16/04/2023 08:56 GMT+7

Nam giới hiếm muộn do cả nội tiết, lối sống, bệnh viêm nhiễm và ống sinh tinh

Cần tránh nhầm lẫn nguyên nhân hiếm muộn và nguyên nhân rối loạn cương. Nam giới hiếm muộn và vô sinh không chỉ do các nguyên nhân tại tinh hoàn mà còn cả nguyên nhân do nội tiết, lối sống, bệnh viêm nhiễm và ống sinh tinh...

Bác sĩ Nguyễn Bá Hưng thăm khám cho một bệnh nhân người nước ngoài

Bác sĩ Nguyễn Bá Hưng thăm khám cho một bệnh nhân người nước ngoài

80% nguyên nhân vô sinh nam là do tinh hoàn và có tới 25% không rõ nguyên nhân. Cần cẩn trọng với các nguyên nhân gây viêm tinh hoàn.

Nhầm lẫn hiếm muộn và rối loạn cương

Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Bá Hưng, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn, cho biết chẩn đoán vô sinh nam giới không thể chỉ dựa vào kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ đơn thuần để đánh giá vô sinh hay không.

Thực tế, nam giới hiếm muộn có rất nhiều nguyên nhân tùy vào cách phân loại, không nên nhầm lẫn nguyên nhân hiếm muộn và nguyên nhân rối loạn cương. 

Phân loại hiếm muộn và vô sinh nam theo Tổ chức Y tế thế giới dựa vào tinh hoàn (nơi sản sinh ra tinh trùng) được phân loại thành 3 dạng:

* Các nguyên nhân trước tinh hoàn: chủ yếu là nguyên nhân nội tiết, chiếm khoảng 8%.

- Thiểu năng kích tố sinh dục: bao gồm thiểu năng trước và sau dậy thì. Thiểu năng trước dậy thì là do tổn thương thực thể gần hoặc ngay tại tuyến yên (như nang tuyến yên, u tuyến yên, chấn thương vùng nền sọ ảnh hưởng tới chức năng tuyến yên), các khuyết tật di truyền trong sản sinh các gonadotropin. 

Thiểu năng sau dậy thì là do các tổn thương thực thể: u tuyến yên, chấn thương hố yên.

- Thừa estrogen: dư thừa nội sinh (các u sinh sản nhiều estrogen ở vỏ thượng thận, xơ gan); dư thừa ngoại lai (do dùng nhiều thuốc có chứa nội tiết nữ estrogen để điều trị một số bệnh như trứng cá, u tuyến tiền liệt).

- Dư thừa androgen: nội sinh (hội chứng thượng thận sinh dục, khối u sinh androgen), ngoại lai do điều trị bằng androgen.

- Dư thừa glucorticoid: do hội chứng Cushing, do điều trị viêm loét dạ dày, đại tràng, hen phế quản.

Ngoài ra, còn do tăng prolactin trong máu, do thiểu năng tuyến giáp, cường năng tuyến giáp, bệnh đái tháo đường...

* Nguyên nhân tại tinh hoàn: đây là nguyên nhân gây vô sinh nhiều nhất, chiếm 80% nguyên nhân hiếm muộn vô sinh, trong đó 25% còn chưa biết nguyên nhân. 

Bệnh thường do: hội chứng nhiễm sắc thể (hội chứng Klinefelter, hội chứng XYY), giãn tĩnh mạch tinh, viêm tinh hoàn (quai bị, các viêm khác do vi khuẩn), do hóa chất và các thuốc dùng, tia xạ, tuổi cao, hội chứng teo đét tế bào mầm, suy tinh hoàn, các bệnh: gan mạn tính, ure máu cao, hồng cầu liềm, béo phì, liệt...

* Nguyên nhân sau tinh hoàn: Tắc nghẽn ống dẫn tinh từ tinh hoàn do: bẩm sinh (teo tinh hoàn, teo mào tinh hoàn), mắc phải: nhiễm khuẩn (lậu, lao, chlamydia và các nhiễm khuẩn khác), thắt, cắt ống dẫn tinh tự nguyện hoặc nhầm lẫn; 

Tổn hại khả năng di động của tinh trùng (số lượng tinh trùng bình thường, sinh thiết tinh hoàn bình thường), sai lệch trong chín muồi hoặc lưu trữ tinh trùng ở mào tinh hoàn; có bất thường về sinh hóa của tinh dịch (thiếu kẽm, fluctose, carnitin...), dị dạng đuôi tinh trùng, các yếu tố miễn dịch tinh trùng, kháng thể kháng tinh trùng.

Cần cẩn thận với viêm tinh hoàn

Bác sĩ Hưng nói nhiều trường hợp quý ông vô sinh là do viêm tinh hoàn nên rất cần được chú ý.

Viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn có thể bị một bên hoặc cả hai bên, thường gặp ở một bên nhiều hơn. Nguyên nhân gây viêm do nhiều tác nhân: vi rút, vi khuẩn, nấm, lao. 

Viêm tinh hoàn và mào tinh do vi rút phổ biến là vi rút quai bị, loại vi rút này có ái lực rất mạnh với tế bào tinh nên thường để lại nhiều hậu quả như teo các ống sinh tinh, teo tinh hoàn, đặc biệt là khi mắc vào độ tuổi dậy thì.

Ngoài ra, các vi khuẩn lây truyền qua đường tình dục như: lậu, chlamydia cũng thường gặp. Viêm tinh hoàn thường đi kèm với viêm mào tinh hoàn và viêm tiền liệt tuyến. Biểu hiện thường rầm rộ với các triệu chứng: sốt cao, sưng, nóng, đỏ, đau ở bìu, đau có thể rất trầm trọng khi đi lại và khi bị đụng chạm vào khu vực này. 

Hạch bẹn có thể nổi và sưng đau, đi tiểu có cảm giác buốt nhẹ và nóng rát dọc ống đái, có thể có dịch tiết ở lỗ sáo, tinh dịch có thể có máu.

Viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn do lao: thường có diễn biến từ từ với các biểu hiện tinh hoàn sưng to nhưng đau tức ít, sờ thấy tinh hoàn và mào tinh có khối rắn gồ ghề, nhiều hình thái, có thể thấy khối áp xe (mủ) trắng mềm giống bã đậu ngay bề mặt da bìu.

Tuyệt đối không được chích rạch áp xe tháo mủ trong trường hợp này khi chưa loại trừ được bệnh lao bởi cho dù tổn thương ở tinh hoàn và mào tinh hoàn có trầm trọng và lổn nhổn đến đâu, cũng sẽ hồi phục gần như hoàn toàn về chức năng sinh tinh và hình thể cấu trúc sau điều trị lao bằng thuốc. 

Chích rạch trong bệnh lao sẽ để lại hậu quả tắc nghẽn các ống sinh tinh gây vô sinh.

"Nếu bị quai bị ở nam thanh nhiên chưa có gia đình, có sưng đau tinh hoàn ở cả hai bên thì người bệnh nên trữ lạnh tinh trùng ngay, bởi lúc này lứa tinh trùng trưởng thành chưa bị xâm hại. Hậu quả gây vô sinh (teo tinh hoàn) của quai bị sẽ chỉ có thể biết được sau khoảng 3 - 6 tháng mà không ai dám chắc là trường hợp nào không bị teo và trường hợp nào sẽ bị teo" - bác sĩ Hưng nhấn mạnh.

Các nguyên nhân vô sinh nam xếp theo thứ tự lâm sàng, theo số bệnh nhân gặp trong thực tế điều trị vô sinh nam cũng có nhiều dạng và phong phú như: suy tiên phát tinh hoàn, tinh hoàn ẩn, viêm tinh hoàn, các hóa chất và tia xạ, nhiễm độc môi trường (khói lò gạch, sóng rada); rối loạn hệ dưới đồi tuyến yên - sinh dục;

Tắc nghẽn ống dẫn tinh; miễn dịch kháng tinh trùng; rối loạn tình dục mức độ cao; giãn tĩnh mạch tinh; nhiễm khuẩn tinh dịch; thuốc các androgen dùng liều cao kéo dài...

Thực tế điều trị đa số người bệnh hiếm muộn với các nguyên nhân như nhiễm khuẩn, rối loạn tình dục, rối loạn chuyển hóa và các trường hợp rối loạn nội tiết có thể chữa khỏi ngay tại tuyến cơ sở.

WHO báo động: Cứ 6 người trưởng thành có 1 người vô sinh, hiếm muộnWHO báo động: Cứ 6 người trưởng thành có 1 người vô sinh, hiếm muộn

Ước tính trên thế giới cứ 6 người trưởng thành có 1 người vô sinh ở một thời điểm nào đó. WHO kêu gọi các nước đưa điều trị vô sinh vào các chính sách, dịch vụ về sức khỏe sinh sản.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên