Đám rước lợn trong tế lễ của làng - Ảnh: VIỆT DŨNG
Lợn ông" của làng La Phù (xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội) được nuôi trong suốt cả năm để phục vụ lễ tế Thành hoàng vào ngày 13 tháng giêng âm lịch.
Bài bản và thành kính
Nơi đầu tiên chúng tôi ghé đến là nhà ông Nguyễn Phú Sơn, 57 tuổi ở thôn Đoàn Kết, đang nuôi chín "ông lợn", với tám "ông" cho tám thôn cậy nuôi, còn một "ông" dự phòng. "Tôi thì chẳng khó khăn kiêng cữ gì nhiều, nhưng muốn thăm thì xin đừng nhận xét, bình phẩm gì bên các "ông" là được!" - ông căn dặn trước khi dẫn chúng tôi ra sân sau.
Nơi nuôi lợn của ông Sơn được ngăn cách chỗ ở một bức tường bằng kính, hai chuồng nuôi được che chắn cẩn thận, rất sạch sẽ và thoáng mát. Chín "ông lợn" to béo khá đồng đều, mỗi ông nặng khoảng 2 tạ, sạch sẽ và trắng muốt.
Ông Sơn nói nhà có thể bẩn nhưng không thể để các "ông" bẩn được, nếu bẩn thì dễ sinh bệnh tật, muỗi mòng, và có lỗi với "ngài bên trên".
Việc giữ gìn sạch sẽ không chỉ ở chuồng trại, thân mình, tiêm phòng cẩn thận mà còn ở thức ăn. Trong những tháng đầu, việc chăm nuôi như bình thường, miễn là loại rau cám sạch sẽ. Đến giữa tháng 11 âm lịch, ông chọn gạo tẻ loại sạch nấu cháo cho ăn hằng ngày.
Cứ vài hôm, ông mua mấy bó mía về cho các "ông lợn" nhai, vừa để sạch răng miệng và tẩy sạch gan ruột, đồng thời bổ sung nước đường glucose để tăng sức đề kháng. Toàn bộ việc nuôi do mình ông trực tiếp đảm trách chứ vợ ông không được phép nuôi - theo tục xưa của làng.
Cách ông Sơn không xa là nhà ông Nguyễn Phan Thành, 67 tuổi, ở thôn Tiền Phong, với hai "ông lợn" được nuôi trong cái chuồng ở sân trước, sạch sẽ, tinh tươm, không tí ruồi nhặng. Vài lần, đại diện các thôn cậy nuôi đến thăm, thường đem mấy chục ký gạo nếp, ông Thành tổ chức gói bánh chưng có đủ nhân đậu để chăm "lợn ông".
Trong mấy ngày Tết, khẩu phần mỗi bữa của "lợn ông" là một cái bánh chưng cho đến ngày làng vào cuộc lễ tế... Quá trình nuôi, khổ nhất vào các dịp thời tiết xấu: nếu trời nóng nực thì ông găm máy quạt mát; khi trời rét đậm hoặc có sương nặng hạt thì ông phải buông rèm, đốt lò sưởi ấm.
"Tôi chăm các "ông" đúng theo quy định của làng có từ đời xưa, tất cả đều bằng sự thành kính của mình!" - ông Thành nói.
Thu nhập kha khá
Theo bà Đỗ Thị Sửu, việc nuôi lợn lễ của ông Nguyễn Phan Thành, chồng bà, cũng đem lại khoản thu nhập kha khá. Bà cho biết giá giống lợn lễ thường cao hơn lợn khác chừng "5 giá" (5.000 đồng/kg hơi), chọn nguyên liệu sạch và đun nấu, thuốc thang kỹ lưỡng, có tốn kém hơn nhưng bù lại các thôn cậy nuôi cũng thường hỗ trợ thêm gạo tẻ.
Đến khi thành quả, "lợn ông" thường được tính cao hơn thị trường "10 giá", cho nên "được nuôi "ông" vừa có niềm vui vừa vinh dự nhưng cũng không bị thiệt hại gì vì có thêm ít thu nhập so với lợn nuôi thông thường!".
Ông Nguyễn Phú Sơn và mấy “ông lợn” - Ảnh: HOÀNG THÁI
Vinh dự lớn lao
Ông Thành, ông Sơn và những người nuôi "lợn ông" ở La Phù đều cho rằng việc nuôi lợn lễ là cả niềm vinh dự lớn lao, cho dù họ chỉ được cậy nuôi bởi những "cai đám", tức đại diện mỗi thôn dâng lễ tại đình làng.
Kể từ sau lễ hội cúng tế Thành hoàng làng La Phù (ngày 13 tháng giêng), các thôn bầu ra một vị "cai đám" cho lễ năm sau; làng thường trích ra 3 sào ruộng công điền để vị này gieo cấy, thu lợi nuôi "ông lợn" lễ.
Về sau, ruộng công điền không còn, các gia đình "cai đám" cũng không có điều kiện, thời gian và chuồng trại để nuôi, toàn thôn cùng góp lại, bàn tính cậy nhờ những người nuôi uy tín, mát tay và đủ điều kiện theo phong tục của làng.
Cũng như những người nuôi lợn lễ, ông Sơn nói cảm thấy rất vinh dự vì suốt 7 năm liên tiếp được các thôn cậy nuôi. Bởi gia đình ông đạt được các tiêu chuẩn theo phong tục ngày xưa: vợ chồng hòa thuận, không điều tiếng trong xóm làng, con cháu "có nếp có tẻ", chăm ngoan, học hành, làm việc đàng hoàng và không tang cớ...
Có nhiều lý do để người ta tin rằng người nuôi lợn lễ ở La Phù do vị thần của làng bảo hộ. Vì vậy, khi đưa lợn về, người nuôi luôn sắm lễ vật ra đình làng khấn vái, cầu xin ngài bảo vệ cho "lợn ông", đồng thời với dâng lễ cáo yết thổ thần nhà mình.
Những lần "lợn ông nhức đầu sổ mũi", việc đầu tiên của người nuôi là sắm lễ ra đình, coi như "ra nhà ngài xin thuốc" hoặc "cầu ngài cho thần y về chữa", sau đó mới cậy đến bác sĩ thú y.
La Phù xưa có sáu giáp, mỗi giáp một "ông lợn" tế ứng với sáu ô sân trước của đình trong tế lễ. Ngày nay, làng trở nên đông đúc với số dân hơn 1 vạn nên người ta chia thành 17 thôn.
Ứng với lệ xưa mỗi thôn một "ông lợn" làm cỗ tế, các thôn phải bốc thăm để sáu thôn trúng, được rước lễ lợn vào làng tại hậu cung của đình, còn các lễ khác thì dâng ngoài tòa tiền tế.
Trước khi rước từ thôn đến đình, người ta bày "ông" (đã mổ, để nguyên con) lên cỗ rồi trang trí đẹp đẽ, bắt mắt. Ngay sau lễ, làng tổ chức cuộc thi "lợn ông", và thật vinh dự kèm may mắn nếu thôn nào được chấm giải đầu...
Thể hiện đời sống văn hóa làng xã
Thạc sĩ Nguyễn Văn Phương, giảng viên Trường ĐH Thủ đô (Hà Nội), nhận xét: "Sự cẩn thận, bài bản trong nuôi lợn lễ, tôn đến mức "lợn ông", cùng lễ tế trang trọng, tôn nghiêm của La Phù tỏ rõ sự thành kính một cách cao nhất đối với vị Thành hoàng.
Điều này, sâu xa hơn là sự thể hiện đời sống văn hóa làng xã của cư dân nông nghiệp vùng đồng bằng Bắc Bộ; họ dùng thành quả lao động là vật nuôi gần gũi và quý giá bậc nhất để dâng cúng lên vị thần bản thổ của cả cộng đồng làng".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận