21/11/2013 10:16 GMT+7

Nam bộ vào mùa khô, xuất hiện mưa trái mùa

QUANG KHẢI thực hiện
QUANG KHẢI thực hiện

TTO - Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, nguyên phó phòng dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, cho biết các tỉnh Nam bộ đã bước vào giai đoạn chuyển từ mùa mưa sang mùa khô từ cuối tháng 10 đầu tháng 11.

Trung bình các năm mùa khô bắt đầu vào khoảng giữa tháng 11 nên mùa khô năm nay xem ra sớm hơn.

jGmvu37M.jpg
Bà Lê Thị Xuân Lan - Ảnh: Q.Khải

* Vì sao đã vào mùa khô nhưng tại Nam bộ đến thời điểm này mưa vẫn còn xuất hiện liên tục ở nhiều nơi thưa bà?

- Mưa xuất hiện nhiều trong thời điểm chuyển mùa và vào mùa khô là do tác động của các cơn bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện liên tục trên biển Đông đổ bộ vào khu vực các tỉnh Nam Trung bộ đến Đông Nam bộ. Hầu như mỗi cơn áp thấp nhiệt đới, bão như trên đều gây mưa vừa mưa to trên diện rộng kéo dài hai đến ba ngày. Mưa còn được dự báo lan vào các tỉnh Tây nguyên, Nam bộ trong những ngày tới. Do Nam bộ đã vào mùa khô nên những trận mưa trên được coi là mưa trái mùa.

* Vào giai đoạn mùa khô cũng là thời điểm thường xuất hiện các đợt không khí lạnh tăng cường từ phía Bắc, theo bà, những đợt không khí lạnh có khả năng ảnh hưởng nhiều đến Nam bộ?

- Nhận định chung cho thấy các đợt không khí lạnh tăng cường của tháng 11 đến trước Noel (24-12) không quá mạnh nên khả năng lan truyền về miền Nam cũng hạn chế. Từ sau Noel cho đến Tết Âm lịch, khả năng có những đợt không khí lạnh với cường độ mạnh tràn về, khi đó Nam bộ mới chịu ảnh hưởng nhiều. Tuy vậy để lặp lại những đợt lạnh lịch sử, nhiệt độ xuống dưới 14 độ C là ít có khả năng xảy ra. Theo nhận định từ sau Noel, khi có không khí lạnh cường độ mạnh tràn về, nhiệt độ tại Nam bộ xuống thấp nhất khoảng 17-19 độ C (tỉnh Bình Phước), 18-20 độ C (các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Bình Dương). Riêng khu vực miền Tây Nam bộ nhiệt độ cao hơn chút đỉnh từ 19-21 độ C.

* Với đặc điểm thời tiết “nóng, lạnh” thất thường xảy ra thời điểm này có ảnh hưởng gì đến sức khỏe và cây trồng?

- Điểm đặc biệt thời tiết mùa khô năm nay là sương mù xuất hiện nhiều và dày đặc hơn mọi năm. Nguyên nhân do có nhiều đợt không khí lạnh tăng cường, độ ẩm trong không khí còn cao. Sương mù ngoài hạn chế tầm nhìn thì còn chứa nhiều yếu tố khói, bụi ô nhiễm sẽ không tốt cho sức khỏe người. Nhiệt độ thay đổi thất thường cũng ảnh hưởng đến các bệnh về đường tim mạch, hô hấp và cũng là điều kiện cho các bệnh như đạo ôn trên cây trồng phát triển. Trường hợp mưa trái mùa hoặc sương muối xuất hiện thì làm giảm khả năng đơm hoa, kết trái của một số loại cây ăn quả như: sầu riêng, chôm chôm, điều…

Trong khi đó theo ông Lê Thanh Hải, phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, mùa đông năm nay ấm hơn tại các tỉnh Bắc bộ, ít có khả năng lặp lại các đợt rét đậm rét hại kéo dài trên 30 ngày như đợt rét lịch sử năm 2008.

IG1XVpzE.jpg Ông Lê Thanh Hải - Ảnh: Tuấn Phùng

* Ông có thể cho biết diễn biến không khí lạnh trong thời gian qua và diễn biến thời tiết thời gian tới, thưa ông?

- Theo số liệu quan trắc cuối tháng 9-2013, một đợt không khí lạnh khá mạnh từ phía bắc tràn về đã gây mưa diện rộng và làm nền nhiệt độ tại các tỉnh phía Bắc giảm mạnh dưới 15 độ C, trời chuyển lạnh. Sau đó, trong tháng 10 và đầu tháng 11 tiếp tục có thêm những đợt không khí lạnh tăng cường nhưng cường độ yếu. Không khí lạnh xuất hiện sớm nhưng thời điểm có những đợt rét đậm xuất hiện muộn hơn các năm. Cụ thể xen kẽ giữa thời kỳ ấm hơn mức bình thường là một số đợt rét đậm, rét hại, thường tập trung từ tháng 1 trở đi thay vì cuối tháng 12 như các năm. Phần lớn các đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ 3-5 ngày, lâu hơn chỉ 7-10 ngày. Vì vậy nhận định chung của chúng tôi là nền nhiệt độ trung bình các tháng mùa đông xuân 2013-2014 ở Bắc bộ phổ biến cao hơn một ít so với trung bình nhiều năm, đồng nghĩa mùa đông năm nay ấm hơn.

* Như vậy trung bình mỗi tháng tới sẽ xuất hiện bao nhiêu đợt không khí lạnh khả năng nhiệt độ giảm thấp nhất là bao nhiêu, có khả năng xảy ra băng giá, tuyết không?

- Dự báo gần nhất là ngày 19, 20-11 sẽ có một đợt không khí lạnh tăng cường nhưng cường độ yếu, đến khoảng 27, 28-11 sẽ có đợt mới cường độ mạnh hơn. Trong các tháng 12 năm 2013 và tháng 1, 2 năm 2014, trung bình mỗi tháng có khoảng 5 đợt không khí lạnh tăng cường. Riêng tháng 1 có thể có đến 6 đợt. Nhiệt độ phổ biến trong các đợt không khí lạnh mạnh tăng cường tại khu vực đồng bằng khoảng 17-19 độ C, khi có rét đậm nhiệt độ có thể xuống 12-15 độ C, còn khu vực các tỉnh miền núi có thể giảm thêm 5 độ C so với khu vực đồng bằng. Nhiệt độ một số nơi vùng núi cao như Sa Pa, Sìn Hồ... cũng có khả năng xuống mức 0-5 độ C, có thể xuất hiện băng giá, sương muối nhưng để xảy ra tuyết là hiếm.

Ngoài nhiệt độ giảm, không khí lạnh mang theo mưa vừa và tan nhanh, trời chuyển sang nắng ráo trong giai đoạn tháng 10 đến tháng 12. Còn từ tháng 1 trở đi sẽ kèm theo mưa phùn kéo dài, trời nhiều mây mù.

* Riêng tình hình khô hạn năm nay tại miền Bắc có căng thẳng hơn so với các năm không thưa ông?

- Lượng mưa các tháng trong mùa đông xuân 2013-2014 phổ biến ở mức thấp hơn một ít so với trung bình nhiều năm. Dòng chảy toàn mùa đông xuân năm 2013-2014 ở hạ lưu sông Hồng và sông Thái Bình có khả năng nhỏ hơn mức trung bình nhiều năm khoảng 10-20%, ở thượng lưu nhỏ khoảng 10-30%, trong đó các tháng cuối mùa cạn (tháng 3, 4-2014) thiếu hụt khoảng 10-20%.

Mùa cạn (tháng 10-2013 đến tháng 4-2014) Bắc bộ sẽ tiếp tục xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ, riêng ở vùng đông bắc, vùng núi phía Bắc và vùng trung du Bắc bộ sẽ thiếu nước nhiều so với các vùng khác. Tuy vậy trong các tháng cuối vụ của mùa khô năm 2014 tình trạng khó khăn trong giao thông đường thủy, cấp nước và phát điện sẽ ít căng thẳng hơn cùng kỳ mùa khô các năm 2012, 2013.

QUANG KHẢI thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên