24/01/2013 06:18 GMT+7

Nấm da đầu dù gội đầu thường xuyên

NGỌC NGA
NGỌC NGA

TT - Nhiều người phải thường xuyên đội mũ bảo hiểm như nhân viên giao hàng, công nhân xây dựng, xe ôm... đã đến gặp bác sĩ da liễu vì mắc các bệnh về da đầu mà nguyên nhân là do không vệ sinh mũ đúng cách.

9G90djVS.jpgPhóng to
Vệ sinh mũ bảo hiểm để tránh nguy cơ bị nấm da đầu - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Anh N.B.P. (ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) là nhân viên giao hàng cho một siêu thị. Thỉnh thoảng anh thấy ngứa đầu nhưng không để ý vì nghĩ gội đầu sẽ hết.

Bỏ quên “bạn đường”

"Khi đội chung mũ bảo hiểm, chúng ta sẽ bị vi khuẩn lạ tấn công và mắc bệnh"

Bác sĩ Huỳnh Văn Quang

Gần đây da đầu anh P. bắt đầu ngứa nhiều, nổi mẩn đỏ, mưng mủ, tóc rụng từng mảng. Đi khám da liễu, bác sĩ kết luận anh P. bị nấm da đầu nặng. Anh P. rất ngạc nhiên vì ngày nào cũng tắm và gội đầu thường xuyên. Tuy nhiên khi được bác sĩ phân tích, anh P. mới vỡ lẽ dù vệ sinh cơ thể sạch sẽ nhưng anh chẳng bao giờ vệ sinh chiếc mũ bảo hiểm, vật dụng gắn với anh phần lớn thời gian trong ngày. Đó chính là nguyên nhân khiến anh P. bị bệnh nấm da đầu.

Còn anh P.T.S. (Biên Hòa, Đồng Nai) cũng cho biết hằng ngày anh phải chạy xe máy từ Biên Hòa lên TP.HCM học. Một thói quen không tốt của anh S. là vừa gội đầu xong, không để tóc khô đã vội đội mũ bảo hiểm. Sau một thời gian anh S. bị viêm chân tóc, gây ngứa da đầu rất khó chịu.

Bác sĩ Huỳnh Văn Quang, khoa da liễu Bệnh viện 175, cho biết hiện nay có nhiều bệnh nhân bị nấm da đầu, nấm chân tóc như anh P. và anh S.. Chưa có nghiên cứu nào cụ thể khẳng định đội mũ bảo hiểm là nguyên nhân gây nên các bệnh về da đầu, nhưng khi đội những mũ bảo hiểm không được vệ sinh sạch sẽ sẽ tạo nên môi trường thuận lợi để các bệnh này phát triển. Là vật dụng sinh hoạt hằng ngày nhưng mũ bảo hiểm lại không được giặt giũ thường xuyên nên bụi bẩn, nấm mốc, vi khuẩn tích tụ rất nhiều. Da đầu thường xuyên tiếp xúc bị nấm, vi khuẩn tấn công và gây bệnh.

Theo bác sĩ Quang, không những là nơi tích tụ nhiều loại vi khuẩn, nấm mốc, một số mũ bảo hiểm không đúng quy cách còn khiến da đầu không thể “thở”. Da đầu bị bịt kín cộng với thời tiết nóng bức khiến tăng tiết bã nhờn, đổ mồ hôi nhiều. Hơi nóng do mũ gây ra cộng với hơi thở của chính chúng ta không thoát ra được, tất cả tạo nên một môi trường nóng và ẩm ở vùng đầu. Đây là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn và vi nấm phát triển, gây nên những loại bệnh da đầu thường hay mắc phải. Bên cạnh đó nhiều người có thói quen dùng chung mũ với người khác, sẽ gây ra tình trạng “loạn khuẩn” và có thể mắc bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Hào, trưởng phòng kế hoạch Bệnh viện Da liễu TP.HCM, nói chưa có thống kê về con số bệnh nhân bị nấm da đầu, nhưng thời gian gần đây những bệnh nhân mắc các vấn đề liên quan đến da đầu như nấm da đầu, viêm chân tóc... có xu hướng gia tăng. Những người làm các công việc hay phải đội mũ bảo hiểm như công nhân xây dựng, giao hàng, xe ôm... có nguy cơ bị nấm da đầu nhiều hơn. Bên cạnh đó, một số người bị viêm da tiếp xúc đã bị dị ứng với vật liệu lót bên trong mũ.

Đừng quên vệ sinh mũ

Muốn phòng tránh các bệnh về da đầu, theo bác sĩ Hào, bên cạnh giữ vệ sinh da đầu sạch sẽ cần vệ sinh mũ bảo hiểm thường xuyên bằng các phương pháp như phơi nắng, xịt dung dịch sát khuẩn, lau sạch mũ... Nên lựa chọn những mũ bảo hiểm có miếng lót làm bằng các loại vải mềm mại, thấm hút mồ hôi, ít gây kích ứng da.

Ngoài ra, bác sĩ Quang khuyến cáo mọi người không nên dùng chung mũ bảo hiểm với người khác và đội mũ khi đầu còn ướt. “Phải xem mũ bảo hiểm là một vật dụng cá nhân dùng riêng như bàn chải đánh răng, khăn mặt, không nên dùng chung và phải vệ sinh thường xuyên” - bác sĩ Quang nhấn mạnh. Khi lựa chọn mũ bảo hiểm phải chọn loại đạt chất lượng, đúng quy cách để bảo vệ đầu, có lỗ thoáng khí và miếng lót bên trong có thể gỡ ra để giặt được. Khi bị các bệnh về da đầu cần đến các chuyên khoa da liễu chữa trị kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc về sức khỏe và thẩm mỹ.

NGỌC NGA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên