Dân số tăng gần 1 triệu người
Tổng cục Thống kê vừa có báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023. Theo thống kê, dân số trung bình của Việt Nam năm 2023 là 100,3 triệu người, tăng 834,8 nghìn người so với năm 2022.
Hiện Việt Nam là quốc gia đông dân thứ ba trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines) và đứng thứ 15 trên thế giới.
Trong đó, nam giới là 50 triệu người, chiếm 49,9%; nữ 50,3 triệu người, chiếm 50,1%. Tỉ số giới tính của dân số là 99,5 nam/100 nữ.
Theo Tổng cục Thống kê, mức sinh đang có xu hướng giảm nhẹ, tốc độ tăng dân số giảm dần trong những năm gần đây. Dự báo mức sinh tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo (tốc độ tăng dân số trung bình năm 2022 là 0,98%, năm 2023 là 0,84%).
Cơ cấu dân số của Việt Nam đang dịch chuyển theo hướng tăng tỉ lệ người cao tuổi và giảm tỉ lệ dân số trẻ. Việt Nam hiện đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng và cũng đồng thời trong quá trình già hóa dân số.
Cụ thể, tỉ trọng nhóm dân số trẻ từ 0-14 tuổi giảm từ 24,3% năm 2019 xuống khoảng 23,9% năm 2023; trong khi nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên tăng nhanh, từ 11,9% năm 2019 lên 13,9% vào năm 2023. Nhóm dân số trong độ tuổi từ 15-59 tuổi chiếm 63,8% năm 2019 giảm xuống còn 62,2% năm 2023.
Bên cạnh đó, tổng tỉ suất sinh năm 2023 ước tính là 1,96 con/phụ nữ. Tỉ suất sinh của Việt Nam thấp hơn trung bình của các nước Đông Nam Á (2,0 con/phụ nữ). Đặc biệt, tình trạng mất cân bằng giới tính vẫn còn ở mức cao. Tỉ số giới tính khi sinh năm 2023 là 112 bé trai/100 bé gái.
Người Việt có tuổi thọ trung bình 73,7 tuổi
Theo Tổng cục Thống kê, chất lượng dân số được cải thiện, mức sinh giảm mạnh và cơ bản duy trì mức sinh thay thế từ năm 2005 trở lại đây. Tỉ lệ tử vong vẫn duy trì ở mức thấp, tuổi thọ trung bình tăng do những thành tựu phát triển của y học và công tác chăm sóc sức khỏe người dân được cải thiện.
Tuổi thọ trung bình của dân số cả nước năm 2023 là 73,7 tuổi (năm 2022 là 73,6 tuổi), trong đó nam là 71,1 tuổi và nữ là 76,5 tuổi.
Người dân Việt Nam có tuổi thọ tương đối cao nếu so với các quốc gia có cùng mức sống, tuy nhiên lại có số năm sống với bệnh tật nhiều.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong 10 quốc gia Đông Nam Á, tuổi thọ nam giới Việt Nam đứng thứ 5 và tuổi thọ phụ nữ Việt Nam đứng thứ 2. Tuy nhiên số năm sống có bệnh tật lại cao so với các nước.
Chia sẻ với báo chí trước đó, PGS.TS Nguyễn Trung Anh, giám đốc Bệnh viện Lão khoa trung ương, cho hay người cao tuổi Việt Nam mắc rất nhiều bệnh. Mỗi người cao tuổi trung bình chịu đựng 14 năm sau của cuộc đời với nhiều bệnh tật phối hợp.
"Cụ thể, trung bình một người trên 60 tuổi mắc 3-4 bệnh, đặc biệt những người trên 80 tuổi có thể mắc trên 6 bệnh. Đây là gánh nặng rất lớn cho bệnh nhân cũng như gia đình, đặc biệt là vấn đề chăm sóc.
Bên cạnh những chính sách hỗ trợ y tế đối với người cao tuổi, người dân cần tăng cường các biện pháp phòng bệnh. Trong đó, cần tầm soát sức khỏe, phát hiện bệnh sớm và quản lý tốt các bệnh tật không lây nhiễm…", ông Trung Anh chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận