TTCT - Mặc dù được viết dưới hình thức du ký và trình bày như một "lời chứng" nhưng tác phẩm này khác hẳn những bộ du ký đồ sộ thường thấy về Nam Kỳ hay các xứ thuộc địa khác ở thái độ bài xích chủ nghĩa thực dân. Dòng sông, Cần Thơ khoảng năm 1920-1929. Nguồn: QUAI BRANLYNam Kỳ ngao du được đăng nhiều kỳ vào năm 1925 trên tờ L'Indochine enchaînée (Đông Dương xiềng xích) với nhan đề Notes d'Indochine (Ghi chép về Đông Dương), sau đó đăng lại trên tạp chí văn học Europe tháng 9-11 năm 1925. Năm 1926 toàn bộ nội dung được in thành sách với nhan đề Cochinchine: Voyages. Mặc dù được viết dưới hình thức du ký và trình bày như một "lời chứng" nhưng tác phẩm này khác hẳn những bộ du ký đồ sộ thường thấy về Nam Kỳ hay các xứ thuộc địa khác ở thái độ bài xích chủ nghĩa thực dân, một nhãn quan hết sức cấp tiến và mới mẻ của một trí thức đến từ mẫu quốc.Nhà du hành tự doLéon Werth thường được biết đến là tri kỷ của nhà văn Antoine Saint-Exupéry, tác giả của Le Petit Prince (Hoàng tử bé), song ông lại gần gũi hơn với luật sư Paul Monin ở tinh thần tự do, ở lập trường chống chế độ thuộc địa mà ông thể hiện mạnh mẽ qua những trang viết từ chuyến ngao du Nam Kỳ năm 1924, thời điểm chủ nghĩa đế quốc Pháp và châu Âu đang ở đỉnh cao.Trước khi sang thuộc địa trong vai trò một khách lãng du, Werth đã tình nguyện nhập ngũ vào tháng 8-1914 để sống trong lòng cuộc chiến và trở về với nỗi kinh hoàng và tâm trạng ghê tởm đời sống quân ngũ. Hai tiểu thuyết Clavel soldat (1919) và Clavel chez les majors (1922) ra đời sau đó được đánh giá là tàn bạo và trần trụi, xứng đáng là những tác phẩm văn chương phản chiến hay nhất.Tháng 12-1923, ông muốn làm một chuyến thám hiểm Nga nhưng bị từ chối nhập cảnh, vì lẽ đó ông đã đổi hướng đến Đông Dương.Ở Nam Kỳ, Monin khi đó là luật sư, đã giới thiệu Werth với một trong những nhân vật mới nổi của chủ nghĩa dân tộc Việt Nam, Nguyễn An Ninh. Chàng thanh niên này mau chóng trở thành bạn đồng hành của Werth trên khắp nẻo Nam Kỳ, giúp Werth quan sát gần hơn đời sống của người dân bản địa.Song mục đích của Werth không đơn thuần chỉ là vấn đề thuộc địa vốn đã được mổ xẻ quá nhiều. Nên nhớ rằng trên thực tế Werth và Nguyễn An Ninh đã trở thành đối tượng bị theo dõi gắt gao trong thời gian Werth ở Đông Dương.Đầu những năm 1920, liên bang Đông Dương đang lâm vào tình thế nguy ngập, trước đó Toàn quyền Albert Sarraut đã khởi xướng một chủ nghĩa cải cách thuộc địa nhằm thiết lập cái gọi là chính sách "Pháp - Việt đề huề". Tuy nhiên, sự bất mãn ngày càng dâng cao sau chiến tranh, một thế hệ trí thức mới đã đứng lên bày tỏ, yêu sách, đòi quyền tự do dân chủ cho người dân thuộc địa, trong đó tiêu biểu là Nguyễn An Ninh, chủ bút tờ La Cloche Fêlée (Chuông rè).Đứng trước mối đe dọa này, Thống đốc Nam Kỳ Maurice Cognacq áp dụng một chính sách cứng rắn nhằm chia rẽ các phong trào dân tộc và dập tắt các đòi hỏi chính trị của người bản xứ. Bầu khí quyển căng thẳng này đã được Werth cảm nhận tinh tế và truyền tải trong Cochinchine: Voyages (Nam Kỳ ngao du) hết sức độc đáo. Và có lẽ ông cũng không ngạc nhiên khi nó dẫn đến kết cục tất yếu là cuộc bạo động ở Yên Bái bị đàn áp dữ dội vào năm 1930.Trở về chính quốc sau chuyến ngao du, Werth trả lời phỏng vấn tờ Les Continents bằng những tố cáo mạnh mẽ nhắm vào chính sách thuộc địa của Pháp ở Đông Dương. Năm 1925, tờ L'Indochine enchaînée do Paul Monin và André Malraux thành lập đã cho đăng tải ghi chép của Léon Werth trong thời gian lưu trú ở đất Nam Kỳ - những ghi chép vạch trần chế độ thuộc địa của một nhà quan sát tự do, luôn truy tìm sự thật.Bản điều tra thực địaNam Kỳ ngao du được viết như một bản điều tra thực địa, nơi tác giả phơi bày mọi yếu tố để người đọc tự do đưa ra phán đoán của riêng mình. "Tôi đi lang thang…" xuất hiện rất nhiều lần. Quan sát để chứng minh và chỉ ra sự thật: đó là mục đích của Werth.Ngay từ trang đầu tiên, dưới hình hài của một bức thư gửi Monin, tác giả viết: "An Nam hẳn đã yêu Âu châu và Pháp quốc nếu có nhiều người Âu châu giống như anh…" để chứng tỏ một sự bất mãn không e dè đối với chế độ thuộc địa. Hai nhân tố chính của bi kịch là Âu châu và Viễn Đông, hai nền văn minh khác biệt gặp nhau bởi quá trình thuộc địa hóa được Léon Werth mô tả và mổ xẻ một cách lạnh lùng, đúng hơn là đầy bi phẫn, khác xa các nhà văn du ký cùng thời.Cuốn sách không có một bố cục rõ ràng, dường như chỉ lần theo hành trình của tác giả một cách tuyến tính, đôi khi có những tình tiết bị lặp lại, điển hình như nạn bạo lực của kiều dân đối với người bản xứ, trở thành một bằng chứng không thể chối cãi về bất công và cũng là tiếng than thầm cho nỗi bất hạnh và tính cam chịu của con người.Khác biệt và đặc sắc của tác phẩm còn nằm ở chỗ tác giả bị choáng ngợp và quyến rũ bởi nền văn minh Viễn Đông: từ Chợ Lớn, Sài Gòn đến những vùng nông thôn từ chùa chiền, tiệm hút đến nhà hàng, chợ búa, Werth luôn quan sát nghi lễ, tập tục và điều kiện sống của dân chúng bản địa bằng tâm hồn và trí tuệ của một nhà phê bình nghệ thuật hàng đầu.Hành trình tìm kiếm sự khác biệt của ông luôn gặp phải nhiều trở ngại đến từ màu da, ngôn ngữ nhưng thay vì đặc tả dân chúng bản địa hay cảnh sắc núi rừng, sự hoành tráng của những công trình Âu châu, Werth nỗ lực xây dựng một thẩm mỹ riêng cho tác phẩm của mình. Ông không trích dẫn bất kỳ nhà văn - nhà du hành nào khác mà hoàn toàn chìm đắm trong quan sát, mô tả, cẩn thận trong báo cáo sự thật, không bình luận, không giải thích. Cuốn sách do đó là kết quả của một tiếp cận thực nghiệm, một câu chuyện văn chương với những đòn tấn công dữ dội song cũng đầy hài hước và mỉa mai đối với Âu châu.Trọng tâm của bản cáo trạng chống chủ nghĩa thực dân này là sự khinh thường và bạo tàn mà dân chúng bị trị phải gánh chịu từ bàn tay của "thực dân". Qua nhiều ví dụ, Werth cho thấy bất công ở thuộc địa đã đến mức không thể vãn hồi. Trước ngày rời Nam Kỳ, chứng kiến một tên "thực dân" đạp một phu xe, ông viết:"Đã đến giờ tôi phải đi. Đã đến giờ rồi. Tôi không thể chịu thêm nữa. Tôi không có điểm gì chung với kẻ súc sinh ra đòn kia, và cũng chẳng dính dáng gì với kẻ chịu cho người ta chà đạp nọ.Nhưng tôi đã bất công. Tôi nghĩ đến những xác chết ở Yaback, nghĩ đến ba mươi franc cướp từ đám đông, nghĩ đến những vụ hành quyết sau các cuộc nổi dậy, nghĩ đến cái ách đè nặng lên dân tộc bị trị, nghĩ đến những lời nhục mạ mà một thanh niên Pháp cách đây cỡ hai chục năm có thể phải chịu đựng trong trại binh. Và tôi nghĩ rằng người Âu cũng có thể bất động và câm lặng".Werth có cái nhìn đen tối và bi quan về bạo lực và thân phận con người bởi đối với ông, trật tự thuộc địa là bất công, niềm kiêu hãnh của người da trắng chỉ khơi dậy sự ghê tởm. Ông cảm thấy xấu hổ khi là người da trắng, ông cay đắng vì chế độ thuộc địa đã tạo ra một quá trình tàn bạo làm băng hoại nhân tính. Ông dựng lại bức chân dung gớm ghiếc của thành phần tiểu tư sản thuộc địa, những người coi khai vị và cocktail "Martel-Perrier" như một tín ngưỡng. Những người như thế không thể "khai hóa văn minh" cho ai và thứ nữa, chính quyền thuộc địa luôn ngăn cản việc phổ biến văn hóa Âu châu bởi sợ rằng nó sẽ thúc đẩy con người đòi tự do. Nhờ tiếp xúc với những trí thức An Nam, Werth mới tìm thấy lại những giá trị Âu châu mà ông tưởng là phổ quát.Nếu "lời chứng" cũng là một cách hành động, thì cuộc đời văn chương của Werth chính là một lời chứng đanh thép về một thế giới bạo tàn, vô luân. Mọi tác phẩm của ông viết trong thời gian giữa hai cuộc thế chiến, từ các bài báo cho tới chuyên khảo mỹ thuật, tiểu thuyết, thơ ca đều thể hiện một tinh thần tự do đúng nghĩa "anarchiste". Ông đứng ngoài mọi đảng phái chính trị nhưng không xa rời chính trị, bằng chứng ông là thành viên của ủy ban ân xá và bảo vệ người Đông Dương vào năm 1926, cùng với Magdeleine Paz, Marcel Martinet và Félicien Challaye.Tháng 6 năm đó ông đã tố cáo nhà cầm quyền Pháp bắt bớ và giam cầm Nguyễn An Ninh sau buổi diễn thuyết trước ba ngàn người tại Sài Gòn và công kích chính sách của Pháp tại Đông Dương trong một bài viết đăng trên tạp chí Europe, một tạp chí do Romain Rolland bảo trợ. Năm 1930, khi Pháp trấn áp cuộc nổi dậy Yên Bái, Werth tiếp tục gióng lên hồi chuông thức tỉnh công luận. Vấn đề thuộc địa chưa bao giờ bị ông lãng quên dù ông không còn trở lại Nam Kỳ một lần nào nữa.(*) Dịch giả Thanh Thư chuyên dịch tiếng Pháp. Các bản dịch của Thanh Thư đã xuất bản tại Việt Nam gồm Nam Kỳ viễn chinh ký 1861 (Pallu), Người xa lạ (Camus), Một nụ cười nào đó (Sagan), Người tình hào hoa (Maupassant), Xứ Đàng Trong (Borri), Nam Kỳ và cư dân (Baurac, dịch chung) và Lịch sử chữ quốc ngữ 1615-1919 (Kiều Ly). Tags: Chủ nghĩa thực dânNam Kỳ ngao duLéon WerthLịch sửSách
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Cờ đỏ sao vàng, mũ cối và tình cảm dành cho Bác Hồ tại Cộng hòa Dominica DUY LINH 22/11/2024 Người dân Cộng hòa Dominica, với những chiếc mũ cối cùng cờ đỏ sao vàng, đã xuất hiện tại công viên Hồ Chí Minh để chào đón các vị khách quý ngày 21-11.
Lập lờ sữa và nước uống từ sữa DƯƠNG LIỄU 22/11/2024 Sữa tươi, sữa hạt, sữa trái cây... với hàng trăm thương hiệu, chủng loại trên thị trường khiến người tiêu dùng hoa mắt. Loại nào mới đáp ứng nhu cầu khuyến nghị về dinh dưỡng?
Yoga vì sức khỏe, nào phải 'phông bạt' với đời THU HƯƠNG 22/11/2024 Dư luận lại một lần nữa dậy sóng khi mạng xã hội lan truyền những hình ảnh về một nữ du khách 37 tuổi, người Hà Nội, đã có động tác yoga phản cảm tại Cung điện Gyeongbokgung - Hàn Quốc.
Tin tức sáng 22-11: Vợ và con gái sếp ngân hàng VIB bỏ hàng trăm tỉ mua cổ phiếu TUỔI TRẺ ONLINE 22/11/2024 Tin tức đáng chú ý: Vợ và con gái sếp ngân hàng VIB bỏ hàng trăm tỉ mua cổ phiếu; Quốc hội thảo luận 2 dự luật thuế quan trọng; Năm 2025, ngành y tế TP.HCM ưu tiên nâng cấp và xây mới ba bệnh viện xuống cấp...