Theo bà Thắng, với thế mạnh là "mặt tiền" của quốc gia, "cửa ngõ" ra biển, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung đã duy trì được tốc độ tăng trưởng. Trong năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng đạt 5,51%, cao hơn bình quân chung cả nước (5,05%).
Tuy nhiên, dù có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh, nhưng trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của vùng này chỉ đạt trên 22 tỉ USD, tương đương giá trị năm 2022.
Trong khi đó kim ngạch nhập khẩu đạt gần 24,7 tỉ USD, giảm hơn 2 tỉ USD so với năm 2022. Trong đó, Thanh Hóa là địa phương dẫn đầu vùng về kim ngạch xuất nhập khẩu, tiếp theo là Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Khánh Hòa…
Tại chương trình, nhiều đại biểu nhìn nhận đây là con số khiêm tốn so với bức tranh tổng thể kim ngạch xuất khẩu năm 2023 của cả nước (hơn 354 tỉ USD).
Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng tăng trưởng kinh tế của vùng dù cao hơn bình quân chung cả nước nhưng so với mục tiêu đặt ra thì nhiều vấn đề cần giải quyết.
Cụ thể như vấn đề kinh tế biển chưa có tính đột phá. Hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa có nhiều chuyển biến, chưa phát huy được ở mức cao nhất lợi thế của các hạ tầng kinh tế khác như sân bay, cảng biển.
Miền Trung giao thương trực tuyến với thị trường nước ngoài
Hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu khu vực miền Trung được tổ chức trực tiếp và trực tuyến, để cung cấp thông tin về cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển xuất nhập khẩu trong khu vực.
Chương trình trực tiếp có khoảng 250 đại biểu từ các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên, các sở công thương, trung tâm xúc tiến thương mại, các hiệp hội ngành hàng, đại sứ quán, tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài và các doanh nghiệp.
Trong ba ngày diễn ra hội nghị cũng sẽ có sự giao thương trực tuyến, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa với các doanh nghiệp các quốc gia Đông Á và Trung Đông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận