Bà Lê Thị Minh (trái) - Q.Tân Bình, TP.HCM - làm thủ tục đăng ký nhận lương hưu tại Bảo hiểm xã hội TP.HCM chiều 28-10 - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Ý kiến này được đưa ra tại cuộc đối thoại trực tuyến do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức ngày 28-10.
Đề nghị nâng tuổi nghỉ hưu thêm 2-5 tuổi
Tại cuộc đối thoại trực tuyến, Thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Phạm Minh Huân cho biết đang đề nghị nâng tuổi nghỉ hưu của nam giới thêm 2 tuổi so với hiện hành, cụ thể là 62 tuổi.
Với nữ giới thì có hai phương án: phương án 1 nâng lên 58 tuổi (cao hơn 3 tuổi so với hiện hành), phương án 2 là nâng thêm 5 tuổi so với hiện hành, tức lao động nữ phải 60 tuổi mới nghỉ hưu.
“Nếu năm 2017 Quốc hội thông qua đề xuất này thì năm 2020 sẽ bắt đầu áp dụng nhưng không phải nâng ngay 2-5 tuổi như đề nghị mà nâng có lộ trình, mỗi năm tăng tuổi nghỉ hưu thêm 3-4 tháng cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu mới.
Ở nhiều nước, nếu nâng tuổi nghỉ hưu thêm 2 tuổi thì họ thường đặt lộ trình tăng mỗi năm thêm hai tháng cho đến khi đạt tuổi nghỉ hưu mới” - ông Huân cho hay.
Lo ngại trước đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu, ông Bùi Sỹ Lợi - phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho biết doanh nghiệp cũng không đồng tình.
“Sức khỏe người lao động không tốt nên càng cao tuổi, khả năng đáp ứng công việc càng khó khăn, trong khi thâm niên cao thì mức lương cũng cao nên doanh nghiệp e ngại” - ông Lợi nói.
Theo ông Lợi, nếu nâng tuổi nghỉ hưu thì quan điểm của ông là chỉ nên áp dụng trước với một số nhóm ngành nghề như cơ quan quản lý nhà nước, y tế, giáo dục nhưng phải là các vị trí có chuyên môn cao thật sự như bác sĩ giỏi, nghiên cứu viên hay giảng viên giỏi, còn cán bộ giữ vị trí quản lý, lãnh đạo, người lao động nặng nhọc, trong bệnh viện hoặc các vị trí như hộ lý... nên giữ nguyên như hiện hành.
“Tất cả còn chờ quyết định của Quốc hội, nhưng đó là quan điểm của tôi” - ông Lợi nói.
Theo ông Trần Đình Liệu, hiện tuổi nghỉ hưu ở VN là 55 với nữ và 60 với nam, nhưng do nhiều ngành nghề đặc thù mà tuổi nghỉ hưu thực tế bình quân hiện chỉ hơn 54 tuổi, trong khi tuổi thọ bình quân của người VN được nâng lên trên 73 tuổi.
Tuy nhiên lại có ý kiến chất vấn cần minh bạch hóa việc đầu tư của quỹ bảo hiểm để làm sao tránh được thất thoát, hoặc không nên để các nhóm ngành đặc thù có tuổi nghỉ hưu rất sớm và lương hưu cao trong quỹ bảo hiểm chung...
Đồ họa: TẤN ĐẠT |
Sẽ có sổ bảo hiểm điện tử
Theo ông Huân, quỹ bảo hiểm xã hội không phải là quỹ chia sẻ, mà là quỹ đóng - hưởng, người nào đóng bao nhiêu phải được hưởng bấy nhiêu, cộng với lợi nhuận thu được từ quá trình đầu tư (vốn do người lao động đóng góp cho quỹ bảo hiểm xã hội) mới là công bằng.
“Hiện nay quỹ đang đầu tư vào trái phiếu Chính phủ là chính, ba năm Quốc hội giám sát hoạt động của quỹ một lần và có thể giám sát đột xuất. Tới đây cần thực hiện hình thức sổ bảo hiểm xã hội điện tử, mỗi người lao động sẽ theo dõi được quá trình đóng và sau đó là hưởng của mình. Đồng thời chúng tôi cũng tính toán hình thức đầu tư, làm sao vừa bảo toàn vốn vừa có lợi nhuận cao hơn các hình thức đầu tư hiện có” - ông Huân chia sẻ.
Với những đề xuất mới, theo ông Huân, số năm đóng bảo hiểm để được hưởng tỉ lệ lương hưu tối đa (75%/lương trung bình 10 năm trước khi nghỉ hưu) có thể lên 30 năm đối với nữ và 35 năm đối với nam.
Bàn về nguy cơ nâng tuổi hưu đồng nghĩa với chuyện lao động trẻ sẽ thiếu việc làm, ông Huân nói: “VN là nước đang phát triển, cần nhiều lao động. Mặt khác, không phải nâng tuổi nghỉ hưu ở tất cả các ngành nghề. Ở các nước, khi nâng tuổi nghỉ hưu thì cũng có ảnh hưởng nhưng mức độ ảnh hưởng là thấp” - ông Huân nói.
Lương hưu thấp so với nhu cầu cuộc sống Dù tối đa khi nghỉ hưu thì được hưởng tới 75% mức lương khi còn tại chức, tỉ lệ cao hơn so với nhiều nước trên thế giới, nhưng bình quân lương hưu ở VN chỉ đạt 3,9 triệu đồng/người/tháng. Nếu không tính cán bộ hưu trí vốn làm việc trong lực lượng vũ trang, lương hưu bình quân chỉ 3,1 triệu đồng/người/tháng, thuộc loại thấp so với nhu cầu cuộc sống, nhất là ở đô thị. Người lao động chỉ còn 11-13 năm sống hưu trí Trong khi tuổi thọ bình quân ở VN đạt trên 73 tuổi, nếu nghỉ hưu ở tuổi 60 với nữ và 62 với nam, người Việt trung bình còn 11-13 năm sống hưởng lương hưu. Trong khi đó, các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ý, Đức... có tuổi nghỉ hưu cao hơn VN rất nhiều, có quốc gia tuổi nghỉ hưu tới 70 tuổi, nhưng tuổi thọ thông thường lên tới 85-89 tuổi, tức người lao động còn sống và hưởng lương hưu thêm 15-19 năm. Ông Nguyễn Văn Tân, phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình, cho rằng xu hướng gần đây là tuổi thọ khỏe mạnh ở VN ngày càng cao nhưng nếu nghỉ hưu ở tuổi 62, bình quân người lao động chỉ còn 5 năm khỏe mạnh. |
Ông HOÀNG KIẾN THIẾT (nguyên trưởng Ban bảo hiểm xã hội tự nguyện, Bảo hiểm xã hội VN): Cần công khai, minh bạch Đi sâu vào phân tích, tôi nhận thấy việc đóng bảo hiểm xã hội theo tập thể, nhưng ghi chép sổ sách lại theo cá nhân, còn người lao động không theo dõi được họ có được đóng bảo hiểm hay không. Ngay cơ quan bảo hiểm cũng rất khó khăn khi xác nhận vì có những dữ liệu trong quá khứ hiện không tra cứu được. Vì vậy người lao động không biết họ được đóng bao nhiêu, dù khoảng năm 2009 cơ quan bảo hiểm đã có cải cách là in tờ rời dữ liệu bảo hiểm hằng năm cho người lao động, nhưng cho đến nay không phải người lao động nào cũng được xem tờ rời đó. Một vấn đề nữa liên quan đến tính minh bạch, người lao động đóng bảo hiểm xã hội như một hình thức gửi tiết kiệm cho tương lai, nhưng họ không biết khoản tiền đó được đầu tư vào đâu, lợi nhuận mỗi năm như thế nào. Hệ thống bảo hiểm xã hội hiện được hưởng lương từ một phần lợi nhuận đầu tư của quỹ, nhưng khoản đó như thế nào... theo tôi cần được minh bạch. Chỉ được coi là minh bạch hóa khi công khai khoản thu được cùng lợi nhuận đầu tư. Về nâng tuổi nghỉ hưu, theo tôi về lâu dài là đúng, còn thời điểm hiện nay lý do nâng tuổi nghỉ hưu do sợ vỡ quỹ là chưa hợp lý. Hiện tuổi nghỉ hưu thực tế là hơn 54 tuổi, nhưng nhiều ngành nghề có tuổi nghỉ hưu sớm là do chính sách, không phải do người lao động đó không đủ sức khỏe làm việc, nên chăng sửa đổi tuổi nghỉ hưu của những ngành nghề có tuổi nghỉ hưu quá sớm mà người lao động còn sức khỏe. Thứ nữa, nguyên tắc của quỹ bảo hiểm xã hội là đóng - hưởng, nhưng việc tính toán những số liệu dẫn đến đề nghị nâng tuổi nghỉ hưu là dựa trên hơn 10 triệu người lao động hiện có bảo hiểm, trong khi lực lượng lao động lên tới xấp xỉ 40 triệu người. Vấn đề là chính sách làm sao để thu hút người lao động tham gia, còn nếu không minh bạch, không hấp dẫn thì sẽ khó gọi thêm người tham gia bảo hiểm xã hội. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận