Mozart liếc nhìn giễu cợt, đồng ý vì muốn hạ nhục kẻ liều mình, thiên tài âm nhạc trổ những ngón nghề trong niềm tự mãn, để rồi được đáp trả bằng màn biểu diễn thiện nghệ hơn nhiều lần. Khán giả hoan nghênh "người lạ da đen" nhiệt liệt trong khi Mozart lao vào cánh gà rú lên: "Thằng chết tiệt này là ai?".
Lúc ấy tiêu đề tác phẩm của đạo diễn Stephen Williams mới hiện lên, Chevalier - nhà soạn nhạc cổ điển da đen đầu tiên trong lịch sử, người được mệnh danh "Mozart đen". Cảnh thách đấu violin giữa Chevalier và Mozart hoàn toàn hư cấu lấy cảm hứng từ cuộc đọ tài giữa hai tay guitar huyền thoại, Jimi Hendrix và Eric Clapton, nhưng vẫn đạt hiệu ứng tuyệt vời để giới thiệu một cái tên mà ngay cả người am hiểu âm nhạc cổ điển cũng chưa chắc quen thuộc.
Sau khi Napoleon lên ngôi, âm nhạc và những câu chuyện cuộc đời của Chevalier dần tuyệt bản và ngày nay, không còn nhiều tài liệu về đời ông. Vì vậy Chevalier được "độn" bằng rất nhiều tình tiết tưởng tượng.
Với những ai đã trót mê các bản concerto của Mozart và huyền thoại thần đồng đóng đinh qua bộ phim Amadeus thuộc hàng kinh điển, hoặc nếu ai là tín đồ của những bản opera thời kỳ Khai sáng của Gluck - nhạc sĩ của mọi nhạc sĩ, thần tượng của từ Mozart đến Wagner, hẳn sẽ cảm thấy có chút khó chịu khi bỗng dưng ở đâu xuất hiện một Chevalier tài ba khiến Mozart lại là kẻ kém tài so đo Salieri.
Sự tán dương quá đà một nhạc sĩ da màu có lẽ chỉ đơn giản là phần mở rộng của trào lưu "woke" (thức tỉnh trước các vấn đề chủng tộc) ở Hollywood. Mặc dù vậy, chứng kiến các tượng đài âm nhạc cổ điển được tái hiện trên màn ảnh vẫn là một tin tốt lành cho người yêu nhạc.
Sau bộ phim tiểu sử hư cấu choáng ngợp về nữ nhạc trưởng Lydia Tár do Cate Blanchett thủ vai vào năm ngoái, với những phân cảnh tuyệt đỉnh về việc dựng bản Giao hưởng số 5 của Gustav Mahler, 2023 tiếp tục là năm của nhạc cổ điển trên phim.
Một trong những tác phẩm được đón chờ nhất là Maestro, bộ phim do các tên tuổi hàng đầu Martin Scorsese, Steven Spielberg và Bradley Cooper sản xuất. Maestro kể câu chuyện đời của Leonard Bernstein, nhạc trưởng và nhà soạn nhạc có lẽ là lỗi lạc nhất của nước Mỹ trong thế kỷ 20 - thế kỷ bá quyền của văn hóa Mỹ.
Chẳng vui sao khi câu chuyện về một nhà soạn nhạc cổ điển đã qua đời, dù còn chưa công chiếu rộng rãi, đã tạo những tranh luận xôn xao khi thước phim Bradley Cooper chỉ đạo dàn nhạc chơi nhạc khúc của Mahler được đăng tải. Liệu điện ảnh hóa có "rẻ tiền" nhạc cổ điển, hay sẽ tạo điều kiện cho tầng lớp đại chúng đến gần hơn với thứ âm nhạc quý tộc này?
Maestro là một dự án trọng điểm của Netflix trong năm nay, tuy còn quá sớm để ăn mừng về sự hồi sinh của tình yêu nhạc cổ điển trong lòng công chúng (như cách Queen sống lại thời huy hoàng nhờ Bohemian Rhapsody), nhưng đừng nói rằng nhạc cổ điển quá cằn cỗi, già nua, chẳng ai quan tâm, khi mà chiếc mũi Do Thái của Bernstein có bị hóa trang quá đà không cũng trở thành tâm điểm tranh cãi.
Cũng đừng quên các bom tấn mùa hè năm nay đều có những phút thăng hoa cùng nhạc cổ điển. Đáng nói nhất chắc chắn là bản ballet Lễ tế mùa xuân khét tiếng của Stravinsky vang lên trong Oppenheimer.
Và khi nghe bản nhạc cuồng nộ, thôi miên được dệt nên từ những hợp âm "bất hòa", chứng kiến Oppenheimer - một nạn nhân của chính trị và cũng là nạn nhân của tham vọng vượt Chúa, chẳng biết ông là kẻ bị hiến tế hay là đồ tể hiến tế bao người khác. Ta biết rằng có lẽ chỉ có nhạc cổ điển với tầm vóc lớn lao của mình mới đi đến tận cùng hành trạng làm người. Như thế, làm sao nhạc cổ điển có thể bị lãng quên?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận