27/12/2018 18:44 GMT+7

Năm học 2020-2021 triển khai đại trà chương trình giáo dục mới ở lớp 1

Vĩnh Hà - Ngọc Hà
Vĩnh Hà - Ngọc Hà

TTO - Đây là thông tin vừa được Bộ Giáo dục - Đào tạo cho biết tại buổi họp báo công bố chương trình môn học mới diễn ra chiều 27-12.

Năm học 2020-2021 triển khai đại trà chương trình giáo dục mới ở lớp 1 - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo chủ trì hop báo công bố chương trình môn học mới - Ảnh: NAM TRẦN

Nơi khó khăn: Thực hiện theo lộ trình

Theo chương trình mới, bậc tiểu học có một số điều chỉnh. Lớp 1 và lớp 2 sẽ chỉ có 7 môn học, lớp 3 có 9 môn học (chương trình hiện hành lớp 1,2,3 là 10 môn). Lớp 4,5 có 10 môn học (chương trình hiện hành có 11 môn học). 

Học sinh tiểu học sẽ học 2.838 giờ, theo thiết kế 9 buổi/tuần  (chương trình hiện hành, học sinh học 2.353 giờ, theo thiết kế 5 buổi/tuần).

Như vậy để học sinh không quá tải, một trong những điều kiện khả thi là các nhà trường ở bậc học này phải  có đủ điều kiện dạy 2 buổi/ngày.

Theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình Giáo dục phổ thông mới thì cấp tiểu học "thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học. Cơ sở giáo dục tiểu học chưa đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày thực hiện kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục - Đào tạo". 

Mục tiêu của hoạt động dạy học 2 buổi/ngày là nhằm tăng cường giáo dục toàn diện, đặc biệt là tăng cường các hoạt động thực hành, rèn luyện thân thể, sinh hoạt văn hoá - nghệ thuật, giáo dục kĩ năng sống cho học sinh, hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm; đáp ứng yêu cầu quản lí và giáo dục học sinh của gia đình và xã hội; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. 

Ở cấp tiểu học, theo thống kê của Bộ Giáo dục - Đào tạo, hiện có trên 80% số học sinh trong cả nước đang được học 2 buổi/ngày. Nguyên nhân một số địa phương chưa tổ chức được cho học sinh học 2 buổi/ngày là khó khăn về quỹ đất, kinh phí và điều kiện sống của người dân.

Trao đổi về những khó khăn khi thực hiện, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho biết để thực hiện được quy định của chương trình mới, bảo đảm cho con em địa phương không thiệt thòi so với học sinh những nơi khác, các địa phương có thể chọn một trong các giải pháp như cân đối quỹ đất, kinh phí để mỗi năm thực hiện dứt điểm việc dạy học 2 buổi/ngày ở một lớp học theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông như quy định tại Nghị quyết 51 của Quốc hội, bắt đầu từ năm 2020-2021 với lớp 1. 

Ngoài ra, ở những nơi không thực hiện được 2 buổi/ngày, có thể bố trí thêm buổi học thứ 6 trong tuần để bảo đảm hoàn thành chương trình các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, không dạy các môn học tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số; Ngoại ngữ 1 ở lớp 1, lớp 2).

"Ở các cấp THCS, THPT, việc tổ chức buổi học thứ hai cần dựa trên sự tự nguyện của học sinh và cha mẹ học sinh" Ông Nguyễn Minh Thuyết cho biết.

Tại cuộc họp báo ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và thiết bị trường học, Bộ Giáo dục - Đào tạo khẳng định "Với việc thực hiện chương trình mới ở lớp 1 vào năm 2020-2021 thì hiện các trường học đã đủ điều kiện dạy học 2 buổi/ngày."

Năm học 2020-2021 triển khai đại trà chương trình giáo dục mới ở lớp 1 - Ảnh 2.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trinh giáo dục phổ thông mới khẳng định chương trình mới đã chú trọng việc giảm tải so với chương trình hiện hành - Ảnh: NAM TRẦN

Thực hiện cuốn chiếu đến năm 2025

Theo thông tin của Bộ Giáo dục - Đào tạo, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ thực hiện lộ trình áp dụng như sau: năm học 2020-2021 đối với lớp 1; năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Trao đổi tại cuộc họp báo, ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục - Đào tạo cho biết Bộ sẽ có các hướng dẫn cụ thể thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó có hướng dẫn cho việc thực hiện dạy lớp có sĩ số đông, có hướng dẫn cho việc dạy tích hợp, hướng dẫn cách tổ chức dạy học theo hướng tự chọn ở bậc THPT....

"Quan trọng nhất trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới là tăng cường triển khai xây dựng kế hoạch giáo dục, trong đó đề cao vai trò chủ động của hiệu trưởng, tập trung đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá, đổi mới sinh hoạt chuyên môn trong nhà trường."  ông Vũ Đình Chuẩn trao đổi.

Theo ông Vũ Đình Chuẩn thì rất nhiều nội dung tiệm cận với chương trình giáo dục phổ thông mới đã được triển khai có thành quả ở nhiều địa phương, nhiều nhà trường. 

Đó là việc dạy tịch tích hợp liên môn, dạy học với di sản, dạy học gắn với sản xuất kinh doanh, vận dụng kiến thức vào cuộc sống qua các dự án nghiên cứu khoa học kĩ thuật…Nhiều nhà trường đã thực hiện thành công việc chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục…

Đây là cơ sở thực tiễn để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Toàn cảnh chương trình giáo dục phổ thông mới

TTO - Chiều 27-12, Bộ GD-ĐT công bố chương trình giáo dục phổ thông mới. Chương trình được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực mà nhà trường và xã hội kỳ vọng.


Vĩnh Hà - Ngọc Hà
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên