USD. Sầu riêng đông lạnh ngày nào chỉ 99 cent/lb (khoảng 0,45kg), nay đã tăng giá gấp năm lần.
Bánh kẹo, trái cây, mỗi thứ tăng một chút nhưng cộng lại thấy quá trời tiền. Chị tôi than giờ đi chợ mua khoai lang, khoai tây có khi còn mắc hơn cả thịt.
Công ty cho thuê mướn nhà của tôi không thể mua được tủ lạnh hay bếp mới dù giá tăng gấp rưỡi. Những miếng thạch cao gắn tường không kiếm đâu ra. Rồi gạch lót nền, quạt trần hay thậm chí sơn vạch vôi cũng không sao mua được.
Những ngày mua sắm lớn nhất trong năm đang đến gần. Mỗi ngày xem tivi, đọc báo đều nghe tin tức về chuỗi cung ứng đang đứt gãy. Các chuyên gia cảnh báo chuyện tắc nghẽn hàng hóa sẽ không sớm biến mất và còn kéo dài sang tới năm 2022.
Mùa Giáng sinh này, tôi muốn mua một tấm nệm Kymdan tặng chị gái nhưng chi nhánh bên Mỹ đã ngừng bán từ năm ngoái. Liên lạc với chị Hà, một người bạn ở Việt Nam làm trong ngành vận chuyển, chị bảo ngày trước gửi một công (container) 40hq (cao 12m, nặng gần 4 tấn) đi San Jose (Mỹ) chỉ khoảng 2.000 USD nhưng giờ giá tăng gấp 6 mà cũng không có công để gửi.
Những đồ trang trí cây thông Noel đồng giá 1 USD được bày bán sớm. Ảnh chụp ngày 22-10 - Ảnh: HỮU TÀI
Khó vì thiếu lao động
* Ông Nguyễn Chí Trung (chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Gia Định):
Doanh nghiệp da giày không giao được hàng vì thiếu lao động
Doanh nghiệp chúng tôi hiện chỉ đang hoạt động khoảng 50% công suất do thiếu lao động. Đơn hàng dù vẫn giữ được, nhưng với năng lực sản xuất hiện nay rõ ràng không thể đáp ứng đủ nhu cầu cho các đối tác, bạn hàng ở Mỹ hay châu Âu.
Đối tác cũng nắm rõ tình hình dịch COVID-19 diễn ra ở Việt Nam rất căng thẳng nên họ chỉ mong doanh nghiệp tổ chức sản xuất được tới đâu thì gởi hàng gấp sang cho họ, nhất là chuỗi cung ứng hàng hóa lớn nhất thế giới hiện nay đều nằm ở châu Á.
Bản thân doanh nghiệp cũng rơi vào thế bị động vì có muốn tăng công suất, đẩy nhanh tốc độ sản xuất để có nhiều hàng hơn xuất đi cũng rất khó. Bởi để người lao động quay lại làm việc tại TP.HCM hoàn toàn không dễ khi việc đi lại giữa các địa phương vẫn còn rất nhiều quy định phức tạp, chồng chéo.
* Ông Diệp Thành Kiệt (phó chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam - Lefaso):
Đơn hàng còn nhưng chưa thể phục hồi sản xuất
Không thể phủ nhận việc một số thị trường trên thế giới thiếu hụt hàng hóa là vì ảnh hưởng nguồn cung từ Việt Nam bị gián đoạn một thời gian khá dài. Với thị trường Mỹ, việc thiếu hụt giày dép hay quần áo cũng dễ hiểu khi Việt Nam là nhà cung ứng giày dép lớn thứ hai cho họ.
Lúc Việt Nam thực hiện giãn cách nghiêm ngặt cũng đã có tình trạng đơn hàng chuyển sang các nước. Tuy nhiên, các nước có thể thay thế Việt Nam để tiếp nhận các đơn hàng chuyển đi không nhiều, thậm chí họ còn gặp khó khăn do dịch COVID-19 như Indonesia, Bangladesh... nên việc sản xuất cũng bị đình trệ.
Còn hiện tại, dù các doanh nghiệp trong nước cơ bản vẫn còn đơn hàng cũ, nhưng với các tiêu chí để tổ chức lại nhà máy sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn phòng chống dịch trong giai đoạn mới thì các doanh nghiệp vẫn gặp không ít khó khăn, nhất là về nguồn lực lao động và độ phủ vắc xin.
Do đó, để doanh nghiệp trở lại hoạt động như trước, hay chí ít là đáp ứng đủ nhu cầu hàng hóa cho các bên đặt hàng với các đơn hàng cũ, không phải là điều dễ dàng.
TRẦN VŨ NGHI ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận