Ngày 17-11, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) đã tổ chức lễ hưởng ứng ngày thế giới vì trẻ sinh non năm 2023 (17-11) với chủ đề da kề da ngay sau sinh, thực hành đơn giản tác động tối ưu.
Bác sĩ Nguyễn Diễm Hà - phó trưởng khoa sơ sinh, Bệnh viện Từ Dũ - cho hay trong năm 2023, số trẻ nhập khoa sơ sinh của bệnh viện khoảng 9.300 trẻ, trong đó số trẻ sinh non dưới 37 tuần là 6.000 trẻ.
Trong 6.000 trẻ sinh non có đến 50% có tuổi thai 28 - 34 tuần, đây là đối tượng cần được chăm sóc đặc biệt, có trẻ sinh non cân nặng thấp nhất chỉ 600g.
"Muốn điều trị thành công trẻ sinh non phải hồi sức tích cực sớm từ giây phút đầu tiên sau sinh, tiếp đến là điều trị tốt trong giai đoạn hồi sức.
Cuối cùng là phương pháp kangaroo (đặt trẻ nằm tiếp xúc da kề da trên ngực mẹ - PV) giúp trẻ rút ngắn thời gian nằm viện, tăng hiệu quả điều trị", bác sĩ Hà cho hay.
Ông Trần Đăng Khoa - phó vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) - cho biết những năm vừa qua Việt Nam thực hiện thành công giảm tỉ số tử vong của bà mẹ và trẻ em.
Tuy nhiên so với các nước phát triển, tỉ lệ tử vong bà mẹ và trẻ em của Việt Nam đang còn khoảng cách rất xa với các nước như: Pháp, Nhật Bản, Đan Mạch…
Thách thức rất lớn hiện nay là sự khác biệt tỉ lệ tử vong giữa bà mẹ, trẻ em ở các vùng miền vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cao gấp 2-3 lần so với thành thị. Thậm chí tử vong mẹ của người dân tộc thiểu số Mông cao gấp 7 lần so với người Kinh.
Ngoài ra, tốc độ giảm tử vong trẻ sơ sinh chậm hơn nhiều so với tốc độ giảm tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi và trẻ dưới 5 tuổi.
Theo dữ liệu báo cáo của Bộ Y tế, tỉ lệ trẻ đẻ non nhẹ cân chiếm khoảng 19% trong mô hình bệnh tật trẻ sơ sinh. Tỉ lệ tử vong sơ sinh chiếm 60% trong trẻ em dưới 5 tuổi và 71% trẻ tử vong dưới 1 tuổi.
Nguyên nhân tử vong trẻ sơ sinh phần lớn là do sinh non, thấp cân, ngạt, chấn thương sau khi sinh, dị tật, nhiễm khuẩn. Trong đó nguyên nhân sinh non, nhẹ cân chiếm 25%.
Các nguyên nhân này có thể phòng tránh được như phụ nữ có thai cần phải khám thai định kỳ (ít nhất 4 lần theo quy định Bộ Y tế), phát hiện nguy cơ bất thường thai nhi, chế độ dinh dưỡng hợp lý, lao động, luyện tập phù hợp…
“Một trong những biện pháp da kề da, cho trẻ bú sớm, bú mẹ hoàn toàn, chăm sóc trẻ sinh non, nhẹ cân bằng phương pháp kangaroo là phương pháp đơn giản nhưng mang lại hiệu quả tối ưu cao”, ông Khoa cho hay.
Bác sĩ Trần Ngọc Hải - giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM - cho biết bệnh viện đã dành 90/200 giường bệnh sơ sinh dành cho trẻ áp dụng phương pháp kangaroo.
Ấp kangaroo giảm nguy cơ tử vong ở trẻ sinh non
Các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ cho hay tiếp xúc da kề da liên tục và kéo dài giữa trẻ sơ sinh và cha mẹ là yếu tố then chốt của chăm sóc kangaroo.
Việc này khuyến khích cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ, giảm mức độ căng thẳng và tăng cường sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy việc tiếp xúc da kề da có thể được bắt đầu ngay sau sinh, ngay cả trước khi trẻ sơ sinh được coi là ổn định về mặt lâm sàng.
Tiếp xúc da kề da ngay sau sinh giúp trẻ ổn định thân nhiệt; điều hòa nhịp thở, nhịp tim; phòng hạ đường huyết; giảm mắc các bệnh nhiễm khuẩn; tăng kết nối, gắn kết tình cảm mẹ con và giảm 40% nguy cơ tử vong sớm ở trẻ sơ sinh...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận