31/10/2019 10:00 GMT+7

Nam Bộ dưới mực nước biển: 'chung sống với nước' thay vì ngăn dòng nước

H.VÂN
H.VÂN

TTO - 'Sống chung' với nước, giảm ngay sử dụng nước ngầm để ngăn sụt lún là ý kiến của chuyên gia trước khả năng Nam Bộ sẽ dưới mực nước biển do nước biển dâng.

Nam Bộ dưới mực nước biển: chung sống với nước thay vì ngăn dòng nước - Ảnh 1.

Do đường giáp với vỉa hè ngập sâu nên người dân đưa con đi học ở một trường mầm non trên đường Lý Tự Trọng (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) phải bỏ xe giữa đường để ẵm con vào trường - Ảnh: CHÍ QUỐC

* Tiến sĩ Philip Minderhoud (ĐH Utrecht, Hà Lan, chuyên gia nghiên cứu sụt lún ở ĐBSCL):

Thay đổi theo hướng "sống chung với nước"

Nghiên cứu mới của Climate Central xác nhận những phát hiện của chúng tôi về ĐBSCL. Theo đó, dữ liệu về độ cao mặt đất toàn cầu của NASA có sai số lớn về dữ liệu độ cao của các khu vực ven biển. 

Điều này có nghĩa những đánh giá trước đây về tác động của nước biển dâng và ảnh hưởng của lũ lụt có thể nhỏ hơn thực tế. Dù vậy, người dân sống ở những vùng bị ngập do ảnh hưởng của nước biển dâng và sụt lún đất không nhất thiết phải di cư, rời bỏ đất đai.

Với các vùng đô thị, chúng ta có thể xây đê để bảo vệ thành phố. Đối với các vùng nông thôn, cần thay đổi theo hướng "chung sống với nước" thay vì cố gắng ngăn chặn dòng nước. 

Để sống chung với nước, đòi hỏi một sự thay đổi về cơ bản trong xây dựng, sản xuất nông nghiệp và tổ chức cuộc sống của người dân. 

Điều này không khó hình dung với người Việt Nam vì cuộc sống trên những ngôi nhà sàn như ở Cà Mau (trên các cột gỗ, cột bêtông) và di chuyển bằng canô, thuyền... trên sông nước là ví dụ điển hình về việc sống chung với nước.

* Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện (chuyên gia độc lập về sinh thái):

Sụt lún đất đáng lo hơn nước biển dâng

Bản gốc bài báo cáo khoa học không có những từ ngữ giật gân như bài đăng trên New York Times về việc "Miền Nam Việt Nam có thể biến mất hoàn toàn". Ý nghĩa của nghiên cứu này nằm chủ yếu ở phần cảnh báo cho thế giới tình hình có thể xấu nếu không cắt giảm phát thải. Việc thích ứng tại từng quốc gia phải tính tới tình hình cụ thể và không nên hốt hoảng vì từ ngữ giật gân trên báo chí.

Ở ĐBSCL, gần đây đã có nghiên cứu của các nhà khoa học Hà Lan khá chi tiết, khẳng định lại cao trình của ĐBSCL khoảng 0,82cm và cũng dự báo đến năm 2100 với mức nước biển dâng trung bình 40cm, 25% ĐBSCL sẽ dưới mực nước biển.

Nghiên cứu này dùng đỉnh triều cao, do đó không phải là ngập quanh năm mà chỉ là vào lúc triều cao của năm và triều cao nhất của năm ở ĐBSCL rơi vào hai con nước rong lớn nhất vào khoảng 30-8 và rằm tháng 9 âm lịch. 

Mặt khác, cao trình các nhà khoa học đề cập là cao trình của mặt đất, tức là mặt ruộng. Thực tế hiện nay, nhiều nơi ở ĐBSCL mặt ruộng cũng đang dưới mực nước biển. Tuy nhiên, nhà cửa thì không ai cất nhà ở mặt ruộng mà luôn ở trên cao.

Giữa hai vấn đề làm cho ĐBSCL "chìm" nhanh là nước biển dâng chúng ta không kiểm soát được và sụt lún đất do khai thác nước ngầm thì sụt lún đất đáng lo hơn và đáng ưu tiên giải quyết ngay, vì tốc độ nước biển dâng thực tế đến nay chỉ khoảng 3mm/năm, trong khi sụt lún của đồng bằng đang gấp 3-4 lần và có nơi gấp 10 lần.

Để giải quyết vấn đề sụt lún, ĐBSCL cần phải giảm ngay sử dụng nước ngầm. Theo đó, đối với vùng ven biển nên thuận theo tự nhiên chuyển sang canh tác mặn vào mùa mặn và làm hệ thống công trình trữ nước, cấp nước cho sinh hoạt. Đối với vùng nội địa, cần phục hồi sông ngòi để có thể sử dụng được như cách đây vài chục năm.

Chúng ta cũng không nên hấp tấp cho rằng cần sao chép công trình đê biển như ở Hà Lan vì bối cảnh Việt Nam rất khác so với Hà Lan.

Đồng bằng sông Cửu Long đang “chìm” dần? Đồng bằng sông Cửu Long đang “chìm” dần?

TTO - Nhiều phần diện tích ở nông thôn có mức độ sụt lún 10-20mm/năm và ở thành thị cùng các khu công nghiệp mức độ sụt lún lên đến 25mm/năm.

H.VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên