Ngày 31-12, đại tá Nguyễn Quang Nhật - trưởng Phòng hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) - cho biết với sự chỉ đạo của Bộ Công an, năm 2023, lực lượng cảnh sát giao thông đã kiên quyết xử lý vi phạm nồng độ cồn, tạo cho người dân thói quen "đã uống rượu bia thì không lái xe".
Phát hiện, xử lý 255 cán bộ, đảng viên vi phạm nồng độ cồn
Theo đại tá Nhật, các vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân chính là do rượu, bia gây ra. Khi đã uống rượu bia, tài xế không chú ý quan sát, không làm chủ được tốc độ… dẫn đến gây tai nạn.
Thời gian qua, cảnh sát giao thông đã tham mưu cho Bộ Công an và bộ tham mưu cho Ban Bí thư ban hành chỉ thị 23, Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị 10 về việc tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới, kiên quyết xử lý nồng độ cồn.
Đặc biệt, chỉ thị 10 ngoài việc xử lý vi phạm về rượu bia còn yêu cầu các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo nghiêm cấm không can thiệp vào việc xử lý vi phạm giao thông. Cán bộ công chức, đảng viên khi uống rượu bia thì không lái xe.
Theo Cục Cảnh sát giao thông, năm 2023, cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý hơn 3,4 triệu trường hợp vi phạm giao thông, phạt tiền hơn 6.500 tỉ đồng, tước hơn 660.000 giấy phép lái xe... Trong đó xử lý vi phạm về nồng độ cồn là hơn 770.000 trường hợp (tăng 460.000 trường hợp so với năm 2022).
Năm 2023 số vụ, số người chết vì tai nạn giao thông nói chung cũng giảm so với năm 2022 (giảm 5,5% số vụ, giảm hơn 1.900 người chết).
Chỉ tính từ ngày 30-8 đến 15-10, các tổ công tác của Bộ Công an đã triển khai 58 địa phương phối hợp với phòng cảnh sát giao thông, công an cấp huyện thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phát hiện, xử lý 6.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn...
Đáng chú ý, qua xác minh ban đầu ghi nhận có 255 trường hợp người vi phạm là cán bộ, công chức, đảng viên...
Tiếp tục xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn trong năm 2024
Nói về khó khăn của cảnh sát giao thông khi thực hiện nhiệm vụ xử lý nồng độ cồn, đại tá Nguyễn Quang Nhật cho hay các tài xế có hơi men dễ kích động, có hành vi phản kháng, không chấp hành kiểm tra.
Có nhiều vụ tài xế chống đối người thi hành công vụ, như vụ tài xế Phạm Trung Dũng (37 tuổi, trú tỉnh Hải Dương) có hành vi không chấp hành đo nồng độ cồn, yêu cầu kiểm tra giấy tờ, máy đo nồng độ cồn của tổ công tác, quay clip phát trên mạng xã hội, gây dư luận trái chiều.
Công an quận Ngô Quyền (TP Hải Phòng) đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Phạm Trung Dũng để điều tra về hành vi trên.
"Nhiều trường hợp không chỉ đòi kiểm tra kế hoạch xử lý vi phạm nồng độ cồn mà đòi hỏi kiểm tra tem kiểm định máy đo cồn, dùng nhiều chiêu trò cản trở lực lượng chức năng...", ông Nhật nói và cho biết "người dân có quyền giám sát, còn kiểm tra phải là những người có thẩm quyền".
Theo đại tá Nhật, năm 2024, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ tiếp tục kiên quyết xử lý các tài xế vi phạm nồng độ cồn, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không ngày nghỉ".
"Chúng tôi không phải đặt nặng vấn đề xử phạt, mà phải làm sao kiểm tra, kiểm soát để tạo cho người dân thói quen đã sử dụng rượu bia thì không lái xe", ông Nhật nhấn mạnh và khẳng định "hiện nay kiểm tra hàng trăm trường hợp mới phát hiện 1 đến 2 trường hợp vi phạm, tỉ lệ rất thấp, nhưng sẽ vẫn duy trì kiểm tra, xử lý".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận