27/12/2011 12:09 GMT+7

Nam Cực - Một Trăm Năm: ...dám đến những nơi chưa ai từng

TS NGUYỄN TRỌNG HIỀN
TS NGUYỄN TRỌNG HIỀN

TTCT - Ngày 14-12-2011, đánh dấu một trăm năm con người lần đầu đặt chân đến cực nam của Trái đất, còn gọi là South Pole hay Nam Cực.

Kỳ 1: Cuộc đua thầm lặng

hhu4hFpj.jpgPhóng to
“Nam Cực - Vâng, nhưng trong một cảnh ngộ rất khác cho những kẻ đã kỳ vọng” (Nhật ký Scott). Scott và những nhà thám hiểm người Anh thất vọng đứng quanh căn lều để lại của nhóm Amundsen, ngày 17-1-1912 - Ảnh: Tạp chí National Geography, 2011

Trái đất hồi đầu thế kỷ trước đã không ngừng mời gọi được khám phá. Á, Âu, Phi, Bắc và Nam Mỹ, rồi châu Úc, con người đã thăm dò kỹ, và những bản đồ của các châu lục này phần lớn đã hoàn tất. Châu lục thứ bảy, Antarctica hay là châu Nam Cực, vùng đất phía tận cùng của Trái đất mà ngày nay chúng ta biết phủ băng trắng xóa, vẫn còn là nơi chưa ai từng đến.

“Tôi mạnh dạn tuyên bố rằng thế giới sẽ chẳng thu lợi gì được từ châu Nam Cực cả!”. Đó là phát biểu của Cook, nhà hàng hải tiên phong trứ danh người Anh, khi ông lần đầu (1773) vượt quá vĩ tuyến 66032’ Nam (*) và trông thấy những tảng băng trôi dạt trên vùng biển Nam Băng Dương, mà ông đoán là có nguồn gốc từ châu Nam Cực bởi vì những tảng băng này có dính đất đá.

Ấy là cái thời loài người còn nghi vấn chuyện có hay không một vùng đất phía bên dưới châu Úc, nằm bên kia cái bẫy tuyệt mệnh giăng bởi vô số những tảng băng khổng lồ trôi dạt sâu trong cái giá lạnh của Nam Băng Dương.

Lời mời gọi cuối cùng

“Bất kỳ thời đại nào, mới hay cũ, đều muốn sự dũng cảm và niềm tin. Đối với tôi, và có lẽ với bạn, phần lý thú của câu chuyện là về những con người, và chính là cái tinh thần của con người, “những phản ứng của tinh thần”, mới thật là lý thú chứ không phải chuyện họ làm được hay không làm được: ngoại trừ những cảm nhận hời hợt họ không hề thất bại. Đó là cách nhìn của tôi, và tôi biết họ rất rõ. Đây là câu chuyện về đầu óc con người liên can đủ thứ ý nghĩ và khúc mắc, trải dài vượt quá những chân trời xa xôi nhất”. (Trong The worst journey in the world - Chuyến đi tồi tệ nhất thế giới - của Apsley Cherry-Garrard)

Hơn một trăm năm sau những chuyến đi của Cook, châu Nam Cực đã trở nên rõ nét hơn trong tầm ngắm của các nhà thám hiểm, nhưng tuyệt nhiên vẫn không hứa hẹn mang lợi lộc gì mà lại còn chất chứa những hiểm nguy đầy bất lợi ngay cho cả những nhà thám hiểm cừ khôi nhất.

Chính những hiểm nguy này đã giữ vùng đất Nam Cực còn nguyên vẹn không một vết chân người suốt chiều dài lịch sử nhân loại, và vào đầu thập niên 1900 vùng đất trung tâm của châu lục thứ bảy này nghiễm nhiên trở thành nơi còn lại phải đến, là lời mời gọi cuối cùng, dành cho những nhà thám hiểm gan dạ và tham vọng nhất.

Những bức hình trắng đen từ nơi này vẫn còn gợi cho chúng ta những cảm xúc mạnh về một vùng hoang vu với cái lạnh khô khốc, về nỗi nhỏ nhoi lạc loài của con người trước một thiên nhiên bao la vừa đầy đe dọa, lại vừa đẹp - một vẻ đẹp hoang sơ tinh khiết.

Đối với những con người muốn dấn thân vào những nơi chưa ai từng đến, vẻ đẹp tinh khiết sâu xa ấy luôn hàm chứa một thách thức bí hiểm. Hai chữ “Đi Nam” ở phương Tây hồi đầu thế kỷ 20 còn là một thôi thúc mãnh liệt cho những kẻ khát khao muốn làm “một điều gì đó ...”. Đi về “những chân trời xa xôi nhất” – nói như một thành viên trong đoàn thám hiểm của Scott – trở thành mục tiêu của họ, dẫu nhiều người trong số họ sau này đã cảm nhận rất rõ đó cũng chỉ là mục tiêu vô định.

Hành trình của scott

Cuối tháng 10-1911, cuộc chạy đua lịch sử về Nam Cực bắt đầu trong thầm lặng. Hai đoàn thám hiểm, một của Anh do Robert Falcon Scott dẫn đầu và một của Na Uy do Roald Amundsen dẫn đầu, từ mùa hè năm trước (tức là mùa đông ở bắc bán cầu) đã về tập kết ở miền duyên hải của châu Nam Cực, trong vịnh Cá Voi thuộc vùng biển Ross.

Mùa hè ở nam bán cầu là lúc bớt lạnh hơn, và cũng là lúc lớp băng quanh châu lục vỡ ra, mở đường cho tàu của đoàn thám hiểm có thể cập neo vào sát châu lục nhất, rút ngắn một cách đáng kể đoạn đường phải đi.

Đoàn của Scott gồm tất cả 64 người. Họ mang lương thực và thiết bị cần thiết đáp con tàu Terra Nova (Miền Đất Mới) cùng với 33 con chó mua từ Siberia, 19 con lừa từ Mãn Châu và 34.000 điếu xì gà. Còn Amundsen, ban đầu dự định đi Bắc Cực, nhưng khi được tin đô đốc Richard Peary (người Mỹ) đã vượt về đích Bắc Cực vào năm 1909, đoàn Amundsen bí mật đổi mục tiêu và quay chiếc thuyền của họ có tên là Fram (Tiến Lên) đi về Nam Cực.

Ngày 20-10-1911, Amundsen cùng bốn đồng đội lên đường. 10 ngày sau nhóm của Scott mới xuất phát. Nhóm Amundsen khởi đầu thuận lợi, thời tiết tốt, đàn chó của họ càng đi càng khỏe và họ đi mỗi ngày một nhanh hơn. Đội của Scott ít may mắn hơn, đi chưa đầy 100 dặm máy kéo của họ bị hư và phải bỏ, sau đó họ còn bị cầm chân vì bão tuyết gần hai tuần. Ngày 14-12, Amundsen và nhóm Na Uy về đến đích đầu tiên. Nhật ký Amundsen: “Chúng tôi đã đến và cắm cờ tại Nam Cực”.

Ngày 17-1-1912, chỉ một tuần trước khi Amundsen về lại vùng biển an toàn, Scott và đồng đội đặt chân đến Nam Cực và thấy lá cờ Na Uy tung bay trên căn lều của Amundsen để lại. Nhật ký Scott: “Nam Cực... Trời ơi! Tụi tôi đã phải cật lực để đến cho được cái nơi kinh hoàng này, vậy mà chẳng được phần thưởng về đích trước... Giờ đây còn phải đương đầu với hành trình trở về gian khổ tột cùng. Chẳng biết rồi tụi tôi có làm nổi hay không”.

Trên đường về, Scott và đồng đội liên tục khổ sở vì cái đói, lạnh và bệnh. Từng người một ngã gục trên đường về. Cuối tháng 3, khi chỉ còn cách trạm thực phẩm cuối chưa đầy 11 dặm, họ không đi tiếp được nữa vì thời tiết quá lạnh. Scott là người cuối cùng nằm xuống. Dòng chữ cuối cùng trong nhật ký của Scott: “Ngày 29 tháng ba - Vì thượng đế, hãy lo cho những người thân còn lại của chúng tôi”.

__________

(*) Còn gọi là Antarctic circle hay đường vòng nam cực. Danh từ Arctic (tiếng Việt là Bắc Cực) bắt nguồn từ tiếng Hi Lạp, Artikos, có nghĩa là “thuộc về phương bắc” hay “thuộc về chòm sao Bắc Đẩu”. Từ năm 1556, người Hi Lạp đã biết rằng khi đi quá đường vòng bắc cực (Arctic circle - vĩ tuyến 66032’) thì sẽ thấy chòm Bắc Đẩu không bao giờ lặn. Tiếp đầu ngữ “ant” trong “antarctica” có nghĩa là “đối ngược” với arctica. Những vùng bên trong vòng bắc/nam cực là rất lạnh và có ít nhất một ngày luôn thấy mặt trời về mùa hè hay bóng đêm về mùa đông - lấy ví dụ, ngay tại Nam Cực mặt trời mọc liên tục 6 tháng rồi lặn 6 tháng.

__________

Kỳ 2: Những hành trình lãng mạn

TS NGUYỄN TRỌNG HIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên