Học sinh giáo dục nghề nghiệp tại Trường Trung cấp nghề kỹ thuật công nghệ Hùng Vương (Q.5, TP.HCM) - Ảnh: TRỌNG NHÂN
TP.HCM xác định phát triển giáo dục nghề nghiệp là quan trọng hàng đầu trong phát triển nguồn nhân lực. Theo đó, thành phố đặt ra nhiều chỉ tiêu để đảm bảo quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo.
Năm 2025, thành phố sẽ thu hút 40-45% học sinh tốt nghiệp vào giáo dục nghề nghiệp (trường nghề), bao gồm cả các học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Trong đó, học sinh, sinh viên nữ trong các trường nghề đạt 30% tổng chỉ tiêu tuyển sinh mới. Ít nhất 40% lực lượng lao động được đào tạo lại, đào tạo thường xuyên.
Hiện số lượng các trường nghề chất lượng cao của thành phố còn khiêm tốn. Vì thế, thành phố phấn đấu đến năm 2024 sẽ có 4 trường nghề chất lượng cao, 4 trường trình độ ASEAN-4.
Đến năm 2030, mạng lưới giáo dục nghề nghiệp sẽ nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo lên 89%. Ngoài ra, 100% ngành nghề được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo khung trình độ quốc gia.
Để đạt được những mục tiêu này, thành phố sẽ tiếp cận nhiều giải pháp cho giáo dục nghề nghiệp. Thành phố sẽ ưu tiên chính sách thu hút cán bộ quản lý, nhà giáo dạy nghề giỏi.
Bên cạnh đó, sẽ có chính sách thu hút nhà đầu tư tham gia phát triển giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, thành phố sẽ đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng đào tạo nghề tại chỗ.
Đặc biệt, thành phố sẽ thành lập Hội đồng phát triển giáo dục nghề nghiệp TP.HCM. Hội đồng gồm các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, hiệp hội, đại diện người lao động… Hội đồng đề xuất các tiêu chuẩn kỹ năng nghề cho chương trình đào tạo tiếp cận với quốc tế.
Thành phố cũng chú trọng hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Các trường cần tăng cường kết nối với doanh nghiệp để tận dụng thiết bị đào tạo tại doanh nghiệp.
Ngoài ra, chương trình giáo dục nghề nghiệp của thành phố được xác định hướng theo tiêu chuẩn quốc tế. Thành phố khuyến khích phát triển các chương trình liên kết với nước ngoài ở các trường nghề.
TP.HCM sẽ tăng ngân sách cho giáo dục nghề nghiệp
Thành phố sẽ tăng ngân sách nhà nước cho giáo dục nghề nghiệp hàng năm. Cụ thể, sẽ ưu tiên phân bổ cho các chương trình, dự án của thành phố.
Ngoài ra, sẽ đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp. Khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân. Đồng thời, thúc đẩy sự tài trợ của các nước phát triển, các tổ chức quốc tế.
Thành phố ưu tiên đầu tư đồng bộ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao. Chú trọng vào các cơ sở thực hiện chức năng đào tạo và thực hành. Các ngành nghề trọng điểm, ngành nghề đào tạo đặc thù cũng sẽ được đặc biệt quan tâm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận