Viêm nhiễm đường sinh dục nam và tinh binh suy giảm ngày càng tăng do lối sống. Đây cũng là tác nhân gây vô sinh nhưng phát triển rất âm thầm và không có triệu chứng, rất khó tìm ra bệnh.
Quý ông "giống" lép
Trước đây, vô sinh nam thường được đánh giá thấp nhưng hiện nay tình trạng này đã gia tăng.
Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn, tỉ lệ khoảng 7,7%. Trong đó, các cặp vợ chồng ở độ tuổi dưới 30 chiếm tỉ lệ 50%. Tỉ lệ vô sinh do nam giới chiếm 40%, do nữ giới chiếm 40%, 10% do cả hai vợ chồng và 10% không rõ nguyên nhân.
Theo nghiên cứu của GS Trần Quán Anh - chuyên gia về nam học, trong những cặp vợ chồng vô sinh, nguyên nhân do nam giới chiếm xấp xỉ 50%. Còn theo nghiên cứu của GS Nguyễn Khắc Liêu (Bệnh viện Phụ sản trung ương), nguyên nhân vô sinh trực tiếp do người chồng là 66,67%.
Những con số này cao hơn nhiều so với những báo cáo trước đây về nguyên nhân vô sinh từ phía quý ông.
Theo một báo cáo điều tra tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), khoảng 77% nam giới đến khám có bất thường ít nhất 1 chỉ số về tinh trùng, rối loạn chức năng tinh trùng nói chung, bao gồm các bất thường về số lượng tinh trùng, độ khỏe mạnh và hình dạng tinh trùng. Đây là nguyên nhân chủ yếu của vô sinh do nam giới, chiếm trên 90% vô sinh nam.
Tinh trùng đang yếu đi cả về chất lượng và số lượng
Một nghiên cứu trên 1.300 nam giới tuổi từ 18 - 40 đến xét nghiệm tại trung tâm công nghệ phôi cho thấy những hình thái bất thường của tinh trùng người bình thường: đầu chiếm 88%, cổ 2%, đuôi 10%.
Điều đáng quan tâm là kết quả giữa 100 người thiểu năng số lượng và chất lượng tinh trùng so sánh với 100 người bình thường, thì thấy chỉ số về số lượng và chất lượng tinh trùng đều giảm ở cả hai nhóm so với nam giới trước đây.
Phần đầu hình dạng tinh trùng có hình dạng bất thường, màng tế bào nhăn nhúm, phần bào tương ở phần đầu còn rộng, có nhiều các bào quan, nhân có hai thùy và các Mitochondria nằm rải rác...
Điều này nói lên quá trình biệt hóa của tinh trùng chưa hoàn toàn, cũng chính vì vậy mà những tinh trùng này không có khả năng thụ tinh với noãn.
GS.TS Đỗ Trọng Hiếu, chuyên gia về sức khỏe tình dục nam giới, cho biết trên thế giới, người có tinh trùng nhiều nhất là 250 triệu/ml. Tỉ lệ tinh trùng lưu giữ được từ những năm 1930 của các nước Bắc Âu cho thấy là 100 - 120 triệu/ml, nhưng hiện nay chỉ là 60 - 80 triệu.
Ở Việt Nam, cách đây khoảng 20 năm số lượng trung bình là 60 triệu/ml. Hiện nay không kể những người có sự bất thường, chỉ tính riêng những thanh niên dưới 30 tuổi đến kiểm tra trước khi lấy vợ cũng chỉ có 50 triệu con/ml, số người có 60 triệu con là rất hiếm. Và dưới 20 triệu thì khó có thể có thai bằng phương pháp tự nhiên.
Bệnh đánh lừa cả bệnh nhân và thầy thuốc
Bác sĩ Nguyễn Bá Hưng, Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội, cho biết nhiều quan điểm cho rằng, các thức ăn hiện đại như thực phẩm đóng hộp có nhiều chất bảo quản, nếu tích tụ lâu ngày, có thể ức chế sinh tinh.
Đây có thể là một trong những nguyên nhân chính của hiện tượng giảm chất lượng tinh trùng của nam giới đang được báo động.
Hơn nữa, hành vi tình dục của tuổi trẻ ngày nay đang thay đổi theo chiều hướng tăng nguy cơ hơn trước: tuổi bắt đầu sinh hoạt tình dục giảm xuống (có kinh sớm hơn và xuất tinh lần đầu cũng thế).
Tuổi lập gia đình tăng lên, quan hệ tình dục ngoài hôn nhân không những tăng lên nhanh chóng mà còn có nhiều yếu tố mất an toàn, gây lây lan bệnh nhanh hơn đến mức báo động toàn cầu và nguy hiểm, không chỉ là tác nhân gây vô sinh mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.
Viêm nhiễm đường sinh dục nam có thể có triệu chứng rất ồ ạt như đái buốt, đái rắt, ra mủ (trong bệnh lậu) hay loét, nổi hạch trong giang mai, phổng rộp da trong herpes, hay tiết dịch niệu đạo nhầy trong bệnh cảnh nhiễm khuẩn, nấm, chlamydia khiến họ phải đi khám và chữa ngay.
Nhưng cũng có thể diễn biến âm thầm hoặc không có triệu chứng lâm sàng, nhiều trường hợp chỉ phát hiện sau khi bạn tình bị bệnh hoặc sau khi đi khám hiếm muộn.
Đó là những viêm nhiễm không có triệu chứng lâm sàng. Nguy hiểm của các bệnh này là chúng đánh lừa được bệnh nhân (có khi cả thầy thuốc) và gây tác hại ngấm ngầm lâu dài. Nghiên cứu cho thấy có tỉ lệ nghịch giữa số lượng bạch cầu trong tinh dịch với chức năng hoạt động của tinh trùng trong ống nghiệm và trên cơ thể người.
Hơn nữa, nghiên cứu gần đây còn cho thấy rõ tác hại của bạch cầu trong tinh dịch là do chúng sản xuất ra các chất làm gãy các ADN của tinh trùng.
Phản ứng này không giảm tỉ lệ thụ tinh, nhưng làm giảm đáng kể tỉ lệ thụ thai sau khi thụ tinh, sự phát triển của phôi bị gián đoạn sau khi phôi đã bắt đầu làm tổ và gây hỏng thai đưa tới hiếm muộn và vô sinh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận