Mùa tựu trường sắp đến, hàng triệu học sinh mỗi ngày đến trường. Không ai lường được trong chặng đường đến trường và về nhà, các em gặp những bất trắc mà chỉ có sự hiểu biết cách ứng xử, sự bình tĩnh mới giúp các em thoát khỏi nguy hiểm.
Có vô vàn tình huống xảy ra cho trẻ, từ việc cha mẹ đến đón trễ, đi lạc, bị người lạ tiếp cận... đến tình huống hi hữu như bị bỏ quên trên ôtô đóng kín cửa...
Còn nhớ chuyện cậu bé người Nhật 7 tuổi bị bỏ rơi trong rừng 6 ngày nhưng vẫn sống sót cho đến khi đội cứu hộ đến đón.
Cậu bé hẳn đã có ý chí và tinh thần vững vàng mới có thể chịu đựng 6 ngày mùa đông giá rét, biết chui vào đệm mà quân đội bỏ lại, chỉ uống nước từ vòi trong doanh trại. Đó là một trong những minh chứng cho thấy nếu có kỹ năng, các em có thể hóa giải tình huống nguy hiểm mà mình bất ngờ đối mặt trong khi chờ người lớn can thiệp.
Mới đây, tại hội nghị tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu phải có chuyển biến trong dạy làm người.
Cụ thể là "năm học mới 2019-2020 phải tạo chuyển biến căn bản trong đạo đức, lối sống, kể cả kỹ năng sống trong học sinh, sinh viên". Đó là thử thách cho cả gia đình và nhà trường.
Nhưng có kỹ năng sống tốt là chưa đủ. Điều quan trọng là trẻ phải bình tĩnh, thay vì sợ hãi, hoảng loạn để xử lý các tình huống. Để có sự "kiên cường", vai trò của gia đình rất lớn.
Cha mẹ cần dạy cho con có được thái độ bình tĩnh khi đối mặt với nguy hiểm và điều này cần được tôi rèn qua trải nghiệm trong cuộc sống hằng ngày. Khi trẻ làm điều sai hay nguy hiểm, không nên quát mắng trẻ mà nên thể hiện thái độ bình tĩnh để trẻ học theo, hãy hỏi trẻ cách giải quyết vấn đề.
Ngoài việc dạy trẻ những kỹ năng thoát hiểm, có thể trang bị cho trẻ những thiết bị thông minh để trẻ liên lạc với bố mẹ khi mình gặp nguy hiểm. Học sinh tiểu học ở Nhật thường phải tự đi bộ tới trường, vì thế cha mẹ sẽ trang bị cho trẻ đồng hồ có gắn định vị giúp trẻ và cha mẹ liên lạc khi cần thiết.
Cũng cần dạy cho trẻ những "quy tắc kết nối". Nếu trẻ đến trường bằng xe đưa đón, nên nhắc trẻ nhờ bạn bên cạnh đánh thức mình dậy khi xe gần đến trường. Giáo viên đưa đón trẻ còn phải dạy các em đi cùng xe là hãy nhớ đánh thức bạn bên cạnh nếu bạn ngủ quên...
Sự việc đau lòng ở Trường Gateway dù cá biệt nhưng cũng là cảnh báo rằng hàng triệu con trẻ cần nhiều hơn nữa kỹ năng sống, cách ứng xử khi gặp tình huống bất trắc.
Chỉ có chăm chút hơn cho kỹ năng sống, giúp trẻ thực hành nhuần nhuyễn mới hạn chế những rủi ro cho trẻ. Vậy tại sao không xác định năm học 2019-2020 là "năm học kỹ năng sống, năm học thực hành"?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận