16/02/2025 11:36 GMT+7

Năm 'gã khổng lồ' Thái Lan có vốn đầu tư lớn nhất tại Việt Nam

Các tập đoàn hàng đầu Thái Lan không ngừng mở rộng sự hiện diện tại Việt Nam, biến thị trường này thành một trong những điểm đến đầu tư quan trọng, đồng thời mở rộng giao thương ra khu vực Đông Nam Á.

Năm 'gã khổng lồ' Thái Lan có vốn đầu tư lớn nhất tại Việt Nam gồm những ai? - Ảnh 1.

Nhân viên C.P Group tiếp thị sản phẩm - Ảnh: C.P.

Gọi tên 5 ông lớn

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, ông Praween Wirotpan - chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thái Lan tại Việt Nam (ThaiCham) - cho biết Thái Lan là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ chín tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư trực tiếp hơn 14 tỉ USD, tính đến cuối năm 2024.

Cộng đồng doanh nghiệp Thái Lan như CP Group, Betagro Group, Gulf Energy, B.Grimm, Super Energy, SCG, Berli Jucker (BJC)… đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau tại Việt Nam.

Tuy nhiên nếu xét theo tiêu chí tổng vốn đầu tư, chủ tịch ThaiCham chỉ ra năm tập đoàn lớn nhất đang hiện diện gồm Siam Cement Group (SCG), ThaiBev, Central Group, CP Group và Amata Corporation.

Các tập đoàn này hoạt động lần lượt trong ngành xi măng, vật liệu xây dựng, hóa dầu và bao bì; sản xuất đồ uống và rượu; bán lẻ, trung tâm thương mại, điện tử; nông nghiệp, thủy sản, chế biến thực phẩm và bất động sản khu công nghiệp.

SCG, tập đoàn đa ngành hàng đầu của Thái Lan, kinh doanh tại Việt Nam từ năm 1992. Hiện doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, bao bì và hóa dầu, có hơn 16.000 nhân viên.

SCG nổi tiếng với hàng loạt thương vụ mua cổ phần doanh nghiệp Việt như Xi măng Sông Gianh, Công ty cổ phần Vật liệu Việt Nam (VCM), Nhựa Bình Minh...

Trong năm 2024, thị trường Việt Nam mang về hơn 35.140 tỉ đồng (tương đương 1,4 tỉ USD) doanh thu bán hàng cho SCG.

Một cái tên đáng chú ý khác là ThaiBev, công ty mẹ của Sabeco, doanh nghiệp sản xuất bia có quy mô lớn nhất Việt Nam, với tổng công suất khoảng ba tỉ lít mỗi năm.

Trong năm tài chính kết thúc cuối tháng 9-2024, hoạt động kinh doanh bia của ThaiBev ghi nhận sự cải thiện mạnh mẽ ở cả Thái Lan và Việt Nam, mang lại mức tăng trưởng 3,9% về lợi nhuận ròng.

Sau khi mua lại cổ phần tại Sabeco từ năm 2017 với giá trị giao dịch khoảng 4,8 tỉ USD, hiện ThaiBev gián tiếp sở hữu 53,6% vốn Sabeco. Từ đó đến nay, tập đoàn này nhận về khoảng 12.000 tỉ đồng cổ tức từ Sabeco, tương đương hơn 10% tổng vốn đầu tư.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, Central Retail - "ông lớn" bán lẻ thuộc sở hữu của gia tộc Chirathivat và là đơn vị sở hữu vận hành các đại siêu thị GO!, Tops Market, chuỗi điện máy Nguyễn Kim… ghi nhận doanh thu tại Việt Nam đạt hơn 27.620 tỉ đồng.

Tập đoàn này từng công bố sẽ đầu tư thêm 50 tỉ baht (khoảng 1,45 tỉ USD) vào Việt Nam giai đoạn 2023-2027 để tăng tốc mở rộng quy mô và đến năm 2026, sẽ đạt doanh thu khoảng 2,7 tỉ USD (65.000 tỉ đồng) tại thị trường Việt Nam.

Trong khi đó tập đoàn lớn ngành thực phẩm và nông nghiệp - C.P Việt Nam tham gia thị trường Việt Nam từ năm 1993, hiện có 21 nhà máy, hợp tác với hơn 2.500 trang trại cung ứng hàng triệu con heo, gà, cá và tôm mỗi năm.

Theo báo cáo của CP Foods (CPF), công ty mẹ của C.P Việt Nam, doanh thu từ hoạt động kinh doanh 9 tháng đầu năm 2024 ở Việt Nam tăng 5% so với cùng kỳ, đạt khoảng 92,2 tỉ baht (tương đương 68.000 tỉ đồng), trong khi hoạt động kinh doanh ở thị trường Thái Lan giảm 3%.

Trong đó ngành gia súc, gia cầm chiếm tỉ trọng lớn, mang về gần 59.000 tỉ đồng (tăng 8%), trong khi mảng thủy sản giảm 10%, chỉ đạt khoảng 9.000 tỉ đồng.

Ngoài ra C.P Việt Nam còn là cổ đông lớn của Thủy sản Sao Ta, một trong năm doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam.

Trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, một doanh nghiệp Thái Lan thường được nhắc đến nhiều nhất tại Việt Nam là Amata.

Công ty cổ phần đại chúng Amata Việt Nam (AVN) thành lập năm 2012, thuộc tập đoàn Amata, nhà phát triển công nghiệp hàng đầu Thái Lan. Doanh nghiệp này có ba khu công nghiệp và hai dự án phát triển đô thị, với tổng vốn đầu tư vào thị trường Việt Nam khoảng 860 triệu USD, diện tích phát triển đạt 3.000 ha.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu của AVN tăng hơn 42% so với cùng kỳ năm 2023, đạt hơn 3.4 tỉ baht (khoảng 2.390 tỉ đồng). Doanh thu mảng bất động sản của công ty chủ yếu được ghi nhận từ việc bán bất động sản, tổng diện tích hơn 23,4ha tại khu công nghiệp Amata City Hạ Long và Amata City Long Thành.

Biên lợi nhuận gộp mảng bất động sản của AVN ở mức gần 32,2% và mảng dịch vụ tiện ích 8,4%.

Tính đến cuối kỳ, tổng tài sản đến của Amata Việt Nam tăng gần 5%, lên gần 14 tỉ baht (khoảng 9.680 tỉ đồng).

Hai thách thức

Theo ông Praween Wirotpan, có hai thách thức đáng chú ý mà doanh nghiệp đang đối mặt: sự không chắc chắn về quy định và dân số già.

"Việc cắt giảm số lượng bộ và thành lập các cơ quan mới có thể dẫn đến thay đổi trong quy trình giám sát và phê duyệt. Giai đoạn chuyển tiếp này có thể làm chậm quá trình cấp phép, gây khó khăn cho doanh nghiệp," ông Praween bày tỏ lo ngại.

Một thách thức khác không chỉ riêng Việt Nam mà nhiều quốc gia đang phải đối mặt chính là dân số già và tỷ lệ sinh giảm.

Chủ tịch ThaiCham nhận định dân số trên 60 tuổi tại Việt Nam sẽ tăng đáng kể trong những năm tới, trong khi tỷ lệ sinh giảm xuống còn 2 con/phụ nữ vào năm 2024. Nguyên nhân chủ yếu đến từ quá trình đô thị hóa và sự thay đổi trong cấu trúc gia đình.

Hệ quả của xu hướng này là lực lượng lao động dần thu hẹp, trong khi áp lực lên hệ thống an sinh xã hội ngày càng gia tăng.

Năm 'gã khổng lồ' Thái Lan có vốn đầu tư lớn nhất tại Việt Nam gồm những ai? - Ảnh 5.Đại gia Thái Lan kiếm bộn tiền nhờ đầu tư mạnh, mua cổ phần doanh nghiệp Việt

Đại gia Thái đang mạnh mẽ mở công ty vốn FDI và niêm yết hoặc đổ hàng tỉ USD để mua cổ phần các doanh nghiệp Việt trên sàn chứng khoán. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh đem lại bộn tiền cho người Thái.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên