Tại hội thảo, ông Trần Quang Lâm - giám đốc Sở Giao thông vận tải - cho biết TP.HCM trình Quốc hội vận dụng nghị quyết 98, cho phép HĐND TP.HCM ban hành cơ chế chính sách chuyển đổi phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng xanh, gắn với phát triển giao thông công cộng.
Các đơn vị đã nghiên cứu kinh nghiệm của các nước và tại huyện Cần Giờ, qua đó nhận định được vấn đề về hạ tầng, tính khả thi, chính sách thực hiện… nhất thiết phải có cơ chế riêng để phát triển giao thông xanh.
Theo ông Lâm, lộ trình thực hiện giao thông xanh dự kiến có hai giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 (từ nay đến tháng 9-2024) sẽ hoàn thành cơ chế chuyển đổi đổi xe công cộng sang xe điện hoặc CNG.
Đến giai đoạn 2 (sau năm 2025), các đơn vị chuyển đổi tất cả xe từ công tới tư, xe máy, ô tô sang xe điện. TP.HCM sẽ tính toán chuyển đổi theo vùng, khu vực, nhóm đối tượng cụ thể với quy trình kiểm soát, tiêu chuẩn rõ ràng. Cũng trong giai đoạn 2, các đơn vị tính tới phương án xử lý pin thải, quản lý sử dụng…
Tại hội thảo, TS Lê Văn Nghĩa (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết theo thống kê hoạt động xe buýt tại TP, xe sử dụng diesel có mức phát thải khí CO2 hơn 6.700 tấn, xe CNG hơn 1.100 tấn. Trong khi đó, xe điện chỉ phát thải khoảng 2,7 tấn.
Khi chuyển đổi xe buýt diesel và CNG sang xe buýt điện thì lượng khí CO2 phát thải giảm 48,93% so với mức hiện nay, phù hợp định hướng "net zero".
Qua so sánh giữa xe buýt CNG và xe buýt điện, PGS.TS Phạm Xuân Mai (Trường đại học Bách khoa TP.HCM) nhận định xe buýt điện đang chiếm ưu thế. Phương tiện này dự kiến tiếp tục tăng trưởng mạnh nhờ cải tiến công nghệ, chính sách hỗ trợ, sự ưa chuộng từ người dùng.
Các chuyên gia cũng nhận định để chuyển đổi giao thông xanh, xe điện trong thời gian tới thì TP.HCM cần những cơ chế chính sách ưu tiên xe xanh. Bên cạnh đó phải tính toán được mạng lưới trạm sạc do ai đầu tư, quy hoạch bố trí ở đâu…? Với tình hình giao thông hiện nay, TP nên cân nhắc bố trí trạm sạc ở bến bãi giao thông công cộng sẵn có.
Trao đổi vấn đề này, ông Phạm Vương Bảo, phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP, thông tin hiện tại TP.HCM có 2.209 xe buýt đang hoạt động. Trong đó có 546 xe điện và CNG (chiếm 24,7%).
Đơn vị đang nghiên cứu đề xuất từ nay đến năm 2025, toàn bộ xe buýt chuyển sang xe CNG và xe điện. Năm 2026, toàn bộ xe buýt đang hoạt động sẽ chuyển sang xe điện.
Ngoài ra, từ năm 2025 - 2030, TP sẽ mở mới 72 tuyến xe buýt với 1.108 xe. Các xe buýt mới này phải là xe điện. Còn các tuyến đang khai thác đã sử dụng năng lượng xanh thì tiếp tục cho phép thay thế xe cùng chủng loại.
"Năm 2030, 100% xe buýt ở TP.HCM sẽ sử dụng năng lượng xanh" - ông Phạm Vương Bảo khẳng định.
Nghiên cứu kỹ về trạm sạc và chính sách
Kết luận hội thảo, ông Trần Quang Lâm - giám đốc Sở GTVT TP - ghi nhận các đơn vị đã thống nhất cao rằng xe điện là xu thế và khả thi về mặt kỹ thuật. Dù vậy việc triển khai có một số vấn đề cần nghiên cứu kỹ về trạm sạc và chính sách.
Theo ông Lâm, sở đã lên sơ đồ trạm sạc giai đoạn từ nay đến năm 2030, trước mắt ưu tiên làm trạm sạc tại các bến xe buýt...
Về định mức và đơn giá hoạt động, ông Lâm cho hay đơn vị đang vận dụng nghị quyết 98 để nghiên cứu triển khai các chính sách hỗ trợ xe buýt điện, đồng thời sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề các bên liên quan cùng bàn bạc trao đổi kỹ hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận