Nếu kinh tế của nhiều nước trên thế giới bị suy giảm sâu trong năm 2020 và phục hồi khá nhanh chóng trong năm 2021, kinh tế nước ta có vẻ đang đi theo chiều ngược lại.
Năm 2020 nhờ phòng chống dịch tốt, nước ta là một trong số ít ỏi các nước trên thế giới có GDP tăng trưởng dương lên đến 2,91%.
Thế nhưng trong năm 2021, mọi chuyện đã trở nên khó khăn hơn. Thậm chí quý 3-2021 kinh tế nước ta suy giảm sâu đến âm 6,17%. Cho dù đã có những khởi sắc nhất định vào những tháng cuối năm, bức tranh chung của nền kinh tế vẫn còn được vẽ với những gam màu khá lạnh.
Nâng sức đề kháng cho toàn dân
Trong cuộc sống, cái gì "đúng quá lâu" đều có thể trở thành một vấn đề hơn là một lợi thế. Mô thức "zero COVID" đã giúp chúng ta phòng chống dịch thành công trong năm 2020 lại trở thành một vấn đề nan giải trong năm 2021.
Với sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta, tình thế đã hoàn toàn thay đổi, thế nhưng mô thức "zero COVID" vẫn tiếp tục ngự trị. Hậu quả là với não trạng cũ và cách làm cũ, chúng ta đã không chỉ không thể đạt được trạng thái "zero COVID", mà còn làm cho các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, sản xuất - kinh doanh bị đình trệ và thất nghiệp tăng cao.
Với nghị quyết 128 của Chính phủ về mô thức phòng chống dịch mới - thích ứng an toàn, linh hoạt với COVID-19, nhiều hệ lụy của cách chống dịch cực đoan đã từng bước được khắc phục.
Tuy nhiên vẫn còn đó rất nhiều công việc phải làm để thích ứng linh hoạt và thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. Năm mới Nhâm Dần 2022 đang bắt đầu trong một bối cảnh như vậy.
Rồi chắc chắn dịch bệnh sẽ qua đi, nhưng có vẻ chưa phải trong năm Nhâm Dần 2022. Chính vì vậy sống chung an toàn với virus và quản trị giai đoạn chuyển tiếp sẽ là tính chất căn bản của năm con Hổ.
Sống chung an toàn không có nghĩa là sống chung với đại dịch. Không ai có thể sống chung với tình trạng dịch bệnh bùng phát; các bệnh viện, các cơ sở y tế đều bị quá tải; các ca tử vong vì dịch bệnh tăng cao.
Sống chung với virus chỉ có nghĩa là nâng cao sức đề kháng của toàn dân và thực hiện các giải pháp cần thiết để khống chế sự lây lan của virus ở mức số ca phát bệnh không làm quá tải các bệnh viện và các cơ sở y tế, số ca tử vong được giảm thiểu tối đa.
Sống chung còn có nghĩa là không để các giải pháp phòng chống dịch cực đoan làm cho nền kinh tế bị tê liệt, an sinh xã hội bị ảnh hưởng nặng nề.
Để nâng cao sức đề kháng cho toàn dân, quan trọng nhất là đẩy mạnh hơn nữa chiến dịch tiêm chủng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo phải tiêm chủng đầy đủ 2 mũi cho 100% dân số từ 18 tuổi trong năm 2021 và tiêm mũi thứ 3 cho những người có nguy cơ cao trong quý 1-2022. Đây quả thật là điều kiện quan trọng nhất để sống chung an toàn với dịch.
TS NGUYỄN SĨ DŨNG
Phải nhanh như hổ và quyết liệt như hổ trong thực thi chính sách chính là mệnh lệnh của năm Nhâm Dần 2022.
Không truyền thông theo kiểu "dọa ma"
Bộ Y tế và các cơ quan chức năng cần phải trang bị cho người dân sự hiểu biết chính xác, khách quan và khoa học về COVID-19 và cách thức phòng chống nó.
Trong thời đại của cuộc cách mạng 4.0, của các phương tiện thông tin - truyền thông hiện đại và công nghệ số, đây không phải là một công việc quá khó khăn, tốn kém.
Khi và chỉ khi mỗi người dân đều có thể tự bảo vệ mình thì dịch bệnh mới có thể bị đẩy lùi. Ngoài ra cũng cần phải có những điều chỉnh hợp lý để hướng tới một chiến lược truyền thông cân bằng hơn.
Truyền thông theo kiểu "dọa ma", theo kiểu thổi phồng chưa chắc đã mang lại hiệu quả cần thiết. Những phản ứng cực đoan, sự hoảng loạn và tuyệt vọng nhiều khi chỉ là hệ quả của việc truyền thông bất cân xứng.
Cần nhanh chóng giảm tải cho các bệnh viện và các cơ sở y tế. Theo số liệu thống kê của nhiều quốc gia, số người nhiễm COVID-19 phát bệnh chỉ chiếm 20%. Số người tự nhiễm và tự khỏi chiếm đến 80%.
Đối với những người đã tiêm đầy đủ hai mũi vắc xin thì tỉ lệ tự nhiễm và tự khỏi lên đến hơn 98%. Cho dù chúng ta chưa thu thập đầy đủ dữ liệu để kiểm chứng về các tỉ lệ này ở nước ta là như thế nào, chắc chắn với tỉ lệ tiêm chủng cao như hiện nay, số người tự nhiễm, tự khỏi ở nước ta cũng sẽ vô cùng lớn.
Như vậy tập trung tất cả những người này vào các bệnh viện và các cơ sở y tế để chữa trị là bất hợp lý. Với cách làm như vậy chắc chắn các bệnh viện và cơ sở y tế đều sẽ bị quá tải nặng nề.
Hậu quả là nhiều F0 phát bệnh sẽ không còn chỗ để được chữa trị. Với số lượng F0 được đưa vào bệnh viện quá lớn thì việc chăm sóc, chữa trị cho họ cũng sẽ rất khó khăn. Đơn giản là không thể có đủ các y bác sĩ và các trang thiết bị y tế.
Giải pháp chính sách là trên cơ sở kinh nghiệm thành công của không ít các địa phương, cần thực hiện nhất quán trong cả nước chủ trương là để tất cả những người tự nhiễm, tự khỏi được cách ly và chữa trị tại nhà.
Nếu các F0 không triệu chứng có thể tự điều trị tại nhà thì các F1 cũng không cần phải cách ly tập trung. Cũng như đối với các F0, điều quan trọng là trang bị cho họ kiến thức, thuốc men và khả năng tiếp cận dịch vụ tư vấn để tự cách ly.
Cách ly tập trung các F1 không chỉ gây ra những tốn kém vô kể cho Nhà nước mà còn có thể để xảy ra lây nhiễm chéo. Đó là chưa nói tới việc sức khỏe về thể chất và tâm lý của những người bị cách ly cũng bị ảnh hưởng rất nặng nề.
Một phản ứng chính sách cực đoan sẽ rất giống với sốc phản vệ. Những vấn đề mà nó gây ra không khéo sẽ lớn hơn rất nhiều so với vấn đề mà nó hướng tới để giải quyết.
Chính sách cực đoan sẽ giống sốc phản vệ
Để phục hồi đời sống kinh tế - xã hội, Nhà nước cần cân đối giữa phòng chống dịch, bảo tồn nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Chúng ta cần phải duy lý và kỹ trị tối đa khi đề ra các giải pháp phòng chống dịch.
Một phản ứng chính sách cực đoan sẽ rất giống với sốc phản vệ. Những vấn đề mà nó gây ra không khéo sẽ lớn hơn rất nhiều so với vấn đề mà nó hướng tới để giải quyết. Hậu quả là chúng ta phải đối mặt với rủi ro là chưa chết vì dịch bệnh đã chết vì thiếu đói và vì nền kinh tế bị đổ vỡ.
Những giải pháp phòng chống dịch làm đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất của đất nước chắc chắn không nên được cho phép quay trở lại. Những giải pháp tạo ra tình cảnh thất nghiệp, thiếu đói cho hàng triệu người dân chắc chắn cũng nên được loại trừ.
Hiện nay Nhà nước đang đứng ra đảm nhận gần như toàn bộ tất cả các khâu của công việc phòng chống dịch từ xét nghiệm, cung ứng vắc xin, thuốc chữa bệnh, đến tiêm chủng, cách ly tập trung, tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID...
Đây là một khối lượng công việc khổng lồ và vô cùng tốn kém. Không sớm thì muộn, chắc chắn Nhà nước sẽ hụt hơi. Như vậy quan trọng là trong năm 2022 phải tìm cách xã hội hóa những phần có thể được từ khối lượng công việc khổng lồ nói trên.
Nếu áp dụng cơ chế thị trường cho việc chăm sóc sức khỏe để phòng chống dịch bệnh, chúng ta hoàn toàn có thể sẽ hình thành nên một ngành kinh tế thật sự ăn nên làm ra.
Khi thị trường đã đảm nhận bớt một phần công việc, Nhà nước sẽ có điều kiện hơn để tập trung lo những khâu mà thị trường không đảm nhận được và lo cho những người nghèo, những người yếu thế trong xã hội.
Cuối cùng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cho hai năm 2022 và 2023 được Chính phủ trình Quốc hội phê chuẩn là rất rộng lớn và toàn diện. Chương trình này bao gồm cả các chính sách tài khóa, các chính sách tiền tệ và cả những cải cách thể chế.
Tuy nhiên, mọi chính sách pháp luật chỉ tốt ngang bằng với việc chúng được thực thi như thế nào trong cuộc sống. Ở đây chất lượng thực thi chính sách là rất quan trọng, nhưng quan trọng không kém là tốc độ thực thi chính sách. Chậm trễ là không còn cơ hội để giải cứu.
Phải nhanh như hổ và quyết liệt như hổ trong thực thi chính sách chính là mệnh lệnh của năm Nhâm Dần 2022.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận