07/06/2006 10:52 GMT+7

Nam Cao và hội họa

PHAN CẨM THƯỢNG (Theo Thể thao và Văn hóa)
PHAN CẨM THƯỢNG (Theo Thể thao và Văn hóa)

Chiều 7-6, triển lãm Nam Cao và tác phẩm qua Nghệ thuật tạo hình sẽ khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, với gần 100 tác phẩm được trưng bày (kéo dài đến 13-6-2006). Nhân dịp này, chúng tôi giới thiệu bài viết Nam Cao và hội hoạ của nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng.

mqTvs5yy.jpgPhóng to

"Tự họa với Chí Phèo - Thị Nở" - Tranh của Thành Chương

Chiều 7-6, triển lãm Nam Cao và tác phẩm qua Nghệ thuật tạo hình sẽ khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, với gần 100 tác phẩm được trưng bày (kéo dài đến 13-6-2006). Nhân dịp này, chúng tôi giới thiệu bài viết Nam Cao và hội hoạ của nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng.

Nam Cao là một trong những nhà văn từ lâu được biết đến đối với nhân dân VN nói chung, họa sĩ nói riêng. Nhân vật của ông như Chí Phèo, Thị Nở, Lão Hạc, Giáo Thứ... cũng từ lâu bước ra khỏi tác phẩm văn học, đi lại trong cuộc sống dưới muôn mặt của con người bình thường và họa sĩ dù không nghĩ đến Nam Cao cũng đã đưa vào tranh những hình ảnh tương tự.

Đó là hình ảnh về những người nghèo khốn khó, những ông giáo bần hàn, những kẻ lưu manh và những con người tha hóa (Tranh Lê Quảng Hà). Cho nên cuộc vận động sáng tác dựa trên âm hưởng của các tác phẩm Nam Cao lần này đã được rất nhiều họa sĩ hưởng ứng.

Số tranh mang tính chất minh họa đơn thuần rất ít, phần lớn là những sáng tác hội họa độc lập dưới âm hưởng của văn học Nam Cao, hoặc là độc lập với cả văn học của Nam Cao, mà những ý tưởng của nhà văn chỉ là cái cớ cho hội họa mà thôi.

Có thể chia những sáng tác hội họa về Nam Cao lần này làm ba phần: 1. Những tác phẩm sáng tác dựa vào các hình tượng văn học Nam Cao. 2. Những tác phẩm đúc rút các ý tưởng có liên quan đến văn học Nam Cao. 3. Những minh họa đơn thuần và biếm họa. (Những sáng tác điêu khắc có thể xếp vào những phần trên, nhưng trong khi viết và trình bày sách, chúng tôi giới thiệu như một phần độc lập).

Trong thời phong kiến, khi kinh sách xuất hiện, thì những minh họa kinh sách cũng ra đời. Những minh họa đó, hoặc căn cứ vào nội dung kinh sách mà chuyển lời thành hình, hoặc chỉ lấy ý của kinh sách mà vẽ ra tranh. Minh họa cũng có nghĩa như vậy, tức là dùng hình vẽ mà làm sáng tỏ câu chuyện. Do vậy mà lời có thể một đằng, hình một nẻo khi hợp lại người xem vừa có thể hiểu chuyện qua tranh, vừa thưởng thức một phong cách vẽ độc lập.

Vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, khi nền văn học hiện đại VN hình thành với nhiều thể loại mới: truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ mới, thì các họa sĩ tự do và họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương đã minh họa cho rất nhiều sáng tác văn học. Điển hình là tập Truyện Kiều của Nguyễn Du với 13 ấn bản khắc gỗ màu của các họa sĩ nổi tiếng như Nguyễn Gia Trí, Nguyên Tường Lân, Nguyễn Đỗ Cung...

Lúc bấy giờ nhiều tiểu thuyết in bằng máy, còn bìa vẫn in thủ công với những tranh khắc gỗ, ví dụ như tập truyện Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân, Dưới bóng Hoàng lan của Thạch Lam, có những minh họa bìa rất đẹp. Những truyện ngắn và những tiểu thuyết dài kỳ đăng trên các báo, như truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan, Tắt đèn của Ngô Tất Tố cũng đi kèm với những minh họa đen trắng.

Đặc biệt là tập thơ ngụ ngôn của La Fontaine do Nguyễn Văn Vĩnh dịch và họa sĩ Mạnh Quỳnh minh họa một cách hóm hỉnh đầy tính ẩn dụ.

Mối quan hệ giữa nhà văn và họa sĩ đã có từ lâu, nhưng nếu như các họa sĩ nhiều người là những độc giả tương đối chăm chỉ của văn học, thì các nhà văn phần nhiều cũng chỉ xem các minh họa cho văn của mình, mà ít để ý đến những sáng tác hội họa độc lập. Ngày nay, xuất bản văn học càng cần đến minh họa và thiết kế của họa sĩ nhiều hơn, nhưng quan hệ giữa nhà văn và họa sĩ dường như ngày càng cách xa. Hai bên ít có những cuộc trao đổi, ít những mối thâm giao, đấy là chưa kể rất nhiều hình ảnh học sĩ hiện lên một cách méo mó trong rất nhiều các sáng tác văn học.

1. Hình tượng Chí Phèo và Thị Nở hiện diện trong rất nhiều tác phẩm, như là đối tượng chính kết cấu lên bức họa. Chúng ta có thể thấy điều đó trong tranh của Thành Chương, Phạm Thăng Long, Tô Chiêm, Lê Thiết Cương... và đặc biệt là nhà văn Hoàng Minh Tường, dù tay bút hội họa là không chuyên, đã vẽ rất nhiều hoạt cảnh từ văn học của Nam Cao thành rất nhiều các bức họa.

Đa phần các họa sĩ nhìn nhận hai nhân vật này như là sự gặp gỡ của tình yêu, sự phô trương những cảm giác nhục cảm, qua đó - tức là qua đời sống tình ái nhìn thấy cái thiện, cái đẹp của những người được coi là xấu xí và lưu manh.

Kết cấu của những bức tranh này mỗi người mỗi vẻ, hoặc quấn quýt trần trụi mà trong sáng như tranh Lê Thiết Cương, hoặc gắn bó thành một hình bóng như tranh của Thành Chương hoặc khiêu khích phô bày như tranh của Đỗ Phấn. Hội họa đã rời xa văn học rất xa, cũng chính như những hình tượng kia tự thân nó đã nằm trong đời sống.

Một loạt các tác phẩm khác xây dựng lên những nhân vật độc tập. Có thể nói Thị Nở ngày nay của Lê Quảng Hà là một tác phẩm hội họa xuất sắc. Họa sĩ phô bày cái giàu sang phú quý đi kèm với cái ê chề của xác thịt và sự không thể khá hơn của bản chất con người dù đã có rất nhiều tiền, nhiều phương tiện.

Lão Hạc của Việt Hải là hình ảnh một người nông dân nghèo nhưng rất tình cảm và cô độc. Hình tượng Lão Hạc cũng được vẽ rất nhiều, và tôi cảm thấy cũng nhiều họa sĩ muốn hóa thân mình vào nhân vật này, hay nhìn thấy nỗi cô đơn của mình qua nhân vật của Nam Cao. Còn Vũ Duy Nghĩa vẽ riêng rẽ các nhân vật Chí Phèo, Thị Nở, Lão Hạc với một cái nhìn hội họa rất trìu mến.

2. Những bức họa được gợi ý khi đọc văn học Nam Cao, có thể làm cho chúng ta thấy khó hiểu, thậm chí có thể nói là sáng tác vì Nam Cao hay không cũng được. Tuy nhiên nếu ta không đòi hỏi hội họa đi đôi với văn học một cách chặt chẽ, không đòi hỏi hội họa chỉ là những hình ảnh thực, thì những bức họa kia cũng đầy tính ẩn dụ và gợi ý.

Đó là Làng Vũ Đại qua bức vẽ gần như trừu tượng của Trần Lưu Hậu , bức Cảm xúc Nam Cao của Đào Quốc Huy cho thấy một xã hội rối loạn, tăm tối và đầy rẫy những điều bất trắc. Bức Tình cảm với vài dòng văn mà Hà Trí Hiếu viết lên tấm toan cùng với một tàu lá chuối cũng là một cảm giác về chuyện xưa mà vẫn có ý nghĩa trong thực tại. Đỗ Đình Tân với bức Tôi nhìn người nông dân mang tính biểu hiện về những nhãn quan khác nhau từ chuyện Đôi mắt.

Ta có thể thấy vẫn ý tưởng ấy nhưng với một cách biểu hiện khác trong tranh Phạm Quang Vinh, với muôn mặt người và nhiều con mắt được dồn vào một khối. Có lẽ chỉ sử dụng ý tưởng văn học và với những ngôn ngữ hội họa tự do, tùy ý có thể làm phát triển hơn một cách thức hội họa chung sống ý tưởng xã hội với nghệ thuật nói chung.

3. Những minh họa cho văn học của Nam Cao từ lâu xuất hiện cùng với những ấn phẩm. Trong đợt sáng tác này không có nhiều minh họa trực diện nhưng những gì đã có cũng đặc sắc cho một lối khắc hòa bằng đường nét hay đen trắng thuần túy.

Eq30fAnF.jpgPhóng to
"Tình yêu đêm trăng" của Đinh Quân - Ảnh: ND
Đó là những nhân vật của Nam Cao qua cái nhìn của Lê Trí Dũng, Nghiêm Hùng, Nguyễn Thanh Hồng và đặc biệt là những bức vẽ trào phúng của Lý Trực Dũng với hai bàn tròn, một bàn toàn những đàn bà tự chỉ nhau và mắng nhau là Thị Nở, bàn kia là Chí Phèo. Ông muốn phê phán cái tính nói xấu nhau và vô trách nhiệm trong chúng ta.

Những tác phẩm điêu khắc là một phần độc đáo của đợt sáng tác này. Hoặc là các tác giả tạc nên những khuôn mặt méo mó của Chí Phèo, sự đối lập âm dương của những khối đen và khối trắng gợi ý từ hai nhân vật trong văn học (tượng của Nguyễn Việt Anh). Có cả lối sáng tác dân gian thô mộc, hóm hỉnh qua những pho tượng cặp đôi bằng gỗ và bằng đất của Anh Vũ.

Nam Cao sinh năm 1915, mất năm 1951, như vậy ông cùng thế hệ với các họa sĩ như Nguyễn Tiến Chung, Lương Xuân Nhị. Người cao tuổi nhất trong sáng tác hội họa lần này là Trần Lưu Hậu sinh năm 1928, còn lại các họa sĩ một số khoảng 60 tuổi và phần lớn là trung niên đổ xuống.

Đây là những thế hệ họa sĩ chủ yếu biết Nam Cao qua văn học và phần lớn đã thâm nhập Nam Cao qua những bài giảng ở nhà trường phổ thông. Mỗi người có thể cảm nhận văn học theo cách riêng của mình và tôi nghĩ chắc chắn những chuyện mà Nam Cao đặt ra nếu không còn có ý nghĩa thực tại, thì cũng không còn quan trọng nữa. Cái nhìn đi trước thời đại của Nam Cao luôn luôn có ý nghĩa cho đến tận hôm nay và các họa sĩ khi vẽ cũng là vẽ cái xã hội hôm nay với những điều mà Nam Cao đã nhìn thấy từ đầu thế kỷ.

Khi 100 Chí Phèo - Thị Nở cùng khoe duyên

PHAN CẨM THƯỢNG (Theo Thể thao và Văn hóa)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên