05/04/2013 06:03 GMT+7

Nam Dao và 2 mảng phận người

LAM ÐIỀN
LAM ÐIỀN

TT - Nhà văn Nam Dao vừa ra mắt hai tác phẩm: Vu quyGhềnh V. Cả hai đều là truyện dài nhưng dung lượng nhỏ. Và như hình ảnh “bé hạt tiêu” mà dân gian thường ví von, cả Vu quy và Ghềnh V đều chứng tỏ độ sắc sảo hiếm có của ông khi viết về đề tài VN đương đại.

SakHkDfx.jpgPhóng to
Hai tập truyện vừa được Phương Nam và NXB Hội Nhà Văn ấn hành - Ảnh: L.Điền

Không gian truyện của Vu quy bắt đầu sau chiến tranh. Mối đệm lịch sử tuy là phần nhỏ, nhưng đủ để làm câu chuyện thật hơn, và cũng chính cuộc sống khắc nghiệt của những người bước ra từ cuộc chiến, sẽ mang lại cho người đọc những chiều suy nghiệm không giản đơn về khái niệm phận người.

Ðó là những lát cắt bén ngọt về cái xóm nghèo nơi Ðất Mũi, với những đứa trẻ mồ côi trong thời bình như Thẻo và gia đình bé Tư con bà Sáu. Sự khốn quẫn trong mưu sinh đẩy từng cá nhân rời khỏi cuộc sống gia đình và rơi vào cạm bẫy đang chực chờ. Trong khi người mẹ ruột đang tâm móc nối bán rẻ bé Tư cho những người đàn ông nước ngoài, thì giấc mơ làm giàu từ vuông tôm của Thẻo - người yêu Tư - nhanh chóng tan theo mây khói cùng sự bế tắc của những hỗ trợ từ phía chính quyền. Có cảm giác tác giả phải rất kiệm lời, và nỗ lực trong dung lượng chữ ngắn nhất làm bật lên rõ nhất sự tha hóa, nguy cơ sập bẫy sớm nhất từ những thường dân cụ thể chân lấm tay bùn khi đất nước hội nhập.

Ghềnh V lại là một hành trình đan trộn giữa hiện thực cuộc đời và thoát ly thực tại theo hướng duy mỹ để tìm sự cứu rỗi. Một nhà thơ bế tắc về tương lai nghệ thuật, một kỹ nữ mang mặc cảm giết mẹ, hai người yêu ly thân 30 năm để sám hối về tội giết người vì yêu... Tất cả gặp nhau ở ghềnh V, một địa danh ước lệ, không gian ước lệ với am cốc, người tu, quán trọ, và cả huyền thoại về người đời tìm lên ghềnh tự tử. Nhưng sự cứu rỗi không phải ở hành trình lên ghềnh, không phải ở lời giảng về đạo lý, không thuộc sự cảm nhận trước cái chết gang tấc của vực sâu, bất ngờ thay, sự cứu rỗi cũng không ở chỗ tình yêu như nhân vật tôi tưởng mình đã hiểu. Sự cứu rỗi chính là sự sống.

“Ðời sống, tự thân đã là cứu rỗi những con người đang sống”, câu nói của cô kỹ nữ ở Ghềnh V thật hay, hay không chỉ ở quá trình trải nghiệm để nhận ra giá trị ấy, mà còn hay bởi chính sự lựa chọn sự sống mới làm nên giá trị cứu rỗi kia.

Cả hai truyện đều phảng phất triết lý Phật giáo, chấm phá thôi, nhưng có tác dụng giúp người đọc vỡ dần những gói ghém đầy ngụ ý của tác giả.

LAM ÐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên