Đó là thông tin được các hãng tin nước ngoài dẫn báo cáo của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đưa ra chỉ 1 tuần trước khi các nhà lãnh đạo thế giới đến Paris dự Hội nghị lần thứ 21 Công ước biến đổi khí hậu Liên Hợp Quốc năm 2015 (COP 21) ngày 30-11.
Theo báo cáo này, nhiệt độ trung bình toàn cầu trong năm 2015 có thể sẽ là mức nhiệt nóng nhất từng được ghi nhận. Những tác động của biến đổi khí hậu đã dẫn đến mức tăng nhiệt độ toàn cầu 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, khi con người sử dụng ngày càng nhiều năng lượng, chủ yếu từ các nguồn nguyên liệu hóa thạch như than, dầu, khí đốt, qua đó thải vào khí quyển ngày càng nhiều các chất khí gây hiệu ứng nhà kính, dẫn đến tăng nhiệt độ trái đất.
WMO cho biết đó là do sự kết hợp của tình trạng tăng nhiệt toàn cầu và hiện tượng El Nino (nước biển ấm lên vào mùa đông).
Tổng Thư ký WMO cho biết chúng ta đang chứng kiến hiện tượng El Nino mạnh vẫn đang gia tăng cường độ. Điều này đang ảnh hưởng tới những dạng thức thời tiết ở nhiều nơi trên thế giới và góp phần đưa tới một tháng đặc biệt ấm áp. Tác động tăng nhiệt tổng quát của El Nino dự kiến sẽ tiếp tục trong năm 2016.
Theo báo cáo của WMO, giai đoạn 2011-2015 là khoảng thời gian nóng nhất được ghi nhận với nhiều hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt là những đợt nắng nóng, hạn hán do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Lục địa Nam Mỹ, châu Á đang trải qua năm nóng nhất được ghi nhận, trong khi châu Phi và châu Âu đang trải qua năm nóng thứ hai.
Về ứng phó với biến đổi khí hậu, ông Michel Jarraud nói “phát thải khí nhà kính đang gây ra biến đổi khí hậu có thể kiểm soát được. Chúng ta có kiến thức và công cụ để hành động".
Đến nay gần 150 quốc gia đã cam kết hạn chế phát thải khí nhà kính trước Hội nghị COP 21.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận