Xe
22/09/2024 09:43 GMT+7

Năm 2030 tiêu thụ 1 triệu ô tô, có quá tham vọng?

NGỌC AN
và 1 tác giả khác

Bộ Công Thương đặt mục tiêu trong sáu năm tới dự kiến tiêu thụ trên 1 triệu ô tô. Liệu có quá tham vọng với ngành ô tô khi suốt năm năm qua sản lượng và mức tiêu thụ của thị trường ô tô vẫn chỉ quanh 300.000 - 400.000 xe?

Năm 2030 tiêu thụ 1 triệu ô tô, có quá tham vọng? - Ảnh 1.

Khách hàng tìm hiểu dòng xe điện tại TP.HCM - Ảnh: CÔNG TRUNG

Dự thảo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 vừa được Bộ Công Thương đưa ra để lấy ý kiến.

Tăng sản lượng tiêu thụ ô tô gần gấp ba

Theo dự thảo, đến năm 2030, thị trường ô tô Việt Nam dự kiến tăng trưởng bình quân 14 - 16%/năm, với tổng lượng tiêu thụ đạt khoảng 1 - 1,1 triệu xe. Trong đó, xe điện và xe hybrid, năng lượng mặt trời chiếm 350.000 chiếc. Sản lượng xe lắp ráp trong nước dự kiến đạt 600.000 - 700.000 chiếc, tăng 18 - 20%/năm.

Tầm nhìn đến năm 2045 còn tham vọng hơn, với mục tiêu tăng trưởng thị trường 11 - 12%/năm, tổng lượng xe đạt 5 - 5,7 triệu chiếc. Đáng chú ý, xe điện và xe sử dụng năng lượng sạch dự kiến chiếm tới 80 - 85% thị phần, tương đương 4,3 - 4,4 triệu xe. Sản lượng xe lắp ráp trong nước dự kiến đạt 4 - 4,6 triệu chiếc, đáp ứng 80 - 85% nhu cầu nội địa.

Chiến lược này nhấn mạnh việc phát triển ngành ô tô theo hướng "đi tắt đón đầu", tập trung vào xu hướng xe điện, hybrid và các phương tiện sử dụng năng lượng sạch. Mục tiêu là biến ngành công nghiệp ô tô thành động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế, đáp ứng nhu cầu nội địa và tham gia xuất khẩu.

Tuy nhiên, những mục tiêu này được đặt ra trong bối cảnh ngành ô tô Việt Nam đang phát triển chậm chạp. Giai đoạn 2011 - 2023, tốc độ tăng trưởng sản lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước không đều, chỉ đạt bình quân 7,8% trong giai đoạn 2021 - 2023. Một số thương hiệu lớn thậm chí còn giảm sản lượng đáng kể.

Khó giảm giá xe nếu không có chính sách

Theo ông Đào Công Quyết - trưởng tiểu ban truyền thông của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, sự phát triển của xe điện và hybrid ở Việt Nam đang bị hạn chế bởi sự phụ thuộc vào linh kiện nhập khẩu và hạ tầng chưa đầy đủ.

Để đạt mục tiêu tiêu thụ 1 - 1,1 triệu xe/năm vào 2030, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, cải thiện hạ tầng và đẩy mạnh sản xuất nội địa. Hiện tại, mức tiêu thụ ô tô ở Việt Nam chỉ dao động từ 300.000 - 500.000 xe/năm.

Ông Quyết nhấn mạnh rằng dù các hãng xe đã nỗ lực kích cầu, thị trường vẫn chưa vượt qua ngưỡng 500.000 xe. Việc đạt 1 triệu xe vào năm 2030 sẽ rất khó nếu không có chính sách phù hợp và hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ về thuế, cơ sở hạ tầng và công nghệ.

Một doanh nghiệp lớn trong ngành ô tô cũng cho rằng mục tiêu 1 triệu ô tô tiêu thụ vào năm 2030 với tăng trưởng 14 - 16% là khá tham vọng và khó khả thi. Những năm gần đây, tăng trưởng chỉ đạt khoảng 10%, thậm chí có lúc giảm, với sản lượng sản xuất chỉ khoảng 400.000 xe. "Chỉ còn sáu năm nữa để đạt mục tiêu 1 triệu ô tô thì tôi không hiểu là sẽ tăng thế nào? Tăng ở đâu?", vị này nói.

Theo doanh nghiệp này, tăng trưởng thị trường ô tô phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế và thu nhập người dân. Tuy nhiên những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 5 - 7%, chủ yếu do đầu tư công và các lĩnh vực nóng. Dòng tiền đổ nhiều vào đầu tư ảo như bất động sản, chứng khoán không tạo giá trị gia tăng thực sự, ảnh hưởng đến tiêu dùng ô tô.

Doanh nghiệp này cũng chỉ ra rằng các chính sách phát triển ngành ô tô trong nhiều năm qua chưa tạo được đột phá. Một số chính sách còn mang tính ngắn hạn, vụn vặt và thiếu kế hoạch dài hạn khiến ngành công nghiệp ô tô vẫn luẩn quẩn với bài toán "con gà quả trứng".

Vấn đề lớn nhất của ngành ô tô là giá xe cao do cơ cấu giá chủ yếu là thuế và phí. Mặc dù có chính sách khuyến khích phát triển ngành nhưng ô tô vẫn bị xem là mặt hàng xa xỉ, chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Điều này dẫn đến sản lượng tiêu thụ và dung lượng thị trường không tăng, sản xuất trong nước vẫn giậm chân tại chỗ ở mức vài trăm nghìn xe mỗi năm trong hơn một thập niên qua.

Doanh nghiệp này kết luận mục tiêu 1 triệu ô tô có thể đạt được nếu có lộ trình phát triển ngành hợp lý và điều chỉnh mức thuế để giảm giá ô tô, giúp người dân dễ tiếp cận hơn, từ đó tăng dung lượng thị trường.

Năm 2030 tiêu thụ 1 triệu ô tô, có quá tham vọng? - Ảnh 2.

Xe điện hoạt động tại TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH

Phát triển xe điện còn nhiều thách thức

Phát triển xe điện được xem là xu hướng chính được nêu ra trong dự thảo chiến lược phát triển ngành ô tô, song cơ chế chính sách chưa hoàn thiện và việc đầu tư nhiều rủi ro.

Ông Trần Vĩnh Hà, tổng giám đốc VM Motor, chỉ ra rằng thuế nhập khẩu 0% đối với xe chuyên dụng nhập khẩu nguyên chiếc đã tạo ra sự cạnh tranh gay gắt cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Người tiêu dùng có xu hướng chọn xe nhập khẩu, đặc biệt là từ Trung Quốc, do giá thành thấp hơn. Một số doanh nghiệp đã chuyển hướng sang sản xuất xe tải và xe chữa cháy nhưng thiếu sự hỗ trợ từ chính sách khiến việc mở rộng sản xuất và phát triển xe hybrid gặp khó khăn.

Vấn đề phân loại xe hybrid cũng là một thách thức. Một đại diện doanh nghiệp sản xuất ô tô cho biết sự không rõ ràng về chính sách hỗ trợ xe hybrid và xe điện (PHEV) gây lúng túng trong quá trình đầu tư và phát triển sản phẩm mới.

Thị trường xe điện và hybrid đã có bước phát triển đáng kể. VinFast đã bán ra hơn 21.747 xe thuần điện trong nửa đầu năm 2024, tăng gần 92% so với cùng kỳ năm trước. Các mẫu xe điện khác như Hyundai Ioniq 5, MG4 EV và sản phẩm của BYD cũng đã gia nhập thị trường.

Mặc dù vậy, thị trường xe điện và hybrid vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Giá thành cao và hạ tầng sạc điện còn hạn chế là những vấn đề lớn nhất. Các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần đầu tư mạnh vào việc xây dựng mạng lưới trạm sạc và cơ sở bảo dưỡng xe điện, đồng thời giảm giá thành sản phẩm để người tiêu dùng dễ tiếp cận hơn.

Ông Võ Minh Lực, giám đốc BYD Việt Nam, dự đoán xu hướng tiêu thụ xe điện và hybrid tại Việt Nam sẽ ngày càng sôi động trong vài năm tới. BYD đang lên kế hoạch tung thêm nhiều mẫu xe điện và hybrid mới. Ông Lực nhấn mạnh cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ phát triển xe điện để tăng doanh số tiêu thụ.

Nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam cần đạt mức tiêu thụ khoảng 600.000 xe mỗi năm để ngành công nghiệp ô tô thực sự bùng nổ. Chính phủ cần ban hành các chính sách hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp sản xuất xe điện, giảm thuế nhập khẩu linh kiện và hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu công nghệ.

Ông Vũ Tấn Công, nguyên tổng thư ký VAMA, nhấn mạnh rằng để đầu tư ô tô điện tại Việt Nam, nhà đầu tư phải lựa chọn đúng loại sản phẩm thị trường yêu cầu, phát triển mạng lưới các trạm sạc và thực hiện chiến lược kinh doanh đúng đắn.

Ông đề xuất Chính phủ nên có chính sách hỗ trợ hơn nữa cho người mua và sử dụng ô tô điện như hỗ trợ về giá xe, hỗ trợ nhà sản xuất ô tô điện và có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển mạng lưới các trạm sạc ô tô điện.

Năm 2030 tiêu thụ 1 triệu ô tô, có quá tham vọng? - Ảnh 3.Tài mới, có con nhỏ, nữ lái, mua xe gì tầm 500 - 700 triệu?

Theo chuyên gia, câu trả lời cho câu hỏi được nhiều người quan tâm 'mua xe gì?' tùy thuộc vào điều kiện tài chính và nhu cầu sử dụng của mỗi người, sau đó đến các yếu tố về thương hiệu và động cơ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên