Tranh Lê Phương |
“Đặc điểm tạo hình của con gà rất dễ vẽ, yếu tố tạo hình rất đậm đặc nên nhiều người có thể thử sức ở tranh con gà. Nhiều bạn họa sĩ của tôi gần như chưa vẽ con giáp bao giờ nhưng năm nay lại thấy vẽ tranh gà!” - họa sĩ Đỗ Phấn hào hứng nói về chuyện... được mùa gà.
Cũng theo ông, gà có nhiều lợi thế so với nhiều con giáp khác, có nhiều chi tiết rất đẹp, yếu tố trang trí rất mạnh, cùng với các động tác, biến chuyển về dáng rất phong phú, cho đến rất nhiều giống loài nên màu sắc cũng thiên hình vạn trạng.
Con gà dễ vẽ nhất trong số các con giáp còn ở chỗ nó gần gũi với con người. Hình ảnh gà cũng xuất hiện cả trên những hiện vật khảo cổ từ hàng nghìn năm trước. Hầu hết dòng tranh dân gian từ làng Sình, Đông Hồ, Hàng Trống hay Kim Hoàng từ hàng trăm năm trước đã có con gà biến hóa.
Xôm tụ tranh gà
Ghé nhà họa sĩ Đỗ Phấn ở một góc phố của làng Ngọc Hà giữa lòng thủ đô Hà Nội, ông nói đã “hoàn thành nhiệm vụ” với “bầy gà” hơn 70 con tặng bạn bè đón tết.
Trông qua ảnh lưu đủ loại, đủ kiểu gà, con nào cũng tươi, cũng vui, cũng nhộn, rất thích. Ở Hà Nội ít ai vẽ tranh con giáp chuyên nghiệp như Đỗ Phấn, vẽ miệt mài và đều đặn từ hơn 40 năm nay, nhưng cũng chỉ vẽ tặng chứ không bán.
“Những người bạn thân thiết tôi vẽ đủ, chẳng thiếu ai cả, nếu quên thì họ lại nhắc mình ngay, đố mà “thoát” được!” - ông nói khi hơn 70 tranh gà đã “lên mâm lên bát” trong nhà bạn bè. Giờ này nhà “khổ chủ” chỉ có bộ lịch tranh gà của chính mình do NXB Trẻ in làm quà tặng...
Ghé Hà Nội những ngày này, nhiều đoàn khách nước ngoài cũng tỏ ra thích thú với triển lãm tranh gà ở chợ Hàng Da. Hàng trăm tác phẩm, rất nhiều loại chất liệu, phong cách và phương thức thể hiện.
Nhiều người rất lưu tâm đến tranh gà trên gốm và các tác phẩm điêu khắc gà của các nghệ sĩ. Hầu hết tác phẩm đều được niêm yết giá, nhìn chung khá “mềm”, trên nửa số tranh từ 10 triệu đồng trở xuống, phù hợp túi tiền của giới trung lưu nên khá nhiều bức tranh được gắn nơ (đã có chủ)...
80 tác phẩm tranh gà ở Hội chợ Tết Việt Nam 2017 (Trung tâm triển lãm Vân Hồ, quận Hai Bà Trưng) cũng đa dạng và phong phú không kém.
Đa dạng không chỉ ở góc nhìn, tâm sự riêng với con giáp Đinh Dậu; đa dạng không chỉ nhiều loại chất liệu từ truyền thống đến hiện đại (mực nho giấy dó và giấy xuyến chỉ, thuốc nước trên lụa, acrylic trên giấy, sơn dầu trên toan...), mà còn đa dạng ở nhiều thế hệ và nhiều thành phần tác giả, từ họa sĩ chuyên nghiệp, họa sĩ minh họa báo, giảng viên mỹ thuật...
Còn tại Huế, hai cuộc triển lãm tranh giáp đón tết con gà đông đúc gần cả trăm bức. Vui hơn cả là triển lãm “Gà Đinh Dậu đậu nóc dinh” ở tư gia họa sĩ Đặng Mậu Tựu.
Gà ở triển lãm này đủ tính chất, phong thái, có bức “vẽ gà mà cứ như heo” rất phồn thực, tràn trề và căng mọng sức sống. Có bức thể hiện cuộc đấu chọi quay cuồng sinh động. Nhưng cũng có bức gà hạnh phúc hay gà suy tư triết lý giữa đời...
Họa sĩ Đặng Mậu Tựu giải thích cái tiêu đề theo kiểu nói lái, chơi chữ của người miền Trung: “Đinh Dậu tức là đậu dinh. Chúng tôi muốn chọn kiểu chơi chữ đó để đặt tên cho chủ đề buổi triển lãm nhằm nói lên sự thật giả, đảo lộn, thay đổi liên tục của đời người!”.
Tranh Nguyễn Như Đức |
Vẽ gà bằng mười làm thơ
Tự nhận mình là “trưởng trại gà” trong năm nay, nhà thơ Đỗ Trung Quân vừa duyên, vừa mát tay với con gà. Đã “xuất chuồng” được cả trăm “con”, nhà thơ bảo “vẽ tranh tết bán được gấp 10 lần làm thơ tết”.
Được mùa ở đây cũng là “được mùa tặng”, song theo tiết lộ của nhà văn Nguyễn Đông Thức: “Đỗ Trung Quân đang trúng với tranh gà, vẽ không kịp bán! Hầu hết do bạn bè mua, tự quyết giá, tự trả, không tiết lộ nhưng hoàn toàn không tệ!”.
Người ta kháo sự vẽ gà của Đỗ Trung Quân năm nay là một hiện tượng; gà của nhà thơ rất có hồn, có thần thái, rất hào sảng, sảng khoái. Chỉ một vài tư thế, một phong cách vẽ, và không nhiều màu, nhiều nét nhưng gà của anh biến ảo không thôi.
Trong hàng trăm con gà mà “trưởng trại” Đỗ Trung Quân “xuất chuồng”, bức tranh Đạp mái là một trong những con gà mà nhiều người ấn tượng với vài nét cong bay bổng tài hoa đủ tạo ra một tác phẩm sinh động ở cả hình ảnh lẫn dư thanh...
Xem tranh bỗng nhớ đến tiếng cười giòn của anh khi hay tin con gà anh gửi nhà văn Nguyễn Đông Thức đấu giá giúp học sinh nghèo ở ba tỉnh miền Trung thu được 30 triệu đồng. Tương tự, khi nhận tin bức gửi nhà báo Lê Đức Dục đấu giá cho chương trình tặng áo ấm trẻ em vùng khó Quảng Trị được 14 triệu đồng, “trưởng trại gà” cười rất sảng khoái...
“Đang ngồi nhà vẽ thì tôi nhận cuộc điện thoại của một cô gái hỏi mua tranh gà. Một vài lời hỏi qua loa, tôi chợt thoáng nghe cô gái mua tranh để tặng người mẹ tuổi gà đang nằm trên giường bệnh. Cô gái hỏi giá, tôi nói “cô cứ đến nhà đi đã” rồi chỉ đường cặn kẽ.
Đến nhà, tôi tặng tranh gà với một lời cầu chúc sức khỏe cho người mẹ. Đó là một cô giáo dạy cấp II ở TP.HCM, cô ôm bức tranh vào lòng mà mắt ngấn lệ. Mong sao cả người mẹ tuổi gà lẫn cô giáo trong cái tết con gà năm nay đều được thỏa lòng!...” - họa sĩ Đỗ Trung Quân kể khi người viết đến nhận tranh gà về miền Trung cho nhiều thân hữu ăn tết...
Tranh Bùi Việt Dũng |
Tranh gà và thế giới kỳ lạ của họa sĩ Thành Chương Dự định vẽ 60 tranh con gà kỷ niệm 60 năm gắn bó với hội họa, song “cơn say” với đề tài này khiến họa sĩ Thành Chương vẽ 150 tác phẩm chỉ trong vòng hơn một tháng. Nhận lời mời tham dự hội chợ nghệ thuật Domino Art Fair, Thành Chương chọn ra 60 tác phẩm để trưng bày. Ngày khai mạc tranh vẽ gà của ông cũng là ngày khai mạc chợ tranh tết diễn ra lúc 19h ngày 20-1 tại Hanoi Creative City (số 1 Lương Yên, Hà Nội). “Cũng từ bức tranh thành công 60 năm trước (năm 1957, bức tranh Đôi gà tồ Thành Chương vẽ năm 8 tuổi đoạt giải vàng cuộc thi quốc tế ở London, Vương quốc Anh - NV) mà tôi được gọi là Chương “gà tồ”, cuộc đời tôi được trói và gắn bó với hội họa. Từ đó tới nay đã 60 năm, tròn một vòng hoa giáp” - họa sĩ Thành Chương nói trong buổi khai mạc. Thành Chương bảo “nếu cứ chầm chậm vẽ con gà” thì rất chán. Bởi vậy, ông vẽ nhiều đề tài liên quan đến gà, đưa cảm nhận, tình cảm của mình về con vật vào tranh, đôi khi mượn chuyện con gà để nói chuyện đời sống con người. Xem tranh vẽ gà của Thành Chương, mỗi con đều có một màu sắc riêng, tư thế riêng, mang trong nó một câu chuyện riêng biệt. Các tác phẩm theo trường phái lập thể, tạo hình hiện đại nhưng không hề xa lạ với người Việt. Gà của Thành Chương có con sinh ra từ tạo hình một chữ cụ thể, có con từ tạo hình thư pháp, lại có con gà mang trên mình hoa văn thổ cẩm, có con mang đậm màu sắc dân gian Việt Nam... Nhà văn Nguyễn Quang Thiều - một người am hiểu hội họa - chia sẻ: “Tôi đang ngập tràn cảm xúc về thế giới kỳ lạ mà Thành Chương mang tới. Người đó đắm mê vào khát vọng sáng tạo”. Theo nhà văn, khi xưa con gà Thành Chương vẽ năm 7-8 tuổi khiến người ta tưởng tranh của một ông già 70 tuổi. Còn nay, Thành Chương lại vẽ gà như một người trẻ, như đang nhìn thế gian bằng con mắt tinh khiết, trẻ thơ, đầy tò mò về đời sống. Nho Quân |
Tranh Đặng Mậu Tựu |
Tranh Đỗ Phấn |
Tranh Đỗ Trung Quân |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận