Lịch sử quảng cáo trong không gian - Dữ liệu: BẢO ANH tổng hợp - Đồ họa: T.ĐẠT
Ở thời điểm thế giới sắp bước sang năm mới, Đài Al Jazeera (Qatar) nêu ra một dự báo đáng chú ý: "Phải chăng quảng cáo trong vũ trụ sẽ phổ biến vào năm 2022?". Thực tế, một số dự án quảng cáo trong không gian đầy tham vọng đã được các công ty tiết lộ.
Không còn "chuyện trên trời"
"Quảng cáo trong không gian" là hình thức quảng cáo trong không gian vũ trụ hoặc liên quan các chuyến bay vào vũ trụ. Hồi tháng 8, Tập đoàn Năng lượng hình học (GEC) của Canada cho biết có kế hoạch phóng vệ tinh CubeSat vào không gian bằng tên lửa đẩy Falcon 9 của Công ty SpaceX (Mỹ). Một bên của vệ tinh có màn hình hiển thị các quảng cáo, logo…
Khi đã vào quỹ đạo, thiết bị của CubeSat sẽ quay lại màn hình hiển thị. Đoạn phim này sẽ được phát trực tiếp trên hai nền tảng Twitch và YouTube để ai cũng có thể xem màn hình vệ tinh. Giám đốc điều hành GEC Samuel Reid cho biết CubeSat sẽ được phóng vào đầu năm 2022 và mọi người đều có thể quảng cáo trên CubeSat.
Năm 2019, doanh nhân Nga Vlad Sitnikov - nhà sáng lập công ty khởi nghiệp StartRocket - từng đưa ra ý tưởng tương tự. Ông đã tìm đến những người bạn trong ngành vũ trụ, và rốt cuộc chọn hợp tác với Viện Khoa học và công nghệ Skolkovo ở Matxcơva.
Họ nảy ra ý tưởng phóng một nhóm vệ tinh nhỏ vào vũ trụ. Màn hình trên các vệ tinh này phối hợp với nhau tạo thành bảng quảng cáo có thể quan sát từ Trái đất. StartRocket đã công bố các hình ảnh minh họa ý tưởng, trong đó hiển thị quảng cáo Coca Cola xuất hiện trên bầu trời.
Bên cạnh dự án của GEC và StartRocket, Công ty khởi nghiệp ALE của Nhật muốn dùng vệ tinh thả những quả bóng nhỏ tạo ra các ngôi sao băng nhân tạo theo yêu cầu. Ý tưởng này đã thu hút được gần 50 triệu USD vốn đầu tư. Hồi năm 2019, Công ty RocketLab ở New Zealand đã phóng vệ tinh mang tên "Ngôi sao nhân đạo" (Humanity Star), được cho là cũng để quảng cáo trong không gian.
Ô nhiễm ánh sáng
Trước xu thế mới, bên cạnh quan điểm ủng hộ thì luồng dư luận chỉ trích cho rằng quảng cáo trong không gian sẽ gây "ô nhiễm ánh sáng", tạo ra các mảnh vụn không gian...
"Vấn đề ô nhiễm ánh sáng từ không gian là chuyện mới với chúng ta và nó chỉ bắt đầu vào năm 2019 sau khi các vệ tinh Starlink của SpaceX được phóng lên" - ông Jeffrey Hall, giám đốc Đài thiên văn Lowell và là chủ tịch Ủy ban về ô nhiễm ánh sáng, nhiễu sóng vô tuyến và mảnh vỡ vũ trụ của Hiệp hội Thiên văn Mỹ, nêu lo ngại.
Cái gọi là "các chòm sao" - gồm những vệ tinh nhỏ được phóng hàng loạt lên quỹ đạo tầm thấp của Trái đất - đã bùng nổ thời gian qua. Chẳng hạn, SpaceX muốn phóng hàng chục ngàn vệ tinh để cung cấp kết nối Internet trên toàn thế giới.
Với các nhà thiên văn học, để quan sát không gian, họ cần bầu trời tương đối tối. Các nguồn sáng từ vệ tinh hay phản xạ ánh sáng của chòm sao Starlink có thể cản trở việc quan sát của họ. Ông Hall lo ngại các biển quảng cáo trong không gian có thể làm vấn đề nghiêm trọng hơn.
Cả SpaceX, GEC và StartRocket đều đã hứng nhiều chỉ trích vì các kế hoạch của họ. Doanh nhân Nga Sitnikov cho biết đã đối mặt "làn sóng thù hận" năm 2019 và phải tạm dừng dự án lúc đó.
Tuy nhiên, ông Sitnikov cho rằng các biển quảng cáo trong không gian không gây nhiều rắc rối vì theo đề xuất của ông, nó sẽ chỉ hiển thị mỗi lần 6 phút. Ông tin nhiều người sẵn sàng chi tiền để quảng cáo như vậy.
Một vấn đề còn chưa rõ lúc này là nếu loại hình quảng cáo trong không gian trở nên phổ biến vào năm 2022 và gây ra những ảnh hưởng tiêu cực, liệu các quốc gia và tổ chức quốc tế sẽ có hành động cụ thể gì để giải quyết vấn đề?
Luật không gian
Nói về các nguyên tắc điều chỉnh hoạt động của các bên trong thăm dò và sử dụng không gian vũ trụ, không thể không nhắc đến Hiệp ước không gian vũ trụ năm 1967. Giáo sư danh dự Joanne Gabrynowicz, giám đốc Viện Luật không gian quốc tế, cho biết không có nội dung cụ thể nào trong hiệp ước này nói về chuyện quảng cáo trong không gian.
Tuy nhiên, bà Joanne Gabrynowicz lưu ý điều 9 của hiệp ước yêu cầu các bên ký kết cần có "sự quan tâm thích đáng" đến lợi ích của các bên ký kết khác, và tránh "can thiệp có hại" vào các hoạt động không gian của nước khác. Vào thập niên 1990, Mỹ đã thông qua luật cấm những quảng cáo trong không gian bị cho là "gây khó chịu".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận