25/04/2011 07:24 GMT+7

Nam bộ những ngày hào hùng - Kỳ 2: Tôn trọng sự thật

Nguồn: Lịch sử Nam bộ kháng chiến
Nguồn: Lịch sử Nam bộ kháng chiến

TT - “Lịch sử Nam bộ kháng chiến không chỉ cần sử liệu, cần cái nhìn thấu đáo mà còn cần cả sự dũng cảm của người viết sử”, ông Tô Bửu Giám khẳng định.

Kỳ 1:

6Gkvma6R.jpgPhóng to

Ông Nguyễn Trọng Xuất: “Chúng tôi đã tranh luận thẳng thắn trên tinh thần tôn trọng sự thật lịch sử!”

Đối diện sự kiện

Đánh giá giải pháp Genève

Giải pháp Genève chưa phản ánh đầy đủ thắng lợi của nhân dân ta trên chiến trường, chưa đáp ứng được các yêu cầu chính trị của giải pháp do đoàn Việt Nam đề ra, chưa phản ánh đúng thắng lợi cuộc kháng chiến của nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Tuy vậy, hiệp định này đã chấm dứt chiến tranh xâm lược của Pháp ở Đông Dương, đẩy được quân Pháp ra khỏi Việt Nam, phá được âm mưu kéo dài chiến tranh của Mỹ, nâng cao được vị trí Việt Nam trên trường quốc tế, giải phóng được miền Bắc, giúp miền Bắc có điều kiện hòa bình để hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng đất nước, làm hậu phương vững chắc cho cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sau này

Ông Nguyễn Trọng Xuất, tổng thư ký ban biên soạn, kể có những văn bản mà các ông phải tiếp cận bằng thư tay của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt. Lại có những con số phải đi tìm từ nhiều nguồn mà đến khi công bố đã làm ngỡ ngàng cả những người từng trực tiếp tham gia sự kiện. “Từ khi bắt tay vào đến lúc hoàn tất, chúng tôi thấy mình như thành một người khác, thấy mình trưởng thành hơn”.

Đó là cách mà một người già nói về lịch sử. Ông hình dung tương phản hơn: những ông già ngồi viết lịch sử đối diện với tuổi trẻ mình và tuổi trẻ của chính những nhân vật tham gia làm nên lịch sử. Ở đó, người ta dần ngộ ra thêm những điều mà trước đây cứ tưởng mình đã biết hết. Lịch sử đã tươi rói lên trong những sự kiện đầy tính khám phá và chiêm nghiệm.

Mỗi tuần ban biên soạn họp một lần tại văn phòng của chủ biên Trần Bạch Đằng. Những cuộc họp ấy sôi nổi, hào hứng và đôi khi gay gắt xoay quanh những góc nhìn, những quan điểm về một sự kiện lịch sử. “Tranh cãi dữ lắm”, ông Tô Bửu Giám nói ngắn gọn. Và đôi khi cuộc tranh cãi chỉ xoay quanh một từ ngữ, một con chữ.

Để diễn tả về sự tổn thất của lực lượng cách mạng và tính chất của phong trào miền Nam sau những đợt đàn áp đẫm máu của chính quyền Ngô Đình Diệm giai đoạn 1956-1959, dùng chữ “thoái trào” hay “đen tối”, hay “tình thế hiểm nghèo của cách mạng” các ông đã cân nhắc, đắn đo, tranh luận qua nhiều ngày.

“Chiến tranh qua đi, là những người trong cuộc đôi khi chúng tôi cứ ngỡ mình đã biết hết, hiểu hết, từng vùng miền đều đã có biên soạn, ghi chép sử riêng, cứ ngỡ đã sáng rõ hết. Nên khi được gọi đến giao việc tham gia ban biên soạn bộ sách này, đa số chúng tôi đều chưa hình dung công việc sẽ là gì, như thế nào. Rồi làm mới vỡ lẽ ra còn quá nhiều điều mình chưa biết, chưa hiểu, chưa thấu. Quá trình tìm hiểu lại các sự kiện với cái nhìn toàn cục của hôm nay khiến tôi thấy mình lớn hẳn lên”, ông Xuất trầm giọng kể.

Và một trong những câu chuyện mà ông tâm đắc, khiến ông thấy mình “lớn lên” nhiều nhất là cuộc tranh luận xoay quanh Hiệp định Genève. Có ý kiến cho rằng cứ “đánh rốc tới” thì không cần phải ký hiệp định Genève, không cần phải chuyển quân... Tuy nhiên, những người viết sử đã chứng minh cho luận điểm của mình bằng những con số về thực lực quân đội Việt Nam sau chiến thắng Điện Biên, tình hình sản xuất, kinh tế miền Bắc năm 1954, những quan điểm đan xen của tình hình quốc tế.

Và cuối cùng, “toàn thể ban biên soạn và chỉ đạo cùng thống nhất rằng Điện Biên Phủ là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược dẫn đến việc ký kết Hiệp định Genève, một thắng lợi chiến lược của cách mạng Việt Nam. Quốc tế đã phải công nhận “độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ” của Việt Nam. Đó mới chính là mục đích lớn mà Cụ Hồ đeo đuổi. Còn vĩ tuyến 16 hay 17, thời hạn hiệp thương để tiến tới tổng tuyển cử sáu tháng hay hai năm chỉ là những vấn đề chiến thuật. Vĩ tuyến 17 là ở trên bản đồ, còn ý thức thống nhất thì đã ở trong lòng dân” - ông Xuất bồi hồi nói vậy.

“Tôn trọng sự thật lịch sử, không tô hồng, không bôi đen”, lời khẳng định chắc nịch của ban biên soạn đã được chứng minh qua những dòng sử được viết từ chính tuổi trẻ tươi hồng và nỗi đau đằm sâu của bao người. Như lời cố thủ tướng Võ Văn Kiệt viết trong lời mở đầu: “Ngay với một kết quả thật đạt, người viết sử vẫn phải trăn trở: đi đến kết quả rất đẹp mà có thể bớt hi sinh không, bớt gian khổ không, có thể nhanh hơn không và nhất là ít tạo hệ lụy trả giá lâu dài không?”.

Sử Nam bộ và người Nam bộ

“Chúng tôi không ngần ngại công bố những sai lầm, thất bại, tổn thất để người đi sau hiểu rằng để có thống nhất, hòa bình ngày hôm nay chúng ta đã phải trả giá thế nào. Biết là để gìn giữ”, ông Xuất nói. Không chỉ soi vào những trận đánh, Lịch sử Nam bộ kháng chiến còn dành những phần lớn phân tích về các chính sách ruộng đất, kinh tế, các hoạt động văn hóa, tuyên truyền. Vẫn cái nhìn thẳng, rõ, vẫn những phân tích sâu sắc, những câu chuyện của hôm qua vẫn như sống động đến hôm nay.

Với cái nhìn phóng khoáng mà quyết liệt ấy, ban biên soạn đã mang đến một bộ sử rất khác. Ông Xuất tâm sự: ”Viết sử và được lớn lên với những trang lịch sử là niềm hạnh phúc cho mình. Nhưng, như Chủ tịch hội đồng chỉ đạo Võ Văn Kiệt đã viết trong lời nói đầu: “Hiện thực cuộc kháng chiến của nhân dân luôn cao hơn khả năng có hạn của hội đồng chỉ đạo biên soạn” nên chúng tôi thường nói với nhau: Phải chân thành lắng nghe những bổ sung phản biện của mọi người, giúp tu chỉnh bộ sử ngày càng tốt hơn...”.

Rồi vị tổng thư ký ban biên soạn ngậm ngùi: “Cả hai ông Võ Văn Kiệt và Trần Bạch Đằng đều đã không được thấy công trình hoàn thành, may mà chúng tôi đã đáp được phần nào mong đợi của hai ông”, tất cả thành viên ban biên soạn đều có chung một ý này. Ai cũng bảo “giá như... thì bộ sử hẳn sẽ còn hay hơn nữa” dù rằng ai cũng đã dốc cạn sức mình.

Với thái độ nghiêm cẩn và cháy lửa ấy, ban biên soạn đã để lại những lời kết luận sau giai đoạn Nam bộ kháng chiến như là viết cho ngày hôm nay: “Cái vốn mà Nam bộ để lại cho hành trình tiếp sau của miền Nam Việt Nam thật đồ sộ: sự sáng tạo và nhạy bén ứng xử với các tình huống, phát huy trí tuệ của cả cộng đồng, thực hiện dân chủ có hệ thống từ trong Đảng đến ngoài xã hội, tinh thần dám nghĩ dám làm, chống lại chủ nghĩa giáo điều, chủ nghĩa kinh viện, tận dụng phát huy khả năng của con người, tìm chỗ đồng nhất trong cộng đồng thay vì khoét sâu mặt khác biệt”.

Tinh thần ấy được chứng minh bằng những câu chuyện ngồn ngộn trong bộ sử.

---------------------------------------

Trong chiến tranh, để khắc phục sai lầm, những người đảng viên cộng sản đã chủ động tìm kiếm một con đường đi đúng: Con đường từ trong nhân dân và thực tiễn. Đó là hoàn cảnh ra đời của nghị quyết 15, khắc phục sai lầm, chuyển hướng chiến lược cho cuộc kháng chiến ở miền Nam.

Kỳ tới:Chuyển hướng chiến lược

Nguồn: Lịch sử Nam bộ kháng chiến
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên