28/12/2020 08:25 GMT+7

Năm 2021, lãi suất VND ra sao?

LÊ THANH - ÁNH HỒNG
LÊ THANH - ÁNH HỒNG

TTO - Cuối năm, nhiều người bắt đầu ngồi tính bài toán làm ăn cho năm mới. Câu chuyện đầu tư vào đâu lại nóng lên khi lãi suất tiền gửi quá thấp, chứng khoán thời gian qua đã tăng quá mạnh, trong khi vàng vừa trải qua đợt sốt hồi giữa năm 2020.

Năm 2021, lãi suất VND ra sao? - Ảnh 1.

Lãi suất thấp, nhiều người gửi tiền nhận được tiền lãi không nhiều sau khi trừ lạm phát - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn, liệu những kênh đã sốt nóng trong năm 2021 có cơ hội lặp lại cú tăng lịch sử?

"Lãi suất VND trong năm 2021 sẽ ổn định như mức của năm 2020, dù nhu cầu vốn tín dụng có tăng lên và nền sản xuất kinh doanh phục hồi.

Ông TRƯƠNG VĂN PHƯỚC dự báo

Gửi tiền ngắn hạn chờ cơ hội

Chị Trần Thị Hường (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết vừa tất toán sổ tiết kiệm gửi từ tháng 7-2019 và chị đang tính toán có nên gửi tiếp hay không. Bởi lãi suất tiền gửi 6 tháng phổ biến chỉ tầm 4,5%/năm, còn lãi 12 tháng chỉ 5,3%/năm.

"Thường vào thời điểm cuối năm, các ngân hàng (NH) rầm rộ tung ra các chương trình khuyến mãi như tăng lãi suất huy động 0,1 - 0,3% hay tặng quà... Nhưng năm nay lãi suất huy động tại nhiều NH lại giảm" - chị Hường nói.

Bà Kim Chi (Q.Tân Phú, TP.HCM), đã nghỉ hưu, cho hay năm vừa qua bà lãi được hơn 70 triệu đồng nhờ đợt vàng lên giá, sau đó bà dùng cả vốn lẫn lãi gửi tiết kiệm. Lãi suất giảm liên tục, trước đây mỗi tháng bà nhận 7 triệu tiền lãi nhưng hiện chỉ còn 4 triệu.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, hiện lãi suất huy động tại các NH lớn chỉ còn 2,55%/năm, 3%/năm ở những kỳ hạn ngắn, còn kỳ hạn dài chỉ 5 - 6%/năm.

Mấy tháng trước SCB huy động tiết kiệm online kỳ hạn 6 tháng đến 7,3%/năm nhưng đến nay chỉ còn 6,45%, lãnh lãi cuối kỳ. Tuy nhiên, SCB vẫn nằm trong top NH có lãi suất huy động cao hiện nay. Tại NH Nam Á, mức lãi suất cao nhất hiện là 6,8%/năm, áp dụng từ kỳ hạn 18 tháng đến 29 tháng.

Lãi suất VND vẫn ổn định

Vậy trong bối cảnh hiện nay nên bỏ vốn vào kênh nào?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trương Văn Phước, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng việc dự báo đầu tư vào đâu để có lợi trong cả năm 2021 là chuyện vô cùng khó. Chỉ có thể đánh giá rằng tình hình thế giới biến động rất lớn, rất nhanh. Do vậy, đầu tư cần linh hoạt và phù hợp với diễn biến thị trường.

Về lãi suất VND, ông Phước đánh giá với tăng trưởng tín dụng năm nay dự kiến đạt xấp xỉ khoảng 11%, rõ ràng 2 năm trở lại đây, tăng trưởng tín dụng của VN đã thấp xuống so với các năm trước. Điều này cũng phản ánh sự vươn lên của thị trường vốn, nhất là thị trường chứng khoán, cũng như các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào VN.

Nhiều người chần chừ chờ lãi suất tăng. Nhưng theo ông Phước, năm nay lạm phát của VN khá thấp. Tổng cục Thống kê công bố lạm phát bình quân là 3,23%, nhưng theo ông Phước, số này không tiêu biểu cho sức mua của VND, mà nên dùng lạm phát năm theo năm (tháng 12-2019 đến 12-2020), thực tế chỉ có 0,19%.

Điều này giúp NH Nhà nước có nhiều dư địa để điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt và thông thoáng hơn. NH Nhà nước dự kiến tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 khoảng 12%, tùy tình hình có thể tăng đến 14%, nhưng theo ông Phước, thậm chí là 15%.

"Những yếu tố đó cho phép lãi suất VND trong năm 2021 sẽ ổn định như mức của năm 2020, dù nhu cầu vốn tín dụng có tăng lên và sản xuất kinh doanh phục hồi" - ông Phước dự báo.

ThS Trần Kim Long, giảng viên Trường đại học NH TP.HCM, cũng cho rằng lãi suất huy động năm 2021 vẫn duy trì ở mức thấp.

Chính sách của phần lớn các NH thương mại trong năm 2021 là tiếp tục cải thiện chất lượng tín dụng chứ không ưu tiên tăng trưởng mạnh về quy mô. Mặt khác, NH tiếp tục giảm lãi suất đầu ra cho các khoản vay mới để hỗ trợ doanh nghiệp nên dư địa tăng lãi suất huy động không nhiều.

Về phía NH, ông Trần Ngọc Tâm, tổng giám đốc NH Nam Á, đánh giá dù trong năm qua lãi suất huy động giảm nhưng nếu so với USD, giữ VND vẫn lợi hơn.

Ông Tâm cũng cho rằng trong năm 2021 khó có kỳ vọng lãi suất VND tăng vì dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt và các NH phải giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. 

“Giữ VND trong bối cảnh 2021 vẫn hiệu quả hơn USD do tỉ giá USD/VND tiếp tục được ổn định. Xuất khẩu tăng và dự trữ ngoại hối vẫn trên đà tăng trưởng”, ông Tâm nói.

Vàng, USD, chứng khoán: kênh nào tiềm năng?

Ông Trương Văn Phước phân tích năm 2020, thị trường chứng khoán VN tăng gần 12% so với đầu năm. "Điều đó cho thấy dù hoạt động sản xuất của doanh nghiệp chưa thực sự hồi phục nhưng kỳ vọng của nhà đầu tư vào thị trường là tốt..." - ông Phước nói.

Cũng theo ông Phước, thị trường chứng khoán Mỹ cũng tăng điểm. Dù bị tác động nặng của COVID-19 nhưng nước Mỹ cũng đã ứng phó linh hoạt và kịp thời.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ tung tiền ra mua trái phiếu của các doanh nghiệp gặp khó khăn tạo thêm thanh khoản của thị trường. Đây là biện pháp chưa có tiền lệ của các NH trung ương. Yếu tố nổi bật nữa là lãi suất gửi USD là 0% làm cho các dòng vốn tập trung vào chứng khoán.

Còn với thị trường vàng, ông Phước cho rằng không ai ngờ đến thời điểm này, giá vàng tăng tới 25% so với hồi đầu năm.

Nguyên nhân khiến mặt hàng đặc biệt này tăng mạnh là do nó được xem như một kênh đầu tư an toàn khi dịch bệnh bùng phát. Về bất động sản trong nước, ông Phước nhận định tuy thanh khoản thị trường có thể giảm nhưng giá hạ không nhiều.

Đối với kênh vàng, theo ThS Trần Kim Long, nếu giữ vàng từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư đã lãi 20 - 25%. Những yếu tố hỗ trợ giá vàng có thể vẫn được tiếp tục cho đến năm 2021 vì chính sách nới lỏng tiền tệ của các NH trung ương và các kênh đầu tư khác như dầu, bất động sản... còn nhiều biến động.

Với chứng khoán, ông Long nhận định năm 2021 vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng nhưng đà tăng sẽ không mạnh như trong năm 2020. Các nhà đầu tư nên lưu ý về việc đa dạng hóa danh mục cũng như chú ý đến các ngành mà VN hưởng lợi từ việc tham gia các hiệp định thương mại tự do lớn.

Về việc nên chọn kênh đầu tư nào, ông Trần Ngọc Tâm nói trước tiên người đầu tư phải xác định nguồn tiền nhàn rỗi trong thời gian ngắn, trung hay dài hạn, quy mô nguồn tiền như thế nào, kiến thức về tài chính ra sao.

Theo ông Tâm, VND vẫn là kênh phù hợp với người ít kiến thức về tài chính, chấp nhận mức độ rủi ro thấp, trong khi kênh chứng khoán hay bất động sản có rủi ro cao hơn. Đặc biệt với kênh bất động sản, thanh khoản sẽ thấp hơn các kênh khác như vàng hay chứng khoán, gửi tiết kiệm.

Ông Trương Văn Phước (thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng):

Tỉ giá ổn định

Không ai có thể ngờ được trong năm 2020 thế giới lâm vào một cuộc khủng hoảng về y tế trầm trọng đến thế. Hiện rất nhiều nước, nhất là Anh, Pháp, Đức, dịch COVID-19 vẫn bùng phát, thậm chí xuất hiện biến chủng mới.

Đời sống của người dân và doanh nghiệp hết sức khó khăn. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế, tăng trưởng kinh tế thế giới âm khoảng 4,4%, còn năm sau khả quan hơn, đạt 5,2%.

Dự báo, tỉ giá VND tiếp tục ổn định trong năm 2021 bởi khả năng Mỹ tăng lãi suất là khó xảy ra. Dù Mỹ có tân tổng thống, họ vẫn duy trì mức lãi suất rất thấp, 0%, trong ít nhất khoảng 1 năm nữa để phục hồi nền kinh tế. Nếu lãi suất và USD không tăng, tỉ giá USD cũng khó mà tăng được.

Thủ tướng: Ngân hàng phải giảm tiếp lãi suất chứ không nên đặt lợi nhuận kếch xù Thủ tướng: Ngân hàng phải giảm tiếp lãi suất chứ không nên đặt lợi nhuận kếch xù

TTO - Đặt câu hỏi với lãnh đạo ngân hàng là 'năm nay, chia sẻ với người dân thế nào, giảm lãi suất làm sao, cho vay thế nào', 'chứ không phải lợi nhuận kếch xù bao nhiêu', Thủ tướng yêu cầu dứt khoát ngành ngân hàng không để thiếu vốn cho vay.

LÊ THANH - ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên