19/04/2012 09:01 GMT+7

Nấm mộ "người làm ruộng già"

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - 145 năm đã trôi qua kể từ ngày Phan Thanh Giản phải nâng chén thuốc độc để tỏ tấm lòng trung nghĩa và tạ tội với non sông. Bên nấm mộ “người làm ruộng già”, bao biến động bể dâu với chiến tranh, loạn lạc, đói khổ đã xảy ra.

Tiết thanh minh, kẻ hậu sinh về thắp nén hương viếng ông mà bùi ngùi trộm nghĩ hương hồn ông đã an lòng chưa hay vẫn sầu nặng nỗi bi kịch muôn đời? Thế gian này có ai chọn được thời thế cho mình?

Xt3YC2LD.jpgPhóng to

Lăng mộ giản dị của cụ Phan Thanh Giản tại Ba Tri (Bến Tre) - Ảnh: Q.V.

“Người làm ruộng già”

Đường về miền duyên hải xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, Bến Tre giờ đã được trải nhựa cho xe cộ tấp nập ngược xuôi. Nhưng 145 năm trước, Phan Thanh Giản đã trở về nơi an nghỉ cuối cùng của đời mình ở quê hương trên chiếc ghe xuôi dòng sông, mà thời trai trẻ ông đã từng lênh đênh ngược vào chốn quan trường.

Mưa trái mùa bất ngờ nặng hạt. Chúng tôi hỏi thăm mộ phần cụ Phan Thanh Giản ai cũng biết. Một ông lão đang lom khom câu cá nhiệt tình buông câu, dẫn tôi đến tận khu mộ. Rồi không đợi tôi kịp cảm ơn, ông đã trầm giọng: “Bà con xứ này ai cũng thờ cụ Phan mà! Công, tội con người này có trời biết, đất biết và lòng dân biết!”. Nhìn ông lão rảo bước về cánh đồng lồ lộ nét nghèo của miền quê biển, tôi lặng nghĩ chính mảnh đất này đã sinh ra Phan Thanh Giản với cuộc đời thanh bần, liêm khiết đến phút cuối cùng.

Các bậc cao niên địa phương kể mộ cụ Phan Thanh Giản đã được sửa sang, tu bổ nhiều lần kể từ khi di hài ông đưa từ Vĩnh Long về đây an nghỉ. Phần mộ nằm lặng lẽ trong một khuôn rào bêtông được xây dựng từ trước năm 1975 mà nay đã sửa sang mới lại. Cổng mộ chỉ là hai trụ xây đơn giản, bên trên đắp nổi hàng chữ “Lăng mộ Phan Thanh Giản” mà không ghi chức tước, phẩm hàm gì.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Oanh trong cuốn Chân dung Phan Thanh Giản in ở miền Nam năm 1974, khi nâng chén thuốc độc, vị kinh lược sứ này đã tự chuẩn bị hậu sự cho mình. Ban đầu mộ bia chỉ khắc vài chữ giản dị “Lương Khê Phan lão nông chi mộ” (Mộ của người làm ruộng già họ Phan hiệu Lương Khê). Con cháu hỏi sao không đề chức tước, ông thanh thản trả lời: “Những hạng thường nhân hay cầu chức khoe danh. Ta xem sự ấy là một việc hổ thẹn”. Rồi tấm minh tinh trong tang lễ mình cũng chính ông tự tay đề bút: Xin bỏ tấm triệu, nếu không nên đề: Quan tài thơ sinh già họ Phan ở góc biển nước Đại Nam.

Một vị tiến sĩ đã làm quan đại thần trải ba triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, từng đi sứ Pháp, nhận lãnh nhiệm vụ nặng nề đến tồn vong của đất nước như Phan Thanh Giản mà phải ngậm ngùi nâng chén thuốc độc. Theo lời kể của anh Phan Thanh Nhàn, hậu duệ đời thứ sáu và các tài liệu còn ghi chép lại, Phan Thanh Giản mất đêm mùng 5 tháng 7 năm Đinh Mão, Tự Đức thứ 20 (4-8-1867). Định mệnh do chính ông quyết định sau 15 ngày tuyệt thực và cuối cùng uống chén thuốc độc tự kết thúc đời mình. Đáp di nguyện ông, quan tài được chở từ Vĩnh Long về an táng trên mảnh đất ven biển đã sinh ra ông ở Bảo Thạnh, Bến Tre.

Nằm lặng lẽ trên bãi đất trống, nấm mộ ông được xây theo hình quy bối. Thuở ấy, trước mộ có tấm bình phong đắp nổi hình cây sen và chim với đôi liễn: Giang sơn chung tú khí. Âu Á mộ oai linh (Sông núi đúc khí tốt. Người Âu Á đều mộ oai linh). Mặt trong bình phong còn có đôi liễn khác: “Tiết nghĩa lưu thiên địa. Tinh thần quán Đẩu ngưu” (Tiết nghĩa còn cùng trời đất. Tinh thần lấn cả sao Đẩu ngưu”. Trên tấm bia mộ lớn sau bình phong khắc ba hàng chữ nho, mà dòng chính giữa dịch ra tiếng Việt là “Mộ người học trò già Phan công ở ven biển Nam kỳ”. Còn dòng hai bên ghi ngày tháng năm ông sinh và mất. Và phía sau còn thêm một tấm bia nhỏ ghi: Đại Nam hiệp biện đại học sĩ toàn quyền đại thần Phan tiên công chi mộ. Ngoài ra, cuối vách mộ còn thêm đôi câu liễn dịch ra tiếng Việt là: “Sương đọng mùa xuân, sương mù mùa thu, khiến người cảm nhớ. Hoa núi, cỏ đồng đều buồn”.

Tuy nhiên, hậu duệ thời nay và nhiều nhà nghiên cứu đều cho rằng những câu chữ trên mộ phần là của con cháu ông khắc thêm để tỏ lòng cảm thương và rõ ràng danh phận tổ tiên. Còn khi ông mất chỉ có nấm mộ đất nhỏ với tấm bia “Mộ của người làm ruộng già họ Phan hiệu Lương Khê”. Đó cũng là nguyện vọng cuối cùng của ông. Một người sinh ra đã nghèo khó, giữ tiết nghĩa thanh bạch suốt quan trường cho đến lúc phải đau đớn tự tử như Phan Thanh Giản chắc chắn sẽ muốn nơi an nghỉ cuối đời của mình đơn sơ thôi!

PTmdqWbO.jpgPhóng to
Phan Thanh Giản - vị tiến sĩ đầu tiên ở Nam kỳ - Ảnh tư liệu

Cương trực và lận đận

Ngồi bên mộ ông, chúng tôi lặng nghe anh Phan Thanh Nhàn trầm tư chuyện tổ tiên mình: “Dù hậu thế xét công, tội tổ tiên tôi thế nào, chúng tôi vẫn tự hào về ông. Sinh ra trong mái nhà tranh, làm đủ chức quan lớn và nhận lãnh trách nhiệm nặng nề nhất cho triều đình, nhưng cuối cùng ông vẫn ra đi thanh bạch trong mái nhà tranh...”. Phan Thanh Giản sinh giờ Thìn, ngày 12 tháng 10 năm Bính Thìn (11-11-1796). Mới 7 tuổi ông đã mồ côi mẹ, hai người em ruột cũng qua đời từ nhỏ. Gia đình nghèo khó, cha ông là Phan Thanh Ngạn ở Bình Định phải dạt vào đồng muối Bảo Thạnh, Bến Tre tìm sinh kế. Ông Ngạn có chức quan thủ hạp nhỏ, nhưng tính tình cương trực nên đã bị vu khống đến mức phải chịu tù oan. Phan Thanh Giản xin chịu tù thay cha già.

Và trong khoa thi Bính Tuất năm 1826, ông đỗ tiến sĩ đầu tiên xứ Nam kỳ. Quan lộ ông bắt đầu với chức Hàn lâm viện biên tu, được nhiều người kính nể lẫn ganh ghét vì tính cách cương trực. Năm 1836, chính ông đã can vua Minh Mạng không nên ngao du xứ Quảng Nam vì gây tốn kém, khổ sở cho dân. “...Đã biết vua ngự thì ngàn xe muôn ngựa, quan quân hầu hạ... Nhưng việc sửa đắp đường sá, dọn dẹp cung điện, sắm củi đuốc cho quan quân, cắt cỏ cho ngựa voi, tất nhiên phải bắt dân phu... Như thế dân phải bỏ việc tư, lo việc công. Hạ thần là kẻ giữ đất chăn dân... không làm cho dân hạnh phúc thật có tội...”. Sau việc này Phan Thanh Giản bị giáng làm người lau bàn ghế, nhưng lại được thăng chức rồi lại nhiều lần chịu giáng chức vì lời ngay thẳng.

Lần Phan Thanh Giản về quê chịu tang cha không mang lính hầu. Khi ghe qua đồn Ba Lai, bị cai đồn xét hỏi người lái ghe nói quan lớn nhưng cai đồn không tin. Đích thân Phan Thanh Giản lên xin và chỉ nói mình già cả, chứ không chức tước gì. Về đến quê, ông cho đòi viên cai đến. Y cai sợ xanh mặt. Nhưng ông lại ngỏ lời khen: “Ngươi làm việc như thế là hết bổn phận. Ta khen đó. Nếu ta bảo ta là quan lớn để xin ghe qua thì kẻ khác cũng có thể xưng mình là quan lớn để ghe qua được”.

Trong bạn bè tri kỷ, Phan Thanh Giản tình thâm với Nguyễn Tri Phương dù người chủ hòa, vị kia chủ chiến. Lúc giã biệt bạn vào giữ Nam kỳ, chính danh tướng này đã làm thơ tiễn: “Ven trời góc biển dặm chơi vơi. Vui tẻ phân nhau một bước dời... Chầy kíp Trường An, mau trở lại. Thăm người viếng cảnh, hỡi người ơi”. Đều một lòng vì Tổ quốc, nhưng đôi bạn chọn cách kết thúc cuộc đời khác nhau. Người cầm gươm tuẫn tiết tại sa trường đất Bắc. Kẻ buông bút, nâng chén độc ở trời Nam với nỗi bi kịch muôn đời!

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3: Kỳ 4: Kỳ 5:

__________________________

Bên nấm mộ cổ, lần giở lại tài liệu đặc biệt của chính chứng nhân lúc Phan Thanh Giản để mất thành Vĩnh Long và giờ phút cuối cùng của đời ông, để hiểu thêm nỗi sầu thiên cổ...

Kỳ tới: Bi kịch muôn đời

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên