28/12/2020 06:49 GMT+7

Năm 2020: Giả tức thị chân, chân thị giả

CHIÊU VĂN
CHIÊU VĂN

TTO - "Công nghệ" làm đồ nhái và đồ giả hẳn cũng phải lâu đời như khi người ta nghĩ ra món đồ thật, nhưng có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử, đồ giả lại trở nên "thật" như năm 2020 vừa qua.

Năm 2020: Giả tức thị chân, chân thị giả - Ảnh 1.

Công nghệ deepfake đã làm nhiều gương mặt nổi tiếng trở nên sống động khác thường. Bên trái: hình gốc khuôn mặt của Mona Lisa (Leonardo da Vinci), Salvatore Dalí, "Cô gái đeo khuyên ngọc trai" (Johannes Vermeer), và Infanta Isabella (Rubens). Các ảnh bên phải là biểu cảm của những nhân vật đó có được nhờ deepfake.

Sự tiến triển chóng mặt của trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ "deepfake" giờ đây giúp tạo ra những video "diễn sâu" đến cảnh giới thực sự thật giả bất phân. Quả thật đã đến lúc phải xét lại câu thành ngữ "mắt thấy tai nghe" như đại diện cho những gì đáng tin cậy.

"Deepfake" là từ kết hợp của hai từ "deep learning" (công nghệ học sâu) và "fake" (giả mạo) trong tiếng Anh. Về cơ bản, đó là "truyền thông tổng hợp nhân tạo" - giống "nhựa tổng hợp" hay "kim cương nhân tạo" - nhưng ở đây là thông tin, thường dưới dạng video được tạo ra bằng công nghệ máy học.

Bằng cách chỉnh sửa, cắt ghép, sử dụng hình ảnh, video và giọng nói của người thật, một đoạn video deepfake có thể mô tả một người làm điều họ chưa bao giờ làm, hoặc nói điều họ chưa từng nói giống thật đến mức không thể tin nổi.

Thông qua những tiến bộ mới của AI, công nghệ deepfake sẽ cung cấp cho một mô hình học máy hàng nghìn hình ảnh mục tiêu của một người, để thuật toán nghiên cứu kỹ các chi tiết biểu cảm trên khuôn mặt người đó.

Với đủ dữ liệu và sự huấn luyện, một thuật toán deepfake rốt cuộc sẽ đoán định được khuôn mặt một người trông ra sao theo từng biểu cảm và bắt chước theo như hệt. Người ta cũng có thể làm tương tự với giọng nói.

Vô số những vụ video "giả sâu - diễn sâu" đã gây sóng gió trong năm vừa qua. Mới hồi Giáng sinh ở Anh, kênh 4 của đài quốc gia BBC đã làm dấy lên tranh luận dữ dội khi sản xuất và phát sóng một đoạn video deepfake 5 phút quay Nữ hoàng Elizabeth đọc diễn văn Giáng sinh thường kỳ của bà, trong đó bà chia sẻ những suy nghĩ của mình về năm qua, bao gồm cả việc cháu trai bà Harry lấy vợ Meghan Markle rồi sang Mỹ sinh sống.

Năm 2020: Giả tức thị chân, chân thị giả - Ảnh 2.

Nữ hoàng "diễn sâu" do Debra Stephenson lồng tiếng đấy còn có cả một màn khiêu vũ trên nền tảng mạng xã hội TikTok!

Kênh 4 nói họ phát đi video với ý định đưa ra "lời cảnh báo nghiêm khắc" về mối đe dọa của tin tức giả mạo trong thời đại này. Giám đốc chương trình Ian Katz mô tả với The Guardian rằng đoạn video là "lời cảnh báo mạnh mẽ rằng chúng ta không còn có thể tin vào những gì đôi mắt nhìn thấy nữa".

Trước đó, một số đoạn video deepfake cũng đã lan truyền rất nhanh trên mạng xã hội, qua đó hàng triệu người trên toàn thế giới lần đầu được "nếm trải" công nghệ mới:

Năm 2020: Giả tức thị chân, chân thị giả - Ảnh 3.

Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama mạt sát người đương nhiệm Donald Trump

- Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama mạt sát người đương nhiệm Donald Trump,

- Người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg công nhận rằng mục tiêu thực sự của Facebook là thao túng và lợi dụng người dùng,

- Cựu tổng thống Mỹ Richard Nixon đọc diễn văn công bố vụ đổ bộ lên mặt trăng của NASA là một thất bại...

Năm 2020: Giả tức thị chân, chân thị giả - Ảnh 4.

Cựu tổng thống Mỹ Richard Nixon đọc diễn văn công bố vụ đổ bộ lên mặt trăng của NASA là một thất bại...

Và tất nhiên, rất nhiều video giả liên quan tới dịch COVID-19.

Trong một thế giới vốn đã như chim sợ cành cong vì tin tức giả mạo và những tiêu cực do công nghệ mang lại, dễ hiểu là những đoạn video deepfake nhanh chóng làm dấy lên làn sóng lo sợ và những cảnh báo đen tối.

Areeq Chowdhury, nhà nghiên cứu về chính sách công nghệ ở Anh, nói rủi ro nằm ở chỗ việc sử dụng công nghệ deepfake "ngày càng dễ dàng hơn".

Trong một bài trên Art Technica đăng cuối năm 2019, tay chơi công nghệ Timothy B. Lee cho biết anh chỉ mất 2 tuần lễ và 552 đôla chi phí để tạo ra một video deepfake dài 37 giây.

Từ đầu năm 2020, Facebook công bố lệnh cấm với hàng loạt video và hình ảnh giả mạo có động cơ rõ ràng trên các nền tảng của họ, bao gồm những nội dung do AI tạo ra. Việc phát hiện và xử lý những video kiểu này là một vấn đề rất mới mẻ còn đang gây nhiều tranh luận.

Tháng 11-2019, Twitter tuyên bố họ sẽ có một chính sách deepfake riêng. Rồi tháng 8-2020, Đại học California công bố một báo cáo xác định 20 cách thức trí tuệ nhân tạo có thể góp tay cho tội ác trong tương lai, đứng đầu là nội dung video và phát thanh giả mạo, mà các nhà nghiên cứu cho là rất khó phát hiện và ngăn chặn.

Nhưng bất chấp những nỗi lo, sự phát triển của công nghệ deepfake có lẽ là điều khó tránh trong tương lai, và cũng nhiều người thấy vẫn có thể lạc quan. Những ứng dụng thực tế tích cực của công nghệ này còn hấp dẫn hơn mối đe dọa.

Người ta đã sử dụng deepfake để "thổi hồn" cho những bức họa lừng lẫy.

Nàng Mona Lisa của Leonardo da Vinci giờ có thể nói, cười, giận dữ, buồn rầu với những biểu cảm sống động và thật đến khó tin, tương tự là Cô gái đeo khuyên ngọc trai của Johannes Vermeer, Johanna Staude của Gustav Klimt, hay Người đàn bà không quen biết của Ivan Kramskoi.

Năm 2020: Giả tức thị chân, chân thị giả - Ảnh 5.

Mona Lisa của Leonardo da Vinci giờ có thể nói, cười, giận dữ, buồn rầu

Những sự can thiệp công nghệ mới khiến hội họa chợt trở nên sinh động tuyệt vời và được kỳ vọng sẽ mang được thứ nghệ thuật mũ cao áo dài đó đến với một công chúng rộng lớn hơn.

Trong một ví dụ khác, Bảo tàng Dalí ở St. Petersburg, Florida, Hoa Kỳ, đã mở ra một trải nghiệm hoàn toàn mới cho người xem tại triển lãm Dalí Lives (Dalí sống), với đoạn video nền tảng AI tái hiện hình ảnh kích thước người thật của nhà họa sĩ siêu thực lừng danh người Tây Ban Nha sống động tuyệt diệu từ cơ sở dữ liệu là hàng nghìn giờ video tư liệu về ông.

Trang web chuyên về công nghệ The Verge không khỏi thốt lên: "Dalí hiện ra trước người xem khi họ nhấn vào chuông cửa màn hình nơi ông sống, và ông kể cho họ nghe câu chuyện cuộc đời mình".

Ngoài việc trao cho chúng ta trải nghiệm về những điều không còn tồn tại hoặc thậm chí chưa bao giờ tồn tại, công nghệ deepfake còn có triển vọng ứng dụng gần như không giới hạn trong giáo dục, giải trí, và cả y khoa, cùng nhiều lĩnh vực khác.

Công ty Scotland CereProc đã huấn luyện được các thuật toán deepfake của họ từ những băng ghi âm của cố tổng thống Hoa Kỳ John F. Kennedy tái tạo toàn bộ bài phát biểu chưa bao giờ được đọc của ông ở Dallas ngày 22-3-1963, ngày ông bị ám sát, với giọng Kennedy hầu như hoàn hảo.

Hồi tháng 7, hãng tin Reuters hợp tác với doanh nghiệp khởi nghiệp lĩnh vực AI Synthesia tạo ra bản tin có người dẫn "tổng hợp nhân tạo" đầu tiên bằng công nghệ deepfake. Điều mới lạ ở đây là nhờ đó, bạn có thể tự động tạo ra những bản tin cá nhân hóa - tức lựa chọn người dẫn chương trình mà bạn muốn!

Malaria No More, tổ chức từ thiện với sứ mệnh loại trừ bệnh sốt xuất huyết thì sử dụng deepfake để tạo ra một video David Beckham nói bằng 9 thứ tiếng - đúng giọng Beckham - truyền đi thông điệp chống sốt xuất huyết.

David Beckham nói bằng 9 thứ tiếng đúng giọng Beckham

Dài hơi hơn, các nhà khoa học đang đào tạo những cỗ máy deepfake để đọc các chẩn đoán hình ảnh y khoa. Một nghiên cứu của Nvidia, Mayo Clinic và Trung tâm Dữ liệu khoa học lâm sàng MGH & BWH cho thấy các thuật toán deepfake được huấn luyện bằng hình ảnh y khoa giả lập và 10% hình ảnh thật cũng đưa ra chẩn đoán tốt ngang với thuật toán chỉ dùng hình ảnh thật.

Trở lại với giải trí, nếu như 20 năm về trước việc mở một kênh truyền hình phát cho hàng triệu người xem là không tưởng với bất kỳ cá nhân đơn lẻ nào, thì ngày nay các nền tảng xem nội dung trực tuyến đã khiến điều đó "dễ như ăn kẹo". Công nghệ deepfake sẽ đưa điều này lên một đẳng cấp mới.

Tinghui Zhou, nhà sáng lập và CEO của Humen, một công ty chuyên về deepfake, tóm tắt mục tiêu của mình: "Tương lai mà chúng tôi hình dung ra là mỗi cá nhân đều có thể tạo ra nội dung đẳng cấp Hollywood ngay ở nhà mình".

Giống như các kênh YouTube cá nhân hoành tráng ngày nay là điều không tưởng mới độ chục năm trước, tương lai đó có thể gần hơn ta tưởng. Hóa ra không phải cái gì giả cũng là dở!

Trung Quốc đăng ảnh bêu xấu lính Úc: Phát hiện nhiều tài khoản giả Trung Quốc đăng ảnh bêu xấu lính Úc: Phát hiện nhiều tài khoản giả

TTO - Công ty an ninh mạng Cyabra của Israel đã phát hiện 'bằng chứng về một chiến dịch đưa thông tin sai lệch được dàn dựng ở quy mô lớn' nhằm lan truyền rộng rãi bài đăng của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

CHIÊU VĂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên