06/09/2024 11:25 GMT+7

Năm 2024 tội phạm tham ô tài sản tăng 50,7%

Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp chỉ rõ một số loại tội phạm tăng mạnh trong năm 2024 do có một phần nguyên nhân từ công tác phòng ngừa, như tội phạm tham ô tài sản tăng 50,7%.

Công an phát hiện nhiều phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm kinh tế, tham nhũng - Ảnh 1.

Quang cảnh phiên họp của Ủy ban Tư pháp - Ảnh: GIA HÂN

Sáng 6-9, Ủy ban Tư pháp tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 14 cho ý kiến về báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024. Số liệu tính từ ngày 1-10-2023 đến 31-7-2024.

Phát hiện một số lĩnh vực, phương thức, thủ đoạn phạm tội mới

Báo cáo của Chính phủ chỉ rõ tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu tiếp tục diễn biến phức tạp.

Nổi lên là vi phạm về quy hoạch, xây dựng, năng lượng, đấu thầu; phương thức, thủ đoạn phổ biến là lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư của Nhà nước để trục lợi, nhận hối lộ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, xây dựng.

Lợi dụng ảnh hưởng của người có chức vụ để trục lợi gây bức xúc trong nhân dân. Vi phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, tham nhũng tại các doanh nghiệp cổ phần, đơn vị, doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Tội phạm, vi phạm pháp luật về đấu thầu, mua sắm, quản lý tài sản công, quản lý, sử dụng đất đai, bảo hiểm, ngân hàng, tài chính, kế toán, thuế, khai thác tài nguyên, khoáng sản... tiếp tục diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều địa phương.

Báo cáo cũng nêu việc phát hiện một số lĩnh vực và phương thức, thủ đoạn phạm tội mới như tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thẩm định giá trong tố tụng hình sự.

Tội phạm sử dụng giấy tờ giả để đăng ký chữ ký số, thay đổi thông tin sử dụng hóa đơn điện tử và chiếm quyền phát hành hóa đơn giá trị gia tăng điện tử của một số doanh nghiệp để phát hành và bán hóa đơn giá trị gia tăng, thu lợi trái phép.

Lợi dụng ngân hàng thương mại để thực hiện hành vi vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới bằng phương thức cho, tặng sổ tiết kiệm...

Trước tình hình trên, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung nhận diện đúng, trúng các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong các lĩnh vực nhạy cảm gây bức xúc trong thời gian dài.

Đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án lớn, vụ án mới với phương châm "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực", thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.

Nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, qua đó tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Đã phát hiện 4.150 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, ít hơn 16%, 936 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ, nhiều hơn 37%...

Công an phát hiện nhiều phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm kinh tế, tham nhũng - Ảnh 2.

Bà Mai Thị Phương Hoa - Ảnh: GIA HÂN

Kiến nghị thu hồi cho ngân sách nhà nước hàng chục nghìn tỉ đồng

Báo cáo của nhóm nghiên cứu Ủy ban Tư pháp do Phó chủ nhiệm Mai Thị Phương Hoa nêu rõ dù đã có nhiều cố gắng nhưng tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội vẫn tăng cả về số vụ, thiệt hại, về số người bị thương, tài sản.

Một số loại tội phạm tăng mạnh, trong đó có một phần nguyên nhân từ công tác phòng ngừa như phạm tội có tổ chức tăng 89,47%; lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tăng 89,90%; tham ô tài sản tăng 50,75%; đánh bạc trên mạng Internet tăng 113,2%...

Một số tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường gia tăng như sản xuất, buôn bán hàng giả tăng 92,2%, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tăng 74,5%...

Nghiên cứu của nhóm chỉ rõ công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn bất cập dẫn đến nhiều đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội, làm cho công tác phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật chưa mang lại hiệu quả cao.

Trong đó một số quy định của pháp luật hiện hành trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, doanh nghiệp còn chưa cụ thể, chưa chặt chẽ, rõ ràng về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền, dẫn đến việc đơn vị, người có thẩm quyền lợi dụng, “móc nối, hướng dẫn” doanh nghiệp thực hiện “lách luật” hoặc bỏ qua sai phạm của doanh nghiệp.

Công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện vi phạm trong một số trường hợp còn chưa hiệu quả.

Công tác quản lý nhà nước trong phát hành trái phiếu, cổ phiếu doanh nghiệp còn nhiều bất cập, còn để tình trạng doanh nghiệp phát hành "trái phiếu khống", bán cổ phiếu doanh nghiệp không có thật để lừa đảo, chiếm đoạt hàng nghìn tỉ đồng của nhà đầu tư.

Nhiều vụ vi phạm đấu thầu, đấu giá, đền bù giải phóng mặt bằng trong hoạt động đầu tư, xây dựng, khai thác tài nguyên, đất đai, tài chính, ngân hàng, xăng dầu, điện với hành vi phạm tội phổ biến.

Cụ thể là đưa, nhận hối lộ, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, có vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đã gây bức xúc trong nhân dân...

Bà Hoa nêu rõ tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng 37,85%. Điều này tiếp tục cho thấy công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng quyết liệt, mạnh mẽ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Nhóm nghiên cứu đánh giá cao tính chủ động, tích cực của các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng công an trong công tác phát hiện, xử lý loại tội phạm này.

Đã phát hiện nhiều phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu trong một số lĩnh vực...

Thanh tra, kiểm toán đã phát hiện nhiều vi phạm, kiến nghị thu hồi cho ngân sách nhà nước hàng chục nghìn tỉ đồng, chuyển nhiều vụ việc có dấu hiệu hình sự sang cơ quan điều tra để xử lý theo thẩm quyền.

 - Ảnh 2.Nạn tham nhũng vặt khiến doanh nghiệp, người dân phải chi trả nhiều khoản ngoài quy định

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã nêu ra khi trả lời kiến nghị cử tri TP.HCM gửi trước kỳ họp thứ 7 của Quốc hội về biện pháp xử lý tham nhũng vặt.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên