Học sinh Trường tiểu học Trần Quang Khải (quận Gò Vấp, TP.HCM) vui đùa trong sân trường chuẩn bị vào năm học mới 2020 - 2021 sáng 4-9 - Ảnh: TỰ TRUNG
Năm học này, cùng với ban hành chương trình tinh giản, gợi ý các trường việc xây dựng kế hoạch dạy học linh hoạt để ứng biến với mọi tình huống khó khăn, Bộ GD-ĐT xem việc xây dựng kế hoạch giáo dục của mỗi trường là nhiệm vụ bắt buộc.
Với quy định mới có thể đánh giá thường xuyên trực tiếp hoặc qua mạng đối với tất cả học sinh bằng các hình thức hỏi - đáp, viết, đánh giá qua hồ sơ học tập, vở hoặc sản phẩm học tập.
PGS.TS NGUYỄN XUÂN THÀNH (vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Bộ GD-ĐT)
Linh hoạt với từng địa phương
"Việc chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục là yếu tố quyết định thành công của tiến trình đổi mới giáo dục phổ thông" - ông Nguyễn Xuân Thành, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Bộ GD-ĐT, nói.
Theo ông Thành, "kế hoạch giáo dục" phải đảm bảo yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục thống nhất cả nước do Bộ
GD-ĐT ban hành nhưng có thể thực hiện linh hoạt, phù hợp với điều kiện mỗi địa phương, mỗi cơ sở giáo dục. Việc xây dựng kế hoạch giáo dục trong mỗi trường là cơ sở để khích lệ cán bộ, giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá, tổ chức hoạt động giáo dục đa dạng.
Khác với các năm trước, nhiệm vụ năm học 2020 - 2021 của các bậc tiểu học, trung học được cụ thể hóa hơn trong yêu cầu về xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường. Trong đó việc lồng ghép, tích hợp nhiều nội dung, gắn chương trình giáo dục với thực tiễn cuộc sống, tăng cường giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng mềm cho học sinh, tăng cường dạy ngoại ngữ, ứng dụng CNTT cho học sinh sẽ dễ dàng triển khai hơn khi chủ động sắp xếp, điều chỉnh.
Dành một nội dung đáng kể dự kiến trong nhiệm vụ năm học của bậc trung học để hướng dẫn chi tiết việc triển khai kế hoạch dạy học, bài học đảm bảo yêu cầu tối thiểu, ông Nguyễn Xuân Thành giải thích: "Nhiều trường, thầy cô giáo vẫn chưa thoát ra được quan niệm dạy học thì phải vào lớp, còn đã ra lớp chỉ có hoạt động ngoại khóa.
Nhiều thầy cô lúng túng trong kết hợp sử dụng học liệu, thiết bị thực hành, thí nghiệm, còn thiếu kinh nghiệm trong việc giao nhiệm vụ, hướng dẫn học sinh tự học, tự làm. Cả việc dạy trực tuyến cũng có nhiều nhà trường, thầy cô giáo hiểu chưa đúng, dẫn tới hiệu quả kém".
"Các hoạt động học trong mỗi bài học có thể được thực hiện trong lớp học, ngoài lớp học, ở trường, ở nhà, cơ sở sản xuất kinh doanh, tại di sản và cộng đồng. Trong mỗi hoạt động, tăng cường giao cho học sinh tự nghiên cứu sách giáo khoa và tài liệu tham khảo để tiếp nhận và vận dụng kiến thức; dành nhiều thời gian trên lớp để tổ chức cho học sinh báo cáo, thuyết trình, thảo luận, luyện tập, thực hành, bảo vệ kết quả tự học của mình" - ông Nguyễn Xuân Thành cho biết.
Kết hợp nhiều hình thức dạy học
Ông Thái Văn Tài - vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Bộ GD-ĐT - chia sẻ: "Khi xây dựng kế hoạch giáo dục, các trường có thể có nhiều phương án dạy học khác nhau, phù hợp với các tình huống khác nhau để khi có vấn đề phát sinh như ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì các trường không bị lúng túng, bị động.
Trong điều kiện bình thường, các trường cũng có thể kết hợp nhiều hình thức dạy học đa dạng, trong đó có dạy học trực tuyến khi đã chủ động về kế hoạch giáo dục của năm học".
Sửa đổi kiểm tra, đánh giá
Ngay đầu năm học mới này, Bộ GD-ĐT sẽ đồng thời ban hành các thông tư sửa đổi, bổ sung quy định về kiểm tra, đánh giá đối với học sinh tiểu học và trung học.
"Với quy định mới, có thể đánh giá thường xuyên trực tiếp hoặc qua mạng đối với tất cả học sinh bằng các hình thức: hỏi - đáp, viết; đánh giá qua hồ sơ học tập, vở hoặc sản phẩm học tập; đánh giá qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu khoa học kỹ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm; đánh giá qua bài thuyết trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập" - ông Nguyễn Xuân Thành chia sẻ.
Quy định về đánh giá thường xuyên này cũng tương thích với các hình thức dạy học đa dạng và được để mở cho các nhà trường chủ động.
Với cả bậc tiểu học và trung học, quan điểm của Bộ GD-ĐT thể hiện rõ trong các chỉ đạo của năm học này là coi trọng đánh giá quá trình nhằm khích lệ sự tiến bộ, sử dụng các "thước đo" để đánh giá được nhiều năng lực, thái độ của học sinh. Sẽ không có "điểm số" khô cứng từ các bài kiểm tra truyền thống trong hồ sơ học tập của học sinh.
Đặc biệt ở tiểu học, việc giảm áp lực, chống bệnh thành tích, chống dạy thêm, học thêm tùy tiện cũng là những mục tiêu của việc đổi mới đánh giá học sinh, dựa trên ưu việt của lộ trình đổi mới từ trước đó.
Một vấn đề khác nằm trong việc phối hợp giữa ngành giáo dục và các địa phương là duy trì thành quả phổ cập giáo dục tiểu học và THCS. Theo ông Nguyễn Xuân Thành, để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, việc duy trì thành quả phổ cập giáo dục cũng nằm trong nhóm nhiệm vụ trọng tâm.
"Nắm chắc tình hình, nguyên nhân học sinh bỏ học, có giải pháp khắc phục ngay tình trạng này, vận động các lực lượng tham gia duy trì sĩ số học sinh, giảm tỉ lệ học sinh bỏ học" là nội dung được các vụ bậc học đặt ra đầu năm học mới, khi các nhà trường bị ảnh hưởng khá lớn từ dịch COVID-19 trong thời gian dài.
3 giảm, 5 tăng
Giảm:
* Giảm sĩ số học sinh/lớp, giảm tình trạng quá tải trường, lớp học ở các địa phương lớn, các khu công nghiệp, khu chế xuất, có tình trạng di dân gia tăng.
* Giảm các quy định hành chính cứng nhắc, quy định sổ sách bất hợp lý trong các trường.
* Giảm tiêu cực, sai phạm trong ngành GD-ĐT bằng việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, tăng mức chế tài, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Tăng:
* Tăng chất lượng đội ngũ nhà giáo.
* Tăng cường ứng dụng CNTT trong dạy học và quản trị nhà trường.
* Tăng cường phân luồng, hướng nghiệp đối với học sinh THPT, THPT.
* Tăng các nguồn lực đầu tư cho giáo dục.
* Tăng cường phối hợp giải quyết các bất cập và nhiệm vụ trọng tâm giữa ngành GD-ĐT với các địa phương.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước gửi thư ngành giáo dục nhân dịp khai giảng
Ngày 4-9, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có thư gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng năm học 2020 - 2021.
Trong thư, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá năm học 2019 - 2020 mặc dù đại dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng đến các hoạt động của ngành nhưng với phương châm "tạm dừng đến trường, không ngừng học", ngành giáo dục đã chủ động, nhanh chóng triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp, thực hiện thành công vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa bảo đảm hoàn thành kế hoạch năm học.
"Năm học 2020 - 2021, đại dịch COVID-19 có thể còn có những diễn biến mới. Tôi đề nghị ngành giáo dục cần tiếp tục quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về GD-ĐT; khắc phục mọi khó khăn để vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa tổ chức tốt việc học tập cho học sinh, sinh viên; tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng GD-ĐT, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư..." - Tổng bí thư, Chủ tịch nước đề nghị trong thư.
Xem toàn văn thư của Tổng bí thư, Chủ tịch nước tại tuoitre.vn.
Sẽ có nhiều quy định mới
Phụ huynh cùng con chuẩn bị cho năm học mới tại Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TP.HCM) - Ảnh: TỰ TRUNG
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nói trách nhiệm của bộ nằm ở việc thực hiện hoặc đề xuất thực hiện điều chỉnh, bổ sung các quy định pháp lý, làm cơ sở để tháo gỡ những vướng mắc khó khăn cho các địa phương. "Sẽ có nhiều quy định mới được ban hành đầu năm học mới nhằm thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục năm học này" - ông Phùng Xuân Nhạ cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận